Thứ sáu, 22/11/2024 14:11 (GMT+7)
Chủ nhật, 21/08/2022 08:59 (GMT+7)

Du lịch Việt Nam – Đừng để “mất điểm” vì rác thải nhựa

Theo dõi KTMT trên

Ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa tại các khu du lịch đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân địa phương, đây cũng là một trong những lí do khiến khách du lịch một đi không trở lại...

Trong những năm qua, du lịch biển phát triển nhanh, kéo theo sự gia tăng lượng khách du lịch... xu hướng này vẫn còn tiếp tục ra tăng trong thời gian tới khi quy mô về cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ du lịch, hệ thống hạ tầng, lưu trú, vận chuyển, giải trí… được mở rộng. Trong khi đó, tại nhiều khu vực ven biển hiện nay, do hoạt động du lịch phát triển đã vượt năng lực quản lý, hoặc do nhận thức của những người có trách nhiệm và điều hành còn hạn chế nên các hoạt động du lịch đã vượt khả năng đáp ứng của tài nguyên thiên nhiên và môi trường, gây tình trạng ô nhiễm cục bộ và nguy cơ suy thoái môi trường.

Du lịch Việt Nam – Đừng để “mất điểm” vì rác thải nhựa - Ảnh 1

Việt Nam có hơn 1 triệu km2 mặt nước biển, hơn 2.770 đảo ven bờ và hàng loạt bãi tắm đẹp trải dọc cả nước, đó là những lợi thế vô cùng thuận lợi để phát triển du lịch. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), trước khi dịch bệnh Covid-19, ước tính các vùng ven biển, khu du lịch biển hàng năm thu hút khoảng 70% lượng khách quốc tế tới Việt Nam, 50% khách nội địa, mang lại 70% doanh thu ngành du lịch cả nước.

Đáng nói, trung bình mỗi khách du lịch lưu trú có lượng rác thải khoảng 1,2kg/ngày đêm; mỗi khách du lịch không lưu trú có lượng rác thải trung bình khoảng 0,5kg/ngày. Trong đó, rác thải nhựa chiếm khoảng 60%.

Du lịch Việt Nam – Đừng để “mất điểm” vì rác thải nhựa - Ảnh 2
Sự tích tụ chất thải nhựa trong đại dương bắt nguồn từ cả đất liền và đại dương là một vấn đề môi trường nghiêm trọng đang nổi lên. (Ảnh All3media International)

Du lịch biển phát triển nhanh và mạnh gây ra vấn nạn ô nhiễm môi trường biển nhức nhối nhiều năm nay. Chỉ nói riêng về chất thải rắn, vào mùa du lịch cao điểm, tỉ lệ thu gom chất thải rắn ở các điểm đến hiện đạt cao nhất chỉ rơi vào khoảng 70% đến 80% khối lượng chất thải ra môi trường. Ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, các khu du lịch biển nổi tiếng, như: Hạ Long, Cát Bà, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Vũng Tàu… đều đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường.

Một thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, tại Việt Nam rác thải nhựa chiếm khoảng 50% - 80% lượng rác thải biển, năm 2019 ước tính lượng chất thải nhựa do khách du lịch thải ra các khu du lịch biển, đảo lên tới hơn 230.000 tấn, trong khi đó, Việt Nam đứng thứ 4 trong các nước có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới, với khoảng 730.000 tấn mỗi năm.

Theo phân tích của các chuyên gia môi trường, khoảng 70% đến 80% lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ nội địa khi các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư xả nước thải, chất thải rắn không qua xử lí ra các con sông ở vùng đồng bằng ven biển hoặc xả thẳng ra biển; trong khi đó, các hoạt động du lịch có ảnh hưởng tới 20% - 30% đến môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên của biển.

Du lịch Việt Nam – Đừng để “mất điểm” vì rác thải nhựa - Ảnh 3

Câu chuyện ô nhiễm môi trường gây mất cảnh quan, ảnh hưởng đến sức khỏe con người là một trong những yếu tố hàng đầu khiến du khách ngần ngại trở lại điểm đến. Ngược lại, trong quá khứ đã nhiều “thiên đường” du lịch phải tự đóng cửa để bảo vệ thiên nhiên.

Năm 2018, Thái Lan đã phải đóng cửa vịnh Maya và đảo Phi Phi nhằm ngăn chặn những tổn thương cho môi trường do quá tải khách du lịch. Trước thời điểm đó, mỗi ngày có khoảng 5.000 lượt du khách tham quan vịnh Maya bằng thuyền, gây ô nhiễm môi trường, phá hủy một phần các rạn san hô. Việc đóng cửa tạm thời nhằm mục đích để các rạn san hô bị tổn thương có thời gian phục hồi.

Du lịch Việt Nam – Đừng để “mất điểm” vì rác thải nhựa - Ảnh 4
Năm 2018, Thái Lan đã đóng cửa toàn bộ vịnh Maya với lý do hệ thống san hô và các bãi biển tại đây đã bị tổn hại do hoạt động của khách du lịch.

Đáng nói, đây không phải khu du lịch duy nhất ở Thái Lan bị buộc đóng cửa do ảnh hưởng từ du lịch tới môi trường. Các hòn đảo Koh Tachai, Koh Khai Nok, Koh Khai Nui và Koh Khai Nai cũng từng bị đóng cửa tạm thời do tình trạng ô nhiễm khá nghiêm trọng.

Hòn đảo Boracay được coi là niềm tự hào của ngành du lịch Philippines cũng từng phải đóng cửa nhiều tháng vì tình trạng ô nhiễm môi trường. Boracay từng nhiều năm liền xuất hiện trong các danh sách bãi biển đẹp nhất hành tinh do các tạp chí du lịch uy tín bình chọn.

Riêng năm 2017, đã có tới gần 4 triệu hành khách tới đây. Sự phát triển nóng đã khiến quần đảo phải đóng cửa liên tục sáu tháng vào năm 2018, để phục hồi thiên nhiên và cảnh quan.

Còn tại Việt Nam, kết quả giám sát môi trường hằng năm về hiện trạng môi trường, chất lượng nước biển ở nhiều bãi tắm trên địa bàn nhiều tỉnh, thành đều đã có dấu hiệu ô nhiễm môi trường.

Đảo ngọc Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, kể từ năm 2019 đã có nhiều hình ảnh, thông tin chia sẻ trên mọi phương tiện truyền thông về việc đang lâm nguy vì ô nhiễm môi trường cả sông lẫn biển do rác thải, nước thải từ các hoạt động sinh hoạt, kinh doanh và du lịch.

Du lịch Việt Nam – Đừng để “mất điểm” vì rác thải nhựa - Ảnh 5
Đảo ngọc Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Đầu năm 2021, nhiều người dân trên đảo đã phản ánh tình trạng sông Dương Đông - một trong những con sông lớn và dài nhất trên đảo - đang “chết dần” vì ô nhiễm. Theo đó, rác không chỉ do người dân địa phương thải ra, mà còn do nhiều khách du lịch đến đây vui chơi thiếu ý thức xả bừa bãi.

Tình trạng ô nhiễm môi trường nhức nhối ở Đảo Ngọc nhiều năm nay đã là nguyên do khiến nhiều du khách, gia đình, công ty du lịch ngần ngại đặt vé tới nơi này. Mặc dù chưa có những số liệu chính thức cho thấy du lịch Phú Quốc bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường ra sao nhưng hậu quả trước mắt chính là cuộc sống của người dân địa phương đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Du lịch Việt Nam – Đừng để “mất điểm” vì rác thải nhựa - Ảnh 6
Du lịch Việt Nam – Đừng để “mất điểm” vì rác thải nhựa - Ảnh 7

Nhận thức được tác hại của rác thải nhựa, nhiều địa phương đã có các sáng kiến trong việc thực hiện những sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường hơn như thực hiện triệt để việc “nói không với túi nylon” tại các điểm du lịch.

Mới đây nhất là tại Cô Tô, huyện đảo này đã có thông báo kết luận về hội nghị triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch, nâng cao chất lượng và hiệu quả du lịch Cô Tô. Trong đó nêu rõ tuyên truyền cộng đồng, doanh nghiệp tích cực nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, chú trọng công tác vệ sinh môi trường, hạn chế sử dụng túi nylon; hình thành thói quen trong nhân dân và du khách về sử dụng các vật liệu tái chế, vật liệu thân thiện với môi trường trong hoạt động du lịch…

Đáng chú ý, bắt đầu từ ngày 1/9/2022, Cô Tô sẽ thí điểm quy định du khách không mang chai nhựa, túi nylon, các vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch tại đây. Đây là một trong những giải pháp mà huyện đảo du lịch Cô Tô đang triển khai thực hiện nhằm xây dựng Cô Tô thành huyện đảo không rác thải nhựa.

Du lịch Việt Nam – Đừng để “mất điểm” vì rác thải nhựa - Ảnh 8
Từ ngày 1/9/2022, Cô Tô sẽ thí điểm quy định du khách không mang chai nhựa, túi nylon, các vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch tại đây.

Không chỉ Cô Tô, trên huyện đảo Cù Lao Chàm (TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam), nếu du khách sử dụng túi nylon sẽ được người dân tại đây nhắc nhở, đồng thời tuyên truyền, vận động về quy định của đảo. Người dân giúp họ chuyển đổi túi nylon bằng các loại túi sinh thái. Nhiều khách du lịch tỏ ra rất thích thú với việc mua quà và quà được gói vào giấy báo thay thế cho túi nylon.

Bên cạnh việc phát giỏ nhựa, Ban Quản Lý Khu Bảo Tồn Biển Cù Lao Chàm cũng đã cho thành lập tổ công tác tuyên truyền, vận động người dân, để bà con nhận rõ tác hại của túi nylon cũng như nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp. Không ít du khách sau khi rời khỏi Cù Lao Chàm đã thay đổi thói quen dùng túi nylon. Chính nhờ thói quen ấy mà hòn đảo xinh đẹp này đã gìn giữ được môi trường trong lành, thân thiện.

Du lịch Việt Nam – Đừng để “mất điểm” vì rác thải nhựa - Ảnh 9
Huyện đảo Cù Lao Chàm (TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam).

Nhằm đảm bảo hài hoà phát triển du lịch nhưng vẫn đảm bảo môi trường, Vườn Quốc gia Phú Quốc cũng đã phối hợp với Quỹ bảo tồn thiên nhiên Thế giới (WWF - Việt Nam) tổ chức tặng hàng trăm thùng đựng rác và tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, các nhà hàng, điểm các vui chơi giải trí và chủ phương tiện đưa rước khách khi tham gia hoạt động du lịch biển.

Hay như tại huyện đảo Lý Sơn, cũng đã lên kế hoạch thực hiện thí điểm không dùng túi nylon tại đảo Bé, xã An Bình với hình thức tuyên truyền người dân sử dụng các loại túi giấy, túi tái chế, túi dùng nhiều lần. Trên cơ sở đó, sẽ nhân rộng ra toàn đảo.

Nhằm giảm thiểu việc sử dụng túi nylon và các sản phẩm nhựa dùng một lần, UBND huyện Côn Đảo phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) đã chính thức khởi động đề án “Côn Đảo - Nói không với túi nylon - Hướng đến mục tiêu không rác thải nhựa”.

Theo đó, chuỗi các hoạt động bao gồm hệ thống bảng tuyên truyền tại khu vực chợ Côn Đảo với thông điệp “Tôi chọn giảm túi nylon – Để Côn Đảo mãi là thiên đường” đã được triển khai.

Du lịch Việt Nam – Đừng để “mất điểm” vì rác thải nhựa - Ảnh 10
Du lịch Việt Nam – Đừng để “mất điểm” vì rác thải nhựa - Ảnh 11

Theo Tiến sỹ Dương Thanh Nghị, Viện Tài nguyên và Môi trường Biển nhận định, giảm thiểu rác thải nhựa sẽ mang lại lợi ích to lớn trong bảo vệ cảnh quan, phát triển du lịch và bảo vệ được nơi sinh sống của các loài sinh vật biển.

“Để giảm thiểu rác thải nhựa nói chung và hạt vi nhựa nói riêng ra biển, cần phải có sự vào cuộc của các nhà khoa học, các tổ chức xã hội và các bộ ngành liên quan và cả người dân. Cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về việc sử dụng các đồ dùng bằng nhựa, hạn chế sử dụng đồ nhựa. Tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chủ chốt về lĩnh vực ô nhiễm môi trường biển và hải đảo. Tăng cường tuyên truyền, giám sát và phát hiện, cảnh báo sớm các nguy cơ gây hại tổn thương đến môi trường biển và hải đảo. Tăng cường hợp tác quốc tế về các vấn đề bảo tồn, giám sát biển và rác thải nhựa ở biển”, Tiến sỹ Dương Thanh Nghị nhấn mạnh.

Du lịch Việt Nam – Đừng để “mất điểm” vì rác thải nhựa - Ảnh 12

Còn theo PGS. TS Nguyễn Chu Hồi, Biển Đông là một trong những khu vực có lượng rác thải nhựa lớn trên thế giới. Trong khi đó, do vấn đề xuyên biên giới của động lực học, hoàn lưu dòng chảy Biển Đông biến đổi theo mùa cộng với việc vật liệu nhựa thường nhẹ và rất dễ di chuyển trong điều kiện động lực học mạnh ở khu vực, tác động của vấn đề rác thải nhựa ở một nước có thể ảnh hưởng đến nước khác rất nhanh. Do đó, sự hợp tác giữa các nước trong khu vực Biển Đông để chung tay cùng giải quyết vấn đề này không chỉ là nguyên tắc chung mà còn là thực tiễn hết sức cấp thiết hiện nay.

Ông Nguyễn Chu Hồi cho rằng, việc xử lý rác thải nhựa là vấn đề rất lớn vì việc đầu tư để nghiên cứu và xử lý các vấn đề trên biển nói chung ở góc độ kinh tế lớn khác hẳn trên đất liền. Vì vậy, việc hợp tác cần phải đi từng bước, trước hết có thể là chia sẻ những bài học kinh nghiệm. Vì khoảng từ 40 đến 70% rác thải nhựa trên biển là từ đất liền nên việc ngăn chặn từ nguồn là rất quan trọng.

Du lịch Việt Nam – Đừng để “mất điểm” vì rác thải nhựa - Ảnh 13
Cần thay đổi thói quen từ những hành động nhỏ nhất. (Ảnh Shutterstock)

“Tất cả các nước đều phải có trách nhiệm trong việc giảm thiểu lượng rác thải nhựa đổ ra vùng cửa sông ven biển và cuối cùng đổ ra biển. Bên cạnh đó, các nước cần hợp tác với nhau để thu gom, xử lý, phân loại, tất cả các rác thải nhựa ở trên biển. “Có thể nói rằng để giải quyết vấn đề rác thải nhựa thì tất cả các nước đều cùng phải giải quyết vấn đề này trong đó có các nước trong khu vực”, PGS. TS Nguyễn Chu Hồi nhận định.

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, GS.TS Hoàng Xuân Cơ -  Trưởng ban nghiên cứu khoa học, Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) cho rằng, ô nhiễm môi trường biển và rác thải đại dương là vấn đề mang tính toàn cầu chứ không chỉ đối với riêng Việt Nam. Hạn chế rác thải nhựa và các vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển là hành động thiết thực, vì một hành tinh xanh.

“Việc triển khai cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần tại các bãi biển đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện. Thậm chí các nước còn đưa những quy định này vào Luật và có những hình thức xử lý nghiêm khắc đối tới những cá nhân, tổ chức vi phạm” - GS.TS Hoàng Xuân Cơ cũng cho biết.

Du lịch Việt Nam – Đừng để “mất điểm” vì rác thải nhựa - Ảnh 14

Nội dung: Hà Lan
Thiết Kế: Thế Hiệp

Bạn đang đọc bài viết Du lịch Việt Nam – Đừng để “mất điểm” vì rác thải nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới