Đồng Nai: Phân loại chất thải rắn tại nguồn chưa được quan tâm đúng mức
Sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị số 54/CT-TU về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên phạm vi toàn tỉnh Đồng Nai, đến nay hiệu quả của chương trình chưa cao do người dân chưa thực sự quan tâm.
Rác về nhà máy vẫn phân loại lại từ đầu
Năm 2020, Ban TVTU tỉnh Đồng Nai ban hành Chỉ thị số 54/CT-TU về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại trên địa bàn tỉnh.
Sau hơn 2 năm thực hiện, đến nay tại tỉnh Đồng Nai đã có hơn 310 ngàn hộ gia đình đăng ký thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo hướng dẫn, đạt tỷ lệ 35% số hộ dân toàn tỉnh, tăng 20% so với năm 2020. Tuy nhiên, thực tế gần như toàn bộ số lượng rác thải về các Khu xử lý (KXL) không được phân loại.
Cụ thể, Giám đốc Nhà máy Xử lý chất thải ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất) Trần Thị Thúy cho rằng, từ năm 2020 đến nay, rác thải sinh hoạt đưa về nhà máy không có gì thay đổi. Rác rau củ quả, thức ăn thừa và túi ny-lông, hộp xốp vẫn được đựng trong bọc nhỏ, nhiều bọc nhỏ đựng trong bọc lớn. So với trước đây, khi toàn bộ rác thải đựng trong 1 loại bọc, nay đựng trong nhiều bọc công ty phải tốn nhân công, chi phí cho việc xé bọc rác để phân loại trước khi xử lý. Theo bà Thúy, nhà máy có bố trí khu vực chuyên xử lý rác hữu cơ, mục đích để xử lý ngay đối với rác người dân đã phân loại, nhưng vẫn làm lại từ đầu.
Cũng về vấn đề này, Giám đốc Công ty CP Thương mại - xây dựng Đa Lộc Nguyễn Hoàng Nam, chủ đầu tư KXL chất thải Túc Trưng cho biết, trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp nhận khoảng 104 tấn rác thải sinh hoạt của H.Định Quán để xử lý bằng phương pháp compost (chế biến thành mùn phân hữu cơ) và đốt tiêu hủy.
“Tôi chưa từng thấy xe rác hữu cơ nào được đưa về nhà máy để xử lý được ngay. 100% rác thải về bãi phải xé bọc, phân loại lại từ đầu. Tôi có hỏi đơn vị vận chuyển thì được trả lời người dân không phân loại, trường hợp có ít hộ dân phân loại họ cũng gom chung về điểm trung chuyển rồi đưa về nhà máy chứ chưa có nhân công, phương tiện đi gom riêng”, ông Nam bày tỏ.
Tương tự, chủ đầu tư KXL chất thải ở xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) cho rằng, thời gian qua, TP.Biên Hòa đã tuyên truyền, hướng dẫn rất nhiều đến các hộ gia đình về phân loại rác như: đựng rác hữu cơ vào bao ny-lông có màu xanh và bao xám đối với rác vô cơ, nhưng người dân chưa làm theo hướng dẫn.
“Theo hướng dẫn, rác thải sau phân loại phải được đựng trong các bọc ny-lông màu xanh hoặc xám để người đi gom rác có thể nhận diện và thu gom riêng từng loại. Tuy nhiên, người dân không làm vậy mà tận dụng bọc đi chợ về đựng rác, mỗi ngày một loại bọc khác nhau khiến công nhân môi trường không biết loại nào để thu gom, mà không gom hết rác thì người dân phản ánh buộc phải đưa hết lên xe. KXL chưa bớt được khâu hay công đoạn nào từ khi thành phố đẩy mạnh thực hiện phân loại rác” - đại diện KXL chất thải ở xã Vĩnh Tân chia sẻ.
Người dân không phân loại rác hoặc phân loại, lưu trữ không theo hướng dẫn là nhận định chung của các KXL chất thải sinh hoạt. So với trước đây không giảm được công đoạn nào, thậm chí còn tốn kém hơn cho xử lý rác.
Phân loại rác tại nguồn chưa thực sự hiệu quả
Tổng giám đốc Công ty CP Môi trường Sonadezi Quách Ngọc Bửu cho rằng, hiện nay quy định về trách nhiệm xử phạt hành vi không phân loại rác tại nguồn chưa rõ ràng. Đơn vị thu gom rác không thể đến từng nhà kiểm tra đã phân loại rác hay chưa, không thể từ chối thu gom rác chưa thực hiện phân loại.
Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Trọng Toàn thừa nhận, hoạt động phân loại rác tại nguồn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Theo ông Toàn, sau khi Tỉnh ủy có chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện phân loại rác tại nguồn, Sở đã biên soạn tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn, đồng thời phối hợp với UBND các huyện, thành phố tập huấn tuyên truyền phân loại rác đến từng hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp. Hiện phần lớn rác tái chế đã được phân loại tại nguồn để bán, 2 loại còn lại là hữu cơ và vô cơ vẫn chủ yếu phân loại tại nhà máy.
Theo báo cáo của UBND TP. Biên Hòa, việc phân loại rác tại nguồn qua 4 tháng triển khai đã đạt một số kết quả bước đầu. Ngoài việc đẩy mạnh tuyên tuyền, tổ chức ra quân, tập huấn lồng ghép phân loại rác tại nguồn, đến nay thành phố đã lắp đặt 1.440 thùng rác nơi công cộng và phát gần 700 thùng rác cho người nghèo. Công tác thu gom rác được Phòng Tài nguyên và Môi trường Thành phố phối hợp với 2 đơn vị thu gom xử lý rác là Công ty CP Môi trường Sonadezi và HTX Nếp Sống Mới từng bước chuẩn hóa phương tiện thu gom khi chia 2 ngăn thu gom 2 nhóm rác được phân loại nhằm thu gom rác đúng theo quy định.
Qua thống kê bước đầu từ tháng 7-2022 đến nay, trung bình mỗi tháng lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố giảm khoảng 40 tấn nhờ việc phân loại rác tại nguồn. Hiện có 13/30 phường xã báo cáo thực hiện phân loại rác thải tại nguồn đạt trên 60%.
Bên cạnh đó, các lãnh đạo phường xã và các bên liên quan trên địa bàn TP. Biên Hòa cho rằng, khó khăn nhất hiện nay là nhiều người dân vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc phân loại rác tại nguồn, nhất là các phường vùng ven có tỷ lệ phân loại thu gom rác thải sinh hoạt đạt rất thấp. Các hạn chế khác, như: Việc thu gom một số nơi do cộng tác viên thực hiện chưa đúng quy định; lực lượng tuyên truyền cơ sở có sự gián đoạn và nhất là chưa thực hiện chế tài đối với những hộ dân không thực hiện.
Phó bí thư thường trực Thành ủy Biên Hòa, Chủ tịch HĐND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Đạt yêu cầu UBND thành phố, các ngành và phường xã tiếp tục rà soát thống kê các hộ đã thực hiện và chưa thực hiện để có giải pháp tuyên truyền, vận động thực hiện trong thời gian tới. Ngoài việc tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, đơn vị và phường, xã, thời gian tới cần tổ chức kiểm tra chéo giữa các phường xã, tránh việc báo cáo sai thực tế. Ngoài ra, cần tính toán lại thời gian thu gom ở một số địa bàn đặc thù chưa hợp lý.
Vũ Thanh