Thứ hai, 02/12/2024 20:42 (GMT+7)
Thứ ba, 10/08/2021 16:14 (GMT+7)

Ngành thủy sản Việt Nam có nguy cơ mất thị trường EU nếu bị "thẻ đỏ"

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam cần có các giải pháp và hành động quyết liệt hơn để tuân thủ các quy định chống khai thác IUU, để "giữ chân" thị trường EU trong xuất khẩu thủy sản.

Ngày 10/8, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (World Bank) tổ chức hội thảo công bố Báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định chống khai thác IUU: Trường hợp Việt Nam”. 

Là nước xuất khẩu thủy sản đứng thứ 3 trên thế giới, những năm gần đây, Việt Nam đã chú trọng đến việc phát triển bền vững ngành thủy sản. Tuy nhiên, với đặc thù nghề cá nhỏ lẻ, Việt Nam đang phải đối diện với một thách thức lớn liên quan đến cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC) từ tháng 10/2017, do nỗ lực chưa đủ để chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).  

Ngành thủy sản Việt Nam có nguy cơ mất thị trường EU nếu bị "thẻ đỏ" - Ảnh 1
Thủy sản Việt Nam sẽ tổn thất khoảng 480 triệu USD/năm nếu mất thị trường EU. (Ảnh minh họa)

Kể từ năm 2019, EU đã tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 4 trong các thị trường nhậu khẩu thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, EU vẫn là thị trường lớn có tính định hướng và chi phối đối với các thị trường khác và là đối tác quan trọng với ngành thủy sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, thủy sản Việt Nam còn đứng trước nguy cơ mất thị trường EU trong trường hợp ngành hải sản khai thác Việt Nam bị EC phạt thẻ đỏ, nếu không có các giải pháp và hành động quyết liệt để tuân thủ các quy định chống khai thác IUU.

Khi đó, ước tính ngành thủy sản Việt Nam sẽ tổn thất khoảng 480 triệu USD mỗi năm nếu mất thị trường EU. Trong đó, ước tính tổn thất từ hải sản khai thác, bao gồm cá ngừ, cá kiếm, nhuyễn thể, mực, bạch tuộc và các loài hải sản khác khoảng 387 triệu USD mỗi năm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính chung 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 4,9 tỉ USD, tăng 12,0% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam về giá trị, chiếm khoảng 4% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam những năm gần đây dao động từ 8,5 đến gần 9 tỉ đô la Mỹ (USD) mỗi năm, trong đó thủy sản nuôi trồng đóng góp 60 - 65%, thủy sản khai thác chiếm 35 - 40% giá trị.  

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cũng là một trong những thách thức lớn đối với ngành thuỷ sản. Tuy nhiên, nếu Việt Nam sớm gỡ được thẻ vàng IUU, tận dụng được các ưu đãi thuế quan và thay đổi thể chế từ EVFTA thì cơ hội phục hồi và hướng tới mục tiêu tăng xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU tới 1,2-1,4 tỉ USD trong những năm tới là hoàn toàn khả thi.

Để mở ra cơ hội phát triển bền vững cho ngành thủy sản, cần có những giải pháp hợp lý, hiệu quả để sớm khắc phục thẻ vàng, đưa ngành thủy sản hướng tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hàng năm từ 7-9% và đạt 16-18 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2030, cũng như hỗ trợ nghề cá bền vững. 

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Ngành thủy sản Việt Nam có nguy cơ mất thị trường EU nếu bị "thẻ đỏ". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới