Thứ sáu, 22/11/2024 05:29 (GMT+7)
Thứ sáu, 02/12/2022 09:35 (GMT+7)

Dòng tiền chảy vào bất động sản dần chuyển hướng cuối năm 2022

Theo dõi KTMT trên

Những biến động của thị trường bất động sản gần như chưa dừng lại khi tâm lý của người mua vẫn bị dao động bởi nhiều thông tin khác nhau. Trong bối cảnh thị trường xuất hiện những thông tin tiêu cực về tín dụng, tài chính, người mua càng phải thận trọng.

Dự án bất động sản hướng đến giá trị thực vẫn được quan tâm

Thị trường bất động sản trầm lắng khiến dòng tiền của nhà đầu tư hướng tới những dự án hội đủ yếu tố: giá cả hợp lý, vị trí, tiện ích, chất lượng, tiến độ và thương hiệu.

Dù thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại nhưng đây vẫn là kênh đầu tư được quan tâm nhất hiện nay.

Dòng tiền chảy vào bất động sản dần chuyển hướng cuối năm 2022 - Ảnh 1

Những dòng sản phẩm bất động sản thực, có tính thanh khoản cao, đảm bảo tiến độ, chất lượng, uy tín của chủ đầu tư thì càng được quan tâm nhiều hơn. (Ảnh minh họa)

Mới đây, số liệu được công bố bởi Batdongsan.com.vn cho biết, tính từ tháng 1/2020 đến tháng 6/2022, đất và nhà ở có chỉ số tăng giá cao nhất, xếp sau là vàng, chứng khoán và tiền gửi tiết kiệm.

Cụ thể, tính đến tháng 6/2022, chỉ số giá đất tăng 86% so với thời điểm tháng 1/2020. Trong khi đó, mặc dù chỉ số giá vàng và chứng khoán đã tăng mạnh vào tháng 1 năm nay, lần lượt tăng 44% và 57% (so với tháng 1/2020) nhưng bước sang tháng 6/2022, cả hai đã cùng giảm nên mức tăng so với tháng 1/2020 còn 34% và 21%.

Cùng với đó là các kênh đầu tư khác biến động mạnh thì bất động sản được coi là “hầm trú ẩn” an toàn của dòng tiền, là kênh đầu tư sinh lời bậc nhất hiện nay. Đặc biệt là những dòng sản phẩm bất động sản thực, có tính thanh khoản cao, đảm bảo tiến độ, chất lượng, uy tín của chủ đầu tư thì càng được quan tâm nhiều hơn.

Xu hướng dòng tiền sẽ đổ về bất động sản có mức giá phù hợp

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho hay, cùng với chính sách kiểm soát tín dụng thận trọng trong mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có bất động sản, giai đoạn dòng tiền “dễ” đã thực sự đi qua. Đây là giai đoạn dòng tiền chuyển hướng vào những sản phẩm bất động sản có giá trị thực, hội đủ các yếu tố: giá cả hợp lý vị trí, tiện ích, chất lượng, tiến độ và thương hiệu.

Trước kia, dòng tiền “dễ” chủ yếu phân bổ vào các dạng bất động sản đầu cơ, trong khi nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp không được chú trọng, dẫn đến thiếu nguồn cung cho phân khúc mà thực tế có nhu cầu rất cao này. Tại Hà Nội, TP.HCM hiện không còn nhà dưới 25 triệu đồng/m², trong khi nguồn cung căn hộ hàng chục tỷ đồng lại rất nhiều, ông Đính phân tích.

Ông Đính chia sẻ: “Chúng tôi không tìm ra được một căn hộ nào giá dưới 25 triệu đồng/m² tại thị trường TP.HCM hay Hà Nội. Ngay cả các thành phố lớn như Khánh Hòa, Đà Nẵng cũng không có. Đây là phân khúc phù hợp với đại bộ phận người lao động. Trong khi các căn hộ, các shophouse, biệt thự, liền kề với mức giá trên 10 tỷ đồng lại rất nhiều”.

Nhưng khi thị trường khó khăn, xu hướng dòng tiền sẽ đổ về những sản phẩm có mức giá phù hợp với nhu cầu thực của người dân và có giá trị thực. Chỉ những sản phẩm này mới có khả năng thanh khoản vào lúc thị trường trầm lắng.

Tại một hội thảo về bất động sản mới đây, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng cho biết, trong bối cảnh lạm phát tăng mạnh thì về tổng thể, thị trường bất động sản chịu tác động tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Bởi vì khi lạm phát tăng thì buộc các nước phải can thiệp bằng cách tăng lãi suất. Và khi mặt bằng lãi suất tăng thì nghĩa vụ trả nợ tăng theo, tỷ giá cũng tăng theo, đồng tiền nội tệ của các nước mất giá…

Mặt khác, khi lãi suất tăng thì đầu tư, tiêu dùng giảm và kinh tế sẽ giảm đà phục hồi, giá cả mọi mặt hàng cũng tăng theo khiến tâm lý phòng thủ xuất hiện. Người dân sẽ bớt ăn tiêu, thậm chí là từ bỏ ý định đầu tư. Hoặc nếu có thì cũng không có chuyện dễ dàng “lướt sóng” kiếm lời như hai năm trước.

Ông Lực nhận định: “Ở thời điểm này, nếu như bất động sản còn tăng bất thường ở một nơi nào đó thì đó chỉ có thể là hiện tượng thổi giá. Năm nay, những yếu tố cơ bản để đẩy giá bất động sản lên như hai năm qua đã không còn nữa. Trừ khi pháp lý đã được điều chỉnh, thông tin quy hoạch được công bố, cơ sở hạ tầng được đầu tư… Chưa kể Chính phủ và các địa phương cũng đang có động thái, chính sách điều tiết giúp cho thị trường trở về giá trị thật”.

Hơn hai năm qua, giá nhà có xu hướng tăng mạnh, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung chào bán giai đoạn này tập trung vào loại hình cao cấp, hạng sang, kéo giá bán trung bình toàn thị trường tăng lên. Có thể nói, giá nhà đã vượt quá thu nhập trung bình của đại bộ phận người dân, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cũng cho hay.

Đồng thời, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang đi vào giai đoạn nguồn vốn ở dưới mức có thể sử dụng đòn bẩy tài chính. Vì vậy, với các phân khúc vượt quá giá trị, thị trường sẽ có sự điều chỉnh trở về với giá trị thực của nó.

Trong ngắn hạn thị trường bất động sản có thể có tin tốt có thể có tin xấu nhưng về dài hạn thì luôn luôn là tin tốt. Chính vì vậy trong ngắn hạn thị trường có thể tăng giá, bứt phá nhưng có thể cũng là trầm lắng. Tuy nhiên, về dài hạn thì luôn luôn là tăng trưởng, giá tiếp tục lên do kinh tế vẫn phát triển. Muốn đạt được mức giá tốt thì nó cần thời gian đủ dài và thời điểm phù hợp. Đó là nguyên lý của kinh tế và nguyên lý của chu kỳ bất động sản.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Dòng tiền chảy vào bất động sản dần chuyển hướng cuối năm 2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.