Thứ sáu, 22/11/2024 19:13 (GMT+7)
Thứ hai, 25/04/2022 21:00 (GMT+7)

Dự báo nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Theo dõi KTMT trên

Thiên tai năm 2022 sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp và dị thường. Trước mắt, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, dự báo sẽ xuất hiện nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm.

Thiên tai tiếp tục diễn biến dị thường

Ngày 25/4, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai (PCTT), Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác PCTT và TKCN năm 2022. Hội nghị được kết nối tới 63 điểm cầu UBND tỉnh, thành phố và 701 điểm cầu quận, huyện trên cả nước với hơn 19.000 người dự.

Dự báo nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 - Ảnh 1
Quảng cảnh Hội nghị tại trụ sở Chính phủ.

Tại điểm cầu trụ sở Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT cho biết, những tháng đầu năm 2022, thiên tai tại nước ta đã cho thấy những diễn biến phức tạp, dị thường. Điển hình là đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ ngày 19-24/2/2022 tại các tỉnh miền Bắc đã khiến nhiệt độ giảm sâu, có nơi nhiệt độ thấp nhất xuống dưới 0 độ C như tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) nhiệt độ xuống tới -1,4 độ C. Đây là đợt không khí lạnh mạnh nhất trong 40 năm so với cùng thời kỳ.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông. Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan.

Kế đó là đợt mưa lũ lớn bất thường, trái quy luật ngay giữa mùa khô, kèm theo dông lốc, sóng lớn từ ngày 30/3-2/4 tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa với tổng lượng mưa từ 200-600 mm, trong đó có nơi mưa đặc biệt lớn như tại Khe Tre (Thừa Thiên Huế) 835 mm (là đợt mưa là kỷ lục trong 60 năm so với cùng thời kỳ).

"Qua diễn biến thiên tai từ đầu năm đến nay, có thể thấy, thiên tai năm 2022 sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp và dị thường. Sự dị thường của thời tiết đã được thể hiện ngay trong đợt mưa lũ lớn trái quy luật ngay giữa mùa khô, kèm theo dông lốc, sóng lớn tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa từ ngày 30/3-2/4 vừa qua. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay ước tính lên tới 2.400 tỷ đồng (gần bằng 1/2 thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra năm 2021)", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay.

Dự báo nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 - Ảnh 2
Hội nghị được kết nối tới 63 điểm cầu UBND tỉnh, thành phố và 701 điểm cầu quận, huyện trên cả nước với hơn 19.000 người dự.

Trong khi đó, tổng kết về tình hình thiên tai năm 2021, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, cho biết, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp, đặc biệt là chính quyền cơ sở, công tác phòng, chống thiên tai đã đạt được nhiều kết quả. Trong năm 2021, chúng ta đã giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất về người và tài sản (108 người chết, mất tích; thiệt hại vật chất 5.200 tỷ đồng), thiệt hại thấp nhất trong những năm gần đây.

"Nhưng thiên tai vẫn diễn biến phức tạp, bất thường ngay trong những tháng đầu năm 2022 với mưa lũ lớn trái mùa kèm theo dông lốc trên diện rộng cuối tháng 3 đầu tháng 4 tại các tỉnh miền Trung; rét lịch sử cuối tháng 2 ở khu vực miền núi phía Bắc; động đất gia tăng cả về cường độ và tần suất tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum; bên cạnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động không nhỏ đến các hoạt động phòng chống thiên tai", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Khả năng xuất hiện nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Theo thông tin của ông Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đưa ra tại Hội nghị, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 khả năng xuất hiện nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm: Mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ, khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ; trên biển có thể xuất hiện áp thấp nhiệt đới/bão với xác suất 40 - 60%.

Từ 26 đến 27/4 khả năng hình thành dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực phía Nam của Biển Đông. Dự báo khoảng ngày 29/4 đến 1/5 trên dải hội tụ nhiệt đới này khả năng hình thành các vùng xoáy thấp.

Từ 29/4 đến 2/5, khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ nguy cơ xuất hiện một đợt mưa vừa, mưa to diện rộng; các tỉnh Trung, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ dự báo xuất hiện mưa, mưa rào và dông. 

Trước khi đón đợt mưa rào và dông, từ 25-27/4, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ, khu vực Tây Bắc Bộ nắng nóng trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Vùng núi phía Tây của Bắc và Trung Trung Bộ nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ C, có nơi trên 39 độ C. Độ ẩm trung bình ngày thấp nhất từ 45-60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 12-17 giờ. 

Từ 25 đến 26/4, khu vực đồng bằng Bắc Bộ nắng nóng trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C. Độ ẩm trung bình ngày thấp nhất từ 50-60%. Thời gian nhiệt độ trên 35 độ C từ 13-16 giờ.

Vẫn chưa chấp hành tốt quy trình xả lũ

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của công tác PCTT và TKCN trong thời gian qua. Đó là: Công tác dự báo thiên tai tuy đã có nhiều cố gắng nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, chất lượng các bản tin dự báo cần tiếp tục được nâng cao hơn nữa. Phương tiện trang thiết bị, công cụ, vật tư phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế, vừa thiếu về số lượng, vừa chưa phù hợp với đặc điểm thiên tai từng vùng, từng lĩnh vực, dẫn tới những bị động trong ứng phó, cứu hộ cứu nạn trong nhiều tình huống.

Ngoài ra, việc đầu tư nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng như hệ thống đê điều, thủy lợi, ... còn hạn chế. Dẫn tới nhiều rủi ro và việc khắc phục ảnh hưởng của thiên tai còn chậm. Công tác hỗ trợ, triển khai khắc phục hậu quả thiên tai còn bất cập, thủ tục rườm rà gây chậm trễ, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Dự báo nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 - Ảnh 3
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: "“Nhiều đợt thiên tai, sau cả tháng Ban Chỉ đạo mới tổng hợp đề xuất hỗ trợ; một số địa phương sau khi nhận được hỗ trợ nhưng triển khai chậm dẫn tới phải kéo dài thời gian, không phù hợp với tính chất hỗ trợ khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai; việc đầu tư khắc phục hậu quả thiên tai không dứt điểm, làm giảm hiệu quả”.

Theo Phó Thủ tướng, công tác vận hành liên hồ chứa trên các hệ thống sông, đặc biệt tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên còn có những tồn tại, bất cập. Sự phối hợp, thông tin giữa các địa phương thượng nguồn với hạ nguồn, giữa cấp tỉnh với cấp huyện, cấp xã, giữa chủ hồ, đơn vị quản lý vận hành hồ với chính quyền địa phương chưa tốt. Việc chấp hành quy định vận hành liên hồ chứa chưa nghiêm; việc thông báo cho chính quyền địa phương, người dân khi xả lũ ở một số hồ chứa chưa kịp thời, đúng quy định hoặc hình thức thông báo chưa phù hợp, kịp thời dẫn đến bị động trong ứng phó.

Phó Thủ tướng yêu cầu, quy trình này cần xem xét lại, tránh trường hợp phân cho các địa phương, các địa phương lại giao cho chủ hồ… Nếu phối hợp không tốt sẽ rất nguy hiểm, lưu lượng tăng lên nhanh chóng, người dân không kịp ứng phó. Việc thông báo, khuyến cáo cho nhân dân không kịp thời, chưa phù hợp. Do đó, các Bộ, ngành phải tập hợp, rà soát, làm rõ.

"Thông báo cho nhân dân phải thông báo sớm, để người dân có đủ thời gian để ứng phó. Việc này cần phải phân tích kỹ, trở thành bài học trong phòng, chống thiên tai. Ngay trong mưa lũ, người dân vẫn đi đánh cá, vớt củi hay đi qua ngầm, tràn, rất dễ xảy ra tai nạn. Hầu hết các trường hợp thiệt mạng trong đợt mưa lũ lớn cuối tháng 11, đầu tháng 12/2021 đều là do tai nạn, bị lũ cuốn trôi. Cũng có thực tế không chấp hành tốt các thông báo, quy trình xả lũ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nâng cao chất lượng dự báo để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau: Phải đổi mới, nâng cao năng lực công tác theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai. Theo đó, chất lượng công tác dự báo là yếu tố quyết định, là cơ sở cho công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai một cách chủ động, từ sớm, từ xa. Đây là công việc rất khó, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của đội ngũ, và nguồn lực đầu tư lớn. Trước những diễn biến phức tạp, khó lường, cực đoan của khí hậu, việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ đội ngủ, mở rộng hợp tác quốc tế là rất quan trọng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng với các Bộ ngành Trung ương triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó ưu tiên đầu tư công nghệ quan trắc, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo hướng hiện đại, đồng bộ, tự động hóa, tích hợp đa mục tiêu, đặc biệt là dự báo mưa, lũ, khí tượng thủy văn biển.

Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thành việc xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai; Đẩy mạnh xã hội hóa trong việc lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng; Triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Cần triển khai ngay công tác kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai trên cả nước. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, huy động và phối hợp lực lượng ứng phó với diễn biến thiên tai, sự cố.

Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; Quan tâm đầu tư hơn nữa cho công tác phòng, chống thiên tai. Triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật về phòng chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn, nhất là Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 76 và các Nghị định của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống thiên tai.

Rà soát, hoàn thiện pháp luật, xây dựng các chính sách xã hội hóa để động viên, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, người dân vào công tác phòng, chống thiên tai...

Khánh Thư

Bạn đang đọc bài viết Dự báo nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới