Đồng Nai: Nhiều địa phương lo thiếu nơi xử lý rác từ năm 2023
Vừa qua, Khu xử lý rác tại xã Quang Trung (huyện Thống Nhất) kiến nghị giảm công suất từ 1.200 tấn/ngày còn 800 tấn/ngày từ đầu năm 2023 để bảo dưỡng máy móc và đầu tư thêm một số công trình đã khiến nhiều địa phương lo lắng vì thiếu nơi xử lý rác.
Khu xử lý chất thải ở xã Quang Trung (huyện Thống Nhất) hiện là nơi tiếp nhận, xử lý chất thải sinh hoạt lớn nhất tỉnh Đồng Nai (chiếm khoảng 65% tổng lượng rác). Mới đây, chủ đầu tư nhà máy này đã thông báo sẽ không tiếp tục tham gia đấu thầu xử lý rác của 5 địa phương, giảm công suất tiếp nhận từ 1,2 ngàn tấn/ngày còn 800 tấn/ngày từ năm 2023.
Cụ thể, theo thông tin của bà Trần Thị Thúy - Giám đốc khu xử lý chất thải ở xã Quang Trung (thuộc Công ty CP Dịch vụ Sonadezi) nêu rõ, năm 2009, UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000, trong đó quy mô phục vụ chất thải rắn sinh hoạt là thu gom và xử lý chất thải của huyện Thống Nhất và TP. Long Khánh, khối lượng khoảng 200 tấn/ngày. Nhưng hiện tại, công ty tiếp nhận và xử lý rác cho 8 huyện, thành phố, khối lượng bình quân khoảng 1,2 ngàn tấn/ngày, tăng thêm 6 địa phương và gấp 6 lần khối lượng được duyệt.
Bên cạnh đó, khối lượng rác tăng nhiều, các thiết bị, máy móc, trạm xử lý nước rỉ rác luôn phải vận hành với công suất tối đa. Tiến độ sử dụng các ô chôn lấp chất thải trơ hợp vệ sinh cũng tăng nhanh so với tính toán ban đầu. Hiện chỉ còn 3 ô chôn lấp với khối lượng tiếp nhận như hiện nay, khoảng 3 năm nữa phải đóng bãi chôn lấp.
Chính vì vậy, để nhà máy vận hành đúng công suất, tránh các nguy cơ sự cố môi trường đồng thời kéo dài thời gian đóng bãi chôn lấp, từ năm 2023, công ty không thể tham gia đấu thầu xử lý rác cho 4 huyện: Tân Phú, Cẩm Mỹ, Long Thành, Nhơn Trạch và giảm khối lượng rác của TP. Biên Hòa xuống 400 tấn/ngày.
“Công ty đã có văn bản gửi 5 địa phương kể trên và báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai về việc không tham gia đấu thầu xử lý rác sinh hoạt từ năm 2023, giảm khối lượng tiếp nhận chất thải từ 1,2 ngàn tấn/ngày còn 800 tấn/ngày”, bà Thúy cho hay.
Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Nguyễn Hữu Thành cho biết, địa phương đã nhận được thông báo không đấu thầu xử lý rác năm 2023 của Công ty CP Dịch vụ Sonadezi.
“Trước đây rác của huyện đưa về khu xử lý tại huyện Long Thành, nhưng sau đó khu này không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường của tỉnh nên từ năm 2020 phải chở rác về khu xử lý tại huyện Thống Nhất. Nay khu xử lý này không đấu thầu nhận rác, huyện chưa biết sẽ đưa đi đâu”, ông Thành cho biết thêm.
Theo quy hoạch quản lý chất thải rắn giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có 7 dự án có chức năng xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại 7 KXL nhưng hiện chỉ còn 4 khu xử lý tiếp nhận rác.
Khu xử lý chất thải ở xã Quang Trung hiện thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt của 6 huyện: Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Long Thành, Nhơn Trạch, Tân Phú, Trảng Bom, TP. Long Khánh và một phần của TP. Biên Hòa với khối lượng khoảng 1.200 tấn/ngày.
Tương tự, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Lê Văn Tưởng chia sẻ, địa phương rất lo lắng bởi thời điểm hiện tại đã gần hết năm 2022 nhưng chưa có giá trần xử lý rác năm 2023, quy trình thủ tục mời thầu, tổ chức đấu thầu vận chuyển, xử lý rác mất nhiều thời gian. Huyện có khu xử lý rác Xuân Mỹ nhưng chủ đầu tư đang gặp khó khăn về tài chính, rất khó tiếp nhận và xử lý rác cho huyện vào đầu năm tới.
Việc các khu xử lý được phê duyệt quy hoạch hạng mục xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhưng sau đó không đầu tư công trình, công nghệ để hoạt động khiến rác thải sinh hoạt phải dồn về một vài khu xử lý. Trường hợp khu xử lý đó quá tải hoặc giảm công suất tiếp nhận, xảy ra sự cố khó tìm nơi xử lý thay thế.
Tại buổi làm việc với các chủ đầu tư khu xử lý chất thải vào cuối tháng 10 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ông Võ Văn Phi yêu cầu, các khu xử lý thực hiện trách nhiệm của nhà đầu tư, tiếp nhận và xử lý rác theo công suất được cấp; trường hợp khu xử lý chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường thì đầu tư hạ tầng, công nghệ để hoạt động. Đối với các vướng mắc, kiến nghị của nhà đầu tư liên quan đến giá xử lý rác, điều chỉnh quy hoạch, bổ sung diện tích lãnh đạo tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, phối hợp với các sở, ngành đề xuất UBND tỉnh phương án tháo gỡ.
Ngoài ra, cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ dự án điện rác quy mô 1,2 ngàn tấn/ngày tại xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu). Dự án đi vào hoạt động sẽ giải quyết được khoảng 80% lượng rác thải sinh hoạt của tỉnh. Ngoài ra, một số nhà đầu tư cũng đề xuất thực hiện các dự án điện rác. Các khu xử lý hiện hữu tới đây phải đầu tư công nghệ để giảm tối đa chôn lấp, tăng tái chế.
Phạm Thạch