Du lịch tâm linh hay bức hại núi rừng?
Trong ảnh là núi Chín Khúc mà tỉnh Khánh Hòa cho phép đại gia Nguyễn Khánh Hoà “cạo núi” để làm du lịch tâm linh kết hợp với dự án bất động sản.
Từ lâu, tôi sợ nhất là khái niệm “du lịch tâm linh” ở nước mình. Nó là những ngôi chùa nguy nga bề thế toạ sơn quan thuỷ. Chùa chiền luôn có một đặc ân chiếm view đẹp nhất quê hương, chễm chệ nơi linh khí. Để phục vụ nó, núi sẽ bị băm nát, rừng sẽ bị đốn hạ.
Du lịch tâm linh là thứ các địa phương vịn vào để bật đèn cho đại gia bất động sản chiếm đoạt thiên nhiên. Là thứ nhiều địa phương dựng lên để làm đẹp, một vẻ đẹp phù phiếm.
Quê tôi có di tích chùa Hoằng Phúc, một ngôi chùa nhỏ, xưa chỉ vừa một gốc cây đa. Chính quyền tỉnh đứng đầu là bí thư Quang cùng BIDV huy động tiền nhà bank và tiền dân xây lên một công trình đồ sộ.
Ông Bắc Hà và lãnh đạo tỉnh về khánh thành, có nhiều giai thoại, cigar phì phèo, quát nạt lung tung. Tôi vãn cảnh một lần, nguy nga tráng lệ nhưng hoang vu tịch mịch. Ngó gốc cây bia đá đề “phật tử hộ pháp Trần Bắc Hà”, tôi không đến nữa.
Du lịch tâm linh như Tam Chúc, chùa toàn những cây gỗ thân to tính theo người ôm, cột kèo toàn gỗ quý chắc nịch. Đại gia Xuân Trường thỉnh cả tượng vợ vào trong ấy thờ, dân đi vãn bái lạy bình thường.
Không tâm linh nào cứu rỗi được người phàm mê lạc. Khi nhân mạng người dân đổ xuống, mới hiểu trong mỗi thớ gỗ, mỗi phiến đá khối tâm linh kia là biết bao nhiêu linh hồn u uất.
Chúng ta không phá rừng bạt núi, nhưng nhu cầu tâm linh hiếu kỳ lệch lạc đó là góp “duyên” cho “nhân” phá rừng khuếch đại, gây ra hậu quả. Có cung thì sẽ có cầu, cung lớn cầu lớn, càng đến những nơi như vậy, rừng núi càng bị bức tử nhiều hơn, tính mạng người dân trắng trơn sẽ đổ xuống nhiều hơn. Và như vậy, chúng ta cũng đang tạo nghiệp.
Hãy thức tỉnh, nói không với du lịch tâm linh bức núi hại rừng!
(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Để phù hợp hơn với nội dung truyền tải, Ban Biên tập đã chỉnh sửa lại title).
Nhà báo Nguyễn Tiến Tường