Dự kiến đến 2030 Việt Nam sẽ có thêm 177 khu công nghiệp
Trong 10 năm tới, quy hoạch diện tích đất khu công nghiệp dự kiến tăng thêm 115.000ha, đạt 205.800ha. Theo đó, cả nước sẽ có 558 khu công nghiệp, tăng thêm 177 khu công nghiệp so với năm 2020.
Phát triển khu công nghiệp (KCN) được xem là một định hướng, giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, hài hòa giữa các vùng miền, ngành, nghề. Đồng thời, đảm bảo sự phát triển bền vững cho đất nước thời kỳ 2021 - 2030.
Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ nâng tỉ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%. Trong đó, giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD.
Thực tế, làn sóng hình thành và phát triển của các KCN thời gian qua cho thấy Việt Nam đang tích cực chuẩn bị hạ tầng để đón làn sóng FDI từ các doanh nghiệp ngoại.
Từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt hàng loạt KCN mới trên khắp cả nước. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh phía Bắc, tiêu biểu là Bắc Ninh, Bắc Giang và Vĩnh Phúc. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh thành phía Nam cũng không ngừng cải thiện và xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng để sẵn sàng đón các dự án đầu tư KCN mới.
Theo dự thảo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, đến năm 2030 nước ta sẽ dành khoảng 205.800 ha làm khu công nghiệp. Trong đó, có khoảng 60% là đất trực tiếp sản xuất công nghiệp, còn 40% diện tích xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp gồm: giao thông, điện, nước, khu xử lý chất thải, cây xanh,...
Số liệu trên tăng thêm 115.000 ha so với năm 2020, kể cả diện tích 95 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển và các khu kinh tế cửa khẩu. Theo đó, dự kiến sẽ có 558 khu công nghiệp trên cả nước, tăng thêm 177 khu công nghiệp so với năm 2020.
Cụ thể, đất KCN được quy hoạch đến năm 2030 phân bổ theo các vùng như sau: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc 15.170 ha (58 khu công nghiệp), tăng 9.970 ha so với năm 2020, chiếm 7,37% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước.
Vùng Đồng bằng sông Hồng 52.210 ha (142 khu công nghiệp), tăng 32.260 ha so với năm 2020, chiếm 25,37% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước.
Bên cạnh đó, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung sẽ có 47.930 ha (111 khu công nghiệp), tăng 30.830 ha so với năm 2020, chiếm 23,29% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước. Vùng Tây Nguyên 3.730 ha (17 khu công nghiệp), tăng 2.180 ha so với năm 2020, chiếm 1,81% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước.
Ngoài ra, vùng Đông Nam Bộ 59.010 ha (127 khu công nghiệp), tăng 24.770 ha so với năm 2020. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long 27.740 ha (103 khu công nghiệp), tăng 14.980 ha so với năm 2020.
Theo Dự thảo, việc quy hoạch, bố trí diện tích quỹ đất các khu công nghiệp của cả nước như trên là tính tới lâu dài, tránh tốn kém kinh phí trong bồi thường, giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư.
Trong quá trình thực hiện Chính phủ sẽ chủ động điều tiết, phân bổ chỉ tiêu cho các địa phương với các điều kiện và tiêu chí, ưu tiên cho phép các địa phương mở rộng các khu công nghiệp khi đã thực hiện tỉ lệ lấp đầy đạt trên 60%.
Việc điều chỉnh, bổ sung, mở rộng các KCN đối với địa phương đã phát triển KCN chỉ được thực hiện khi tổng diện tích đất công nghiệp của các KCN hiện có được cho thuê ít nhất 60% và xây dựng xong công trình xử lý nước thải tập trung…
Tính đến cuối năm 2020, cả nước có 381 khu công nghiệp, khu chế xuất (gọi chung là khu công nghiệp) được thành lập với tổng diện tích quy hoạch 114.000 ha.
Trong đó, diện tích đã được giao đất và đưa vào sử dụng là 90.800 ha, chiếm 2,31% diện tích đất phi nông nghiệp, tăng 18.800 ha so với năm 2010.
Nguyễn Luận