Thứ sáu, 19/04/2024 11:17 (GMT+7)
    Thứ bảy, 05/03/2022 13:00 (GMT+7)

    Dự án Golden Palace vi phạm Luật đất đai bị thanh tra về “đất vàng”?

    Theo dõi KTMT trên

    Thanh tra Chính phủ cho biết dự án Golden Palace tại lô đất C3 khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội) giao không thông qua hình thức đấu giá, vi phạm khoản 1 điều 58 Luật Đất đai năm 2003 và Quyết định số 216 ngày 31/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ

    Chung cư Golden Palace Lê Văn Lương nằm vị trí lô đất C3, Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội, một vị trí đẹp, gắn liền với các tuyến đường huyết mạch như: Lê Văn Lương, Phạm Hùng, các tuyến đường nối với các trung tâm mới của Hà Nội mở rộng và cũng là nơi tập trung nhiều trụ sở cơ quan, ngân hàng, doanh nghiệp quan trọng, các văn phòng đại diện trong và ngoài nước, các nhà hàng, siêu thị lớn tại Hà Nội…

    Dự án được thực hiện do liên danh các chủ đầu tư: Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (HANDICO), Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Hà Nội Xanh và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Hoàng Cường. Dự án được khởi công năm 2014, dự kiến tháng 12/2015 hoàn thành và bàn giao căn hộ tới khách hàng.

    Quy mô dự án: 2.408 m²; Diện tích xây dựng: 1.935 m². Chung cư Golden Palace Lê Văn Lương cao 20 tầng, 4 tầng đế, 16 tầng căn hộ, 3 tầng hầm (Với 112 căn hộ cao cấp).

    Dự án Golden Palace vi phạm Luật đất đai bị thanh tra về “đất vàng”? - Ảnh 1
    Dự án khu nhà ở - dịch vụ - thương mại Golden Palace tại lô đất C3 khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.

    Dự án Golden Palace: Giao “đất vàng” không thông qua đấu giá

    Theo tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính đưa tin, hồi tháng 7/2021, Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay, việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại Hà Nội.

    Đáng chú ý, trong kết luận trên, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp 2 Bộ và UBND TP.Hà Nội thống nhất biện pháp xử lý vi phạm và giải quyết đối với dự án khu nhà ở - dịch vụ - thương mại Golden Palace tại lô đất C3 khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Cầu Giấy, Hà Nội).

    Theo Thanh tra Chính phủ, dự án này được giao không thông qua hình thức đấu giá, vi phạm khoản 1 điều 58 Luật Đất đai năm 2003 và Quyết định số 216 ngày 31/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

    Còn việc điều chỉnh dự án, bổ sung thêm chức năng dịch vụ, thương mại, căn hộ nhưng vẫn bảo đảm đủ diện tích đỗ xe cho nhu cầu công cộng và văn phòng cho thuê trong khu đô thị theo mục tiêu ban đầu, phù hợp quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quy hoạch phân khu đô thị H2-2 tỷ lệ 1/2000 được UBND TP.Hà Nội phê duyệt. Tiền sử dụng đất được tính theo phương pháp thặng dư quy định tại Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

    Về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, rà soát.

    Tại Báo cáo số 438/BC-BTNMT ngày 8/12/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về xác định tiền sử dụng đất của 38 dự án, trong đó có dự án tại lô C3, dự án khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính có nội dung “dự án này khi xác định tiền sử dụng đất không gây thất thoát cho ngân sách nhà nước”.

    Dự án Golden Palace vi phạm Luật đất đai bị thanh tra về “đất vàng”? - Ảnh 2
    Dự án Golden Palace: Giao “đất vàng” không thông qua đấu giá.

    Thanh tra Chính phủ cho hay cơ quan đã có Văn bản số 2119 ngày 4/12/2020 đồng ý với Bộ Tài nguyên và Môi trường.

    Kết luận của thanh tra cũng nêu rõ, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) khi liên danh đã góp vốn hơn 44 tỷ đồng. Khi rút khỏi liên danh, Handico thu về tổng số tiền 46,4 tỷ đồng (gồm 44 tỷ tiền vốn góp và 2,3 tỷ đồng tiền do liên danh trả).

    “Việc cho phép Handico liên danh và rút khỏi liên danh thuộc thẩm quyền của UBND TP.Hà Nội, phù hợp quy định tại điều 424, Bộ Luật Dân sự năm 2005 về chấm dứt hợp đồng dân sự; quy định tại Điều 8, Luật Doanh nghiệp năm 2005 về quyền của doanh nghiệp và điều 8 Nghị định số 09/2009/NĐ-CP của Chính phủ về Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác”, kết luận nêu.

    Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cho rằng UBND TP.Hà Nội cần kiểm tra, xem xét quyền lợi của Handico khi rút khỏi liên danh không tham gia thực hiện dự án.

    Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính thống nhất với UBND TP.Hà Nội xử lý quyền lợi của Handico khi không tiếp tục tham gia thực hiện dự án, đảm bảo thu đúng, thu đủ theo quy định của pháp luật và tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp khi nhượng quyền thuê đất.

    Lịch sử "tai tiếng" của dự án Golden Palace

    Theo báo cáo của UBND TP.Hà Nội, khu đất C3 ven đường Lê Văn Lương thuộc khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính có diện tích hơn 2.400 m2 nằm trong khu đất của dự án xây dựng khu nhà ở tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính.

    Chủ đầu tư là Công ty Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội (Handico 6) thuộc Handico. Khu đất được giải phóng mặt bằng từ tiền ngân sách, được quy hoạch làm bãi đỗ xe.

    Tháng 3/2004, UBND TP.Hà Nội có văn bản giao cho Handico là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước làm chủ đầu tư, nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng nhà để xe ô tô cao tầng tại khu đất C3 theo quy hoạch được duyệt. Đây là dự án xây dựng công trình công cộng thành phố, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

    Năm 2006, UBND TP.Hà Nội có 2 văn bản điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng công trình nhà để xe cao tầng tại khu đất C3.

    Đến tháng 10/2008, UBND TP.Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án nhà để xe kết hợp văn phòng tại ô đất này, chủ đầu tư là Handico.

    Tháng 5/2009, UBND TP.Hà Nội có quyết định thu hồi và giao hơn 2.400 m2 đất ở khu C3 cho Handico thuê đất thực hiện dự án nhà để xe kết hợp văn phòng.

    Tuy nhiên, đến tháng 3/2010, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã đề xuất cho phép điều chỉnh chức năng, chỉ tiêu quy hoạch ô đất C3 theo ý kiến của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và được UBND TP.Hà Nội chấp nhận. Đến tháng 9/2010, khu đất C3 khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính đã được điều chỉnh có chức năng ở.

    Một tháng sau đó, UBND TP.Hà Nội ký hợp đồng thuê đất với Handico để sử dụng vào mục đích đầu tư xây dựng nhà để xe công cộng cao tầng kết hợp văn phòng. Tại thời điểm này, UBND TP.Hà Nội đã chấp thuận điều chỉnh chức năng khu đất C3 thành khu nhà ở, dịch vụ, thương mại.

    Chủ dự án hiện nay là ai?

    Tháng 12/2010, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản chấp thuận liên danh 3 đơn vị là Handico - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Hoàng Cường và Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Hà Nội Xanh làm chủ đầu tư dự án tại ô đất C3.

    Đến tháng 3/2011, Hà Nội có văn bản chấp thuận dự án đầu tư khu nhà ở, dịch vụ, thương mại tại ô đất C3 cao 17 tầng, 3 tầng hầm, 112 căn hộ, đồng bộ cùng khu dịch vụ thương mại nhà trẻ, văn phòng, tổng mức đầu tư dự kiến 350 tỷ đồng.

    Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, tháng 4/2011, UBND TP. Hà Nội có quyết định cho phép Handico chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 2.400m2 đất tại khu C3 thành đất thực hiện dự án khu nhà ở, dịch vụ, thương mại. Sở này và Handico cũng ký hợp đồng thuê đất với diện tích 473 m2 để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sân, vườn hoa cây xanh và tầng hầm để xe.

    Tháng 12/2011, UBND TP.Hà Nội có quyết định về việc xác định giá thu tiền sử dụng đất dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở, dịch vụ, thương mại tại ô C3. Tháng 4/2012, Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng cho công trình.

    Tháng 11/2012, liên danh chủ đầu tư Handico - Công ty Hoàng Cường và Công ty Hà Nội Xanh báo cáo xin điều chỉnh chủ đầu tư dự án. Sau đó, Sở kế hoạch và Đầu tư báo cáo Hà Nội về việc Handico và Công ty Hà Nội Xanh xin rút khỏi liên danh chủ đầu tư dự án với lý do thị trường bất động sản trầm lắng.

    UBND TP.Hà Nội đã chấp thuận, chỉ còn Công ty Hoàng Cường làm chủ đầu tư dự án. Tháng 11/2014, UBND TP.Hà Nội lại cấp giấy chứng nhận đầu tư, xác định chủ đầu tư dự án là Công ty Hoàng Cường.

    Tháng 1/2015, Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo việc Công ty Hoàng Cường và Handico đã ký thanh lý hợp đồng, hoàn trả cho Handico chi phí đầu tư xây dựng là hơn 46 tỷ đồng. Đồng thời, Sở này đề nghị UBND TP.Hà Nội thu hồi hơn 2.400m2 đất khu C3 giao cho Công ty Hoàng Cường để thực hiện dự án đầu tư tổ hợp khu nhà ở, dịch vụ, thương mại Golden Palace.

    Tuy nhiên, lúc này công trình đã xây dựng đến tầng 12. Việc này cũng được UBND TP.Hà Nội chấp nhận cho hợp thức hóa để Công ty Hoàng Cường tiếp tục thực hiện dự án.

    Đến nay, dự án đã hoàn thiện tòa nhà cao tầng có tên thương mại là Golden Palace, Công ty Hoàng Cường đã bán căn hộ cho các hộ dân đến ở ổn định.

    Ông Phạm Sỹ Liêm, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: “Đề xuất đề nghị thanh tra các khu đất “vàng” của Bộ Tài chính là rất đúng đắn để làm rõ quá trình chuyển đổi, bán chỉ định hoặc hóa giá có phạm luật hay không, có trục lợi hay không?

    Đồng thời, cần phải sớm thanh tra rõ ai là người có trách nhiệm, ai là người trục lợi trong những câu chuyện này để ngăn chặn hiện tượng này tiếp tục xảy ra”.

    Bùi Hằng (T/h)

    Bạn đang đọc bài viết Dự án Golden Palace vi phạm Luật đất đai bị thanh tra về “đất vàng”?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới

    Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
    Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .