Thứ năm, 25/04/2024 04:23 (GMT+7)
Thứ bảy, 14/05/2022 15:20 (GMT+7)

Quy hoạch phát triển thêm 3 khu cảng biển tại Đồng Nai

Theo dõi KTMT trên

Theo quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài hệ thống cảng biển hiện hữu, Đồng Nai sẽ có thêm 3 khu cảng biển được quy hoạch phát triển.

Nhiều tiềm năng phát triển cảng biển tại Đồng Nai

Sau chuyến khảo sát thực tế và làm việc với tỉnh Đồng Nai để phục vụ cho việc xây dựng quy hoạch chi tiết cảng biển Đồng Nai vào ngày 12/05 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết, theo Luật Quy hoạch, thì quy hoạch tổng thể cảng biển quốc gia là 1 trong 4 quy hoạch thuộc ngành giao thông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi có quy hoạch tổng thể thì sẽ tiếp tục thực hiện các quy hoạch khác.

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã giao Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng các quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, trong đó có quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 4 bao gồm cảng biển Đồng Nai; quy hoạch chi tiết vùng đất vùng nước cảng biển tỉnh Đồng Nai và quy hoạch cảng cạn quốc gia trong đó có hệ thống cảng cạn trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch, các quy hoạch này sẽ hoàn thành và trình Chính phủ phê duyệt vào cuối năm nay. Định hướng phát triển hệ thống cảng biển của tỉnh Đồng Nai sẽ tập trung đón các tàu có trọng tải nhỏ phục vụ vận chuyển nội Á và nội địa.

Quy hoạch phát triển thêm 3 khu cảng biển tại Đồng Nai - Ảnh 1
Đồng Nai sẽ được quy hoạch thêm 3 dự án cảng biển trong thời gian tới.

Theo đơn vị tư vấn, cảng biển Đồng Nai thuộc nhóm cảng biển số 4, đây cũng là nhóm cảng biển lớn nhất Việt Nam và cũng là nhóm cảng biển quan trọng nhất, chiếm đến 43% tổng lượng hàng thông qua hệ thống cảng biển cả nước. Để phát triển hệ thống cảng biển theo quy hoạch, đơn vị tư vấn cũng đã kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai rà soát các dự án cảng biển, cảng cạn chậm tiến độ; Quy hoạch các khu bến tổng hợp, container tập trung tại Nhơn Trạch (sông Đồng Nai), Phước An gắn với các trung tâm logistics sau cảng và hệ thống giao thông kết nối đồng bộ. Lựa chọn nhà đâu tư có năng lực đầu tư, khai thác cảng biển, logistics đồng bộ phù hợp với dự báo nhu cầu hàng hóa thông qua.

Triển khai đầu tư tuyến đường liên cảng Nhơn Trạch, Phước An đồng bộ với tiến trình xây dựng cảng. Cải tạo luồng hàng hải, cụ thể là luồng Cái Mép - Thị Vải (trong đó Khu Phước An, Mỹ Xuân cho tàu 60.000DWT; Khu Gò Dầu, Phước Thái cho tàu 30.000DWT); thanh thải dải cạn thuộc Cù lao Ba Xang trên tuyến luồng sông Đồng Nai cho tàu 5.000DWT, nâng tĩnh không cầu Đồng Nai đáp ứng nhu cầu vận tải container từ Đồng Nai, Bình Dương về Cái Mép - Thị Vải và khu vực TP. Hồ Chí Minh.

Quy hoạch và công bố khu vực đổ chất thải nạo vét phục vụ triển khai các dự án xây dựng cảng, duy tu nạo vét khu nước trước bến cảng và luồng hàng hải theo quy hoạch.

Cùng ngày, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết, trong 3 khu bến cảng được quy hoạch, việc phát triển khu bến Nhơn Trạch hiện nay còn phụ thuộc vào hướng tuyến xây dựng cầu Cát Lái. Do đó, đơn vị tư vấn cũng cần lưu ý để rà soát khi lập quy hoạch. Đồng thời, trong quy hoạch cũng cần cập nhật thêm tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.

Phát biểu buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, với hệ thống cảng biển, cảng cạn hiện có, Đồng Nai đang sở hữu nguồn tài nguyên rất quan trọng để thúc đẩy kinh tế vùng nói chung và của địa phương nói riêng. Đây cũng là một trong những trụ cột kinh tế quan trọng của Đồng Nai.

Đối với định hướng phát triển hệ thống cảng biển của tỉnh để đón các tàu có trọng tải nhỏ phục vụ vận chuyển nội Á và nội địa, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai -  Nguyễn Hồng Lĩnh nhận định với phân khúc này, các cảng biển của tỉnh sẽ phải chịu sự cạnh tranh từ các cảng biển TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An. Do đó, Đồng Nai phải nỗ lực để có thể “kéo” tàu, “kéo” hàng về các cảng biển trên địa bàn tỉnh để tạo nên sự thịnh vượng. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có hệ thống giao thông kết nối tốt, từ đó giảm chi phí, giảm thời gian vận chuyển.

Nhiều cảng biển được quy hoạch phát triển

Trước đó, theo quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký quyết định ban hành vào tháng 9-2021, các cảng biển trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thuộc nhóm cảng biển số 4 (nhóm cảng biển lớn và quan trọng nhất). Và theo quy hoạch này, trong giai đoạn tới Đồng Nai sẽ có thêm 3 khu bến cảng biển được quy hoạch phát triển gồm: khu bến Phước An, Gò Dầu, Phước Thái; khu bến Nhơn Trạch và khu bến Long Bình Tân.

Cụ thể, khu bến cảng biển thứ nhất được quy hoạch là Phước An, Gò Dầu, Phước Thái (trên sông Thị Vải) có phạm vi quy hoạch gồm vùng đất, vùng nước trên sông Thị Vải thuộc H.Nhơn Trạch. Khu bến cảng này có chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Đông Nam bộ và khu vực Tây Nguyên với các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí. Đối với cỡ tàu, khu bến này có thể đón tàu có trọng tải đến 60 ngàn tấn phía hạ lưu cầu Phước An và đến 30 ngàn tấn phía thượng lưu cầu Phước An đến Gò Dầu, Phước Thái phù hợp với điều kiện khai thác tuyến luồng hàng hải và tĩnh không công trình vượt sông.

Khu bến cảng thứ 2 là Nhơn Trạch, có phạm vi quy hoạch bao gồm vùng đất vùng nước bên phải tuyến luồng Sài Gòn - Vũng Tàu, luồng Đồng Nai, luồng Đồng Tranh thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch. Chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Đông Nam bộ với các bến tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí. Về cỡ tàu, khu bến có thể đón tàu trọng tải đến 45 ngàn tấn hoặc lớn hơn giảm tải phù hợp với điều kiện khai thác tuyến luồng hàng hải và tỉnh không công trình vượt sông

Khu bến cảng Long Bình Tân (trên sông Đồng Nai) gồm vùng đất, vùng nước bên phải tuyến luồng Đồng Nai (phía hạ lưu cầu Đồng Nai). Chức năng là khu bến cảng vệ tinh, đầu mối gom hàng cho các cảng biển trong khu vực và phục vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Khu bến cảng này có bến tổng hợp, container, hàng lỏng/khí. Cỡ tàu trọng tải đến 5 ngàn tấn.

Quy hoạch phát triển thêm 3 khu cảng biển tại Đồng Nai - Ảnh 2
Lãnh đạo bộ Giao thông vận tải và tỉnh Đồng Nai khảo sát một số khu vực quy hoạch cảng biển.

Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai từng cho biết, trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai dành gần 500ha đất để thực hiện các dự án cảng tại 3 địa phương là TP. Biên Hòa, huyện Long Thành và Nhơn Trạch.

Cụ thể, huyện Long Thành sẽ có cảng tổng hợp Phước Thái thuộc xã Phước Thái, diện tích khoảng 150ha. Huyện Nhơn Trạch có cụm cảng với diện tích gần 300ha. Tại TP. Biên Hòa sẽ mở rộng cảng Đồng Nai (phường Long Bình Tân) với diện tích tăng thêm gần 35ha.

Để các dự án này sớm được triển khai, Đồng Nai sẽ mời gọi các doanh nghiệp có năng lực, giải quyết các vướng mắc về đất đai, xây dựng hệ thống giao thông kết nối.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh có 13 con sông và kênh với tổng chiều dài hơn 2.300km; trong đó có nhiều sông lớn. Ngoài ra, sản lượng hàng hóa có nhu cầu vận chuyển bằng đường thủy trên địa bàn Đồng Nai cũng rất lớn.

Tuy nhiên, đến nay tỉnh Đồng Nai mới chỉ có 17 cảng đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động. Đối với 29 bến cảng còn lại trong quy hoạch, hiện có 5 cảng đã được tỉnh chấp thuận đầu tư, số còn lại chưa được chấp thuận đầu tư, đã ngưng hoạt động.

Việc phát triển cảng biển ở Đồng Nai diễn ra chậm, chưa khai thác hết tiềm năng là do tỉnh thiếu hệ thống giao thông kết nối, các tuyến đường liên cảng chưa được đầu tư xây dựng. Ngoài ra, quá trình triển khai cảng nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục, đất đai, một số dự án năng lực nhà đầu tư yếu.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Quy hoạch phát triển thêm 3 khu cảng biển tại Đồng Nai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới