Thứ bảy, 20/04/2024 21:02 (GMT+7)
Thứ sáu, 27/05/2022 07:20 (GMT+7)

Đồng Nai thúc đẩy xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối cảng biển

Theo dõi KTMT trên

Nhằm khai thác hiệu quả hệ thống cảng biển, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết sẽ tập thúc đẩy các dự án đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết nối với các cảng biển trên địa bàn tỉnh.

Nằm tại vị trí đắc địa để phát triển cảng biển, nhưng theo Sở Giao thông vân tải tỉnh Đồng Nai (GTVT) thừa nhận, việc phát triển hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh chưa đạt được kỳ vọng. Lý giải về nguyên nhần này, đại diện Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này chính là do hệ thống giao thông kết nối còn manh mún và chưa được đầu tư đồng bộ.

Dẫn chứng cho thực tế này, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai chỉ rõ, huyện Nhơn Trạch là một trong những địa phương có nhiều cảng biển được quy hoạch phát triển nhất. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống cảng biển trên địa bàn huyện Nhơn Trạch chưa được đầu tư còn khá nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có hệ thống giao thông kết nối, nhất là tuyến đường liên cảng (từ Khu công nghiệp Ông Kèo đến cảng Việt Thuận Thành) chưa được đầu tư xây dựng. Điều này khiến cho việc kêu gọi đầu tư cũng như việc triển khai xây dựng cảng gặp nhiều khó khăn.

Đồng Nai thúc đẩy xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối cảng biển - Ảnh 1
Hệ thống các cảng biển được quy hoạch tại Đồng Nai.

Theo ông Lê Tấn Đạt, Phó tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình hàng hải cho biết, trên quy hoạch, hệ thống giao thông kết nối cho nhóm cảng biển số 4, trong đó có các cảng biển Đồng Nai là tương đối đồng bộ với các tuyến cao tốc, đường vành đai 3, 4 TP. HCM. Về quy mô địa phương, trong quy hoạch tỉnh cũng có các tuyến đường kết nối với cảng Phước An, đường liên cảng huyện Nhơn Trạch.

Cũng theo ông Đạt, về đường thủy nội địa, toàn bộ khu vực nhóm cảng biển số 4 cũng có hệ thống đường thủy nội địa hết sức thuận lợi, phục vụ việc thu gom hàng hóa và kết nối về khu vực cảng biển TP. HCM; Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như kết nối giữa Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thực tế hiện nay, các tuyến giao thông kết nối hệ thống cảng đang được đầu tư xây dựng khá chậm. Đối với Đồng Nai, hiện mới có tuyến đường kết nối với cảng Phước An giai đoạn 1 được đầu tư xây dựng hoàn thiện. Do đó, để có thể khai thác tối đa hiệu quả hệ thống cảng biển, việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối đồng bộ là một trong những yếu tố quyết định.

Theo Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, việc kết nối giao thông, hệ thống giao thông trong quy hoạch kết nối giao thông của khu vực nhóm 4 được quy hoạch tương đối đồng bộ và đang được triển khai bao gồm các tuyến đường vành đai TP. HCM, các tuyến cao tốc kết nối về các khu vực cảng biển. Đường bộ thì trong quy hoạch của tỉnh cũng đã xác định đẩy nhanh các tuyến đường liên cảng, bao gồm đường kết nối cảng Phước An, đường liên cảng Nhơn Trạch là những tuyến đường quan trọng được đề nghị đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo đồng bộ, nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống cảng. Điều này được đơn vị tư vấn đề cập khi đã kiến nghị các cơ quan chức năng, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến giao thông kết nối để nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống cảng biển.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết, hiện nay Đồng Nai đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng tuyến đường liên cảng Nhơn Trạch. Đây là tuyến giao thông quan trọng để kết nối các cảng biển trên địa bàn huyện Nhơn Trạch.

Theo đó, đường liên cảng Nhơn Trạch giai đoạn 1 có chiều dài khoảng 15,3km, điểm đầu tuyến nối với đường ranh Khu công nghiệp Ông Kèo và điểm cuối tuyến nối với đường vào cảng Việt Thuận Thành. Tuyến đường được chia làm 2 đoạn gồm: đoạn 1 dài hơn 13km quy hoạch mặt cắt ngang đường rộng 61m, đoạn 2 dài gần 2km được quy hoạch mặt cắt ngang rộng 45m.

Tuyến đường được đầu tư xây dựng nhằm tạo tiền đề cho việc xây dựng và hình thành khu cảng Đồng Nai (sông Đồng Nai), khu cảng Phú Hữu (đoạn sông Đồng Nai và đoạn sông Lòng Tàu - Nhà Bè) theo quy hoạch. Việc đầu tư tuyến đường nhằm kết nối hệ thống các cảng theo đường bộ, tăng cường công suất khai thác các cảng, kích thích sự phát triển của địa phương.

Đồng Nai thúc đẩy xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối cảng biển - Ảnh 2
Hệ thống giao thông được được quy hoạch kết nối các cảng biển tại Đồng Nai.

Được biết, theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai sẽ có 3 khu bến cảng biển gồm: khu bến Phước An, Gò Dầu, Phước Thái; khu bến Nhơn Trạch và khu bến Long Bình Tân.

Cụ thể, khu bến Phước An, Gò Dầu, Phước Thái (trên sông Thị Vải) có phạm vi quy hoạch gồm vùng đất, vùng nước trên sông Thị Vải, thuộc H.Nhơn Trạch. Khu bến cảng này có chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Đông Nam bộ và khu vực Tây nguyên với các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí. Đối với cỡ tàu, khu bến này có thể đón tàu có trọng tải đến 60 ngàn tấn phía hạ lưu cầu Phước An và đến 30 ngàn tấn phía thượng lưu cầu Phước An đến Gò Dầu, Phước Thái, phù hợp với điều kiện khai thác tuyến luồng hàng hải và tĩnh không công trình vượt sông.

Khu bến Nhơn Trạch có phạm vi quy hoạch bao gồm vùng đất, vùng nước bên phải tuyến luồng Sài Gòn - Vũng Tàu, luồng Đồng Nai, luồng Đồng Tranh thuộc địa phận H.Nhơn Trạch. Chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Đông Nam bộ với các bến tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí. Về cỡ tàu, khu bến có thể đón tàu trọng tải đến 45 ngàn tấn phù hợp với điều kiện khai thác tuyến luồng hàng hải và tĩnh không công trình vượt sông.

Khu bến Long Bình Tân (trên sông Đồng Nai) gồm vùng đất, vùng nước bên phải tuyến luồng Đồng Nai (phía hạ lưu cầu Đồng Nai). Chức năng là khu bến cảng vệ tinh, đầu mối gom hàng cho các cảng biển trong khu vực và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Khu bến cảng này có bến tổng hợp, container, hàng lỏng/khí. Cỡ tàu trọng tải đến 5 ngàn tấn.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, hiện nay có 3 phân khúc tàu biển chính gồm: từ 100-230 ngàn tấn chuyên vận chuyển các tuyến đường xa; phân khúc nội Á với cỡ tàu từ 30-70 ngàn tấn và phân khúc nội địa với cỡ tàu từ 30 ngàn tấn trở xuống. Như vậy, đối với hệ thống cảng biển Đồng Nai, dựa vào xu hướng vận tải biển và quy mô cảng biển, đơn vị tư vấn cũng đã định hướng phân khúc phát triển cho hệ thống cảng biển của tỉnh. Theo đó, hệ thống cảng biển Đồng Nai cần tập trung vào 2 phân khúc nội Á và nội địa.

Thư Anh

Bạn đang đọc bài viết Đồng Nai thúc đẩy xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối cảng biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .

Tin mới