Chủ nhật, 28/04/2024 13:01 (GMT+7)
Thứ năm, 02/09/2021 06:45 (GMT+7)

Dự báo xuất khẩu thủy sản tiếp tục giảm trong tháng 9

Theo dõi KTMT trên

Kết quả xuất khẩu thủy sản tháng 8 giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái đã phản ánh rõ mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến ngành thủy sản. Với thực trạng đó, bức tranh xuất khẩu thủy sản tháng 9 vẫn ảm đạm và dự báo sẽ tiếp tục giảm.

Xuất khẩu thủy sản tháng 8 giảm 36% so với cùng kỳ

Theo kết quả khảo sát của VASEP, trong hơn 1 tháng vừa qua, chỉ có khoảng 30-40% các doanh nghiệp (DN) thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, cũng chỉ huy động được 40-50% người lao động tham gia sản xuất, do đó công suất sản xuất trung bình giảm đến một nửa so với trước đây.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến các doanh nghiệp thủy sản đang phải gánh chịu hàng loạt khó khăn chồng chất. Không chỉ chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị dứt gãy, khó khăn trong khâu vận chuyển; DN còn bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu.

Dự báo xuất khẩu thủy sản tiếp tục giảm trong tháng 9 - Ảnh 1
Trong tháng 8/2021, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt khoảng 520 triệu USD. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, do thiếu nguyên liệu sản xuất nên nhiều doanh nghiệp không đảm bảo tiến độ giao hàng. Thủ tục xuất nhập khẩu bị chậm trễ ách tắc, chi phí đầu vào và chi phí vận tải tăng… đang khiến các DN thủy sản lao đao.

Trong tháng 8/2021, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt khoảng 520 triệu USD, giảm 36% và giảm ở hầu hết các sản phẩm chủ lực. Theo đó, xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và cá biển khác đều giảm từ 35-40% so với cùng kỳ năm 2020. Nhờ kết quả xuất khẩu 7 tháng đầu năm tăng cao nên, tính cộng dồn 8 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản vẫn tăng khoảng 6% đạt 5,5 tỉ USD.

Cụ thể, xuất khẩu tôm đạt gần 2,4 tỉ USD (tăng 4%), xuất khẩu cá tra vẫn giữ tăng trưởng 7% đạt 980 triệu USD. Xuất khẩu cá ngừ 8 tháng cũng tăng trên 10% đạt 460 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu mực, bạch tuộc và các loại cá khác (trừ cá ngừ, cá tra) chỉ tăng nhẹ 2% và 4%.

Bức tranh ảm đạm về xuất khẩu thủy sản trong tháng 9 

Có thể thấy, diễn biến dịch Covid-19 vẫn đang căng thẳng ở các tỉnh phía Nam, nhất là ở TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bình Dương). Trong khi việc triển khai tiêm vaccine cho lực lượng công nhân tại các nhà máy, khu công nghiệp vẫn còn hạn chế và không đồng đều. Với thực trạng đó, bức tranh sản xuất và xuất khẩu thủy sản tháng 9 vẫn ảm đạm.

Theo VASEP, hiện nay, một số tỉnh như Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang… đang kiểm soát dịch bệnh tốt và linh hoạt nên tình hình sản xuất sẽ hồi phục sớm hơn. Đây là những tỉnh trọng điểm về sản xuất và xuất khẩu tôm, do vậy mặt hàng tôm được kỳ vọng sẽ giúp hạn chế mức sụt giảm mạnh xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm.

Sản xuất và chế biến cá tra tập trung chủ yếu ở các tỉnh Bắc sông Hậu, vẫn đang nặng nề vì sản xuất 3 tại chỗ. Trong đó, hơn một nửa các nhà máy phải đóng cửa, tình hình xuất khẩu cá tra khó cải thiện trong tháng tới.

Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ là nơi có nhiều nhà máy, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu các mặt hàng hải sản như mực, bạch tuộc, cá ngừ, các loại cá biển khác. Với tình trạng dịch Covid-19 bùng phát đỉnh điểm như hiện nay, sản xuất và xuất khẩu tại những địa bàn này sẽ tiếp tục đình trệ trong tháng 9. Do vậy, dự báo xuất khẩu thủy sản trong tháng 9 sẽ tiếp tục giảm ít nhất 20%, đạt khoảng 660 triệu USD.

Với kịch bản từ sau tháng 9, hầu hết công nhân chế biến thủy sản được tiêm vaccine, các công ty không phải sản xuất 3 tại chỗ, xuất khẩu 3 tháng cuối năm sẽ hồi phục nhẹ và có thể đạt được khoảng 8,5-8,6 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm dự báo đạt khoảng 3,9 - 4 tỉ USD, cá tra khoảng 1,5 tỉ USD, xuất khẩu hải sản khoảng 3,1 tỉ USD.

Dự báo xuất khẩu thủy sản tiếp tục giảm trong tháng 9 - Ảnh 2
Nuôi tôm công nghệ cao ở Sóc Trăng. (Ảnh minh họa)

Linh hoạt các biện pháp gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, tình hình hoạt động của các DN chế biến xuất khẩu thủy sản đã, đang và sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Số DN chế biến thủy sản xuất khẩu khu vực Nam Bộ tạm dừng sản xuất là 123 cơ sở. Như vậy còn 326/449 cơ sở tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam tiếp tục sản xuất, chiếm 65%.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), công suất chung của các nhà máy chế biến thuỷ sản phía Nam chỉ còn khoảng 40%. Nhiều khó khăn đang bủa vây các DN thuỷ sản.

Do đó, Bộ NN&PTNT đã triển khai một số giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thủy sản. Cụ thể, Bộ sẽ tiếp tục duy trì hoạt động của 2 tổ công tác và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, hiệp hội ngành hàng để nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất, chế biến, lưu thông, vận chuyển và tiêu thụ thủy sản.

Bên cạnh đó, chỉ đạo xuyên suốt các địa phương đảm bảo đủ con giống, thức ăn, nguyên liệu, vật tư đầu vào và duy trì hoạt động của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, tiêu thụ nội địa, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất.

Tăng cường các cuộc họp, đàm phán và kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại theo hình thức trực tuyến để tháo gỡ rào cản, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và thúc đẩy xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Dự báo xuất khẩu thủy sản tiếp tục giảm trong tháng 9. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Lâm Đồng tăng cường thu ngân sách năm 2024
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện kịp thời, đầy đủ, có hiệu quả các giải pháp tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.

Tin mới