Đồng Nai: Kế hoạch phát triển toàn diện tới năm 2050
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1015/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Kế hoạch).
Kế hoạch được xây dựng với mục tiêu cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả Quyết định số 586/QĐ-TTg ngày 03/07/2024 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Kế hoạch không chỉ nhằm xác định lộ trình triển khai thực hiện các dự án quan trọng mà còn đảm bảo các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quy hoạch tỉnh được thực hiện một cách toàn diện, hiệu quả.
Trong quá trình thực hiện, Kế hoạch đã phân công rõ ràng trách nhiệm giữa tỉnh Đồng Nai và các Bộ, ngành Trung ương, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hóa hệ thống quy hoạch giữa các cấp. Điều này giúp tạo sự nhất quán giữa Quy hoạch tỉnh và các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành cấp quốc gia, quy hoạch vùng cũng như các quy hoạch có liên quan khác. Các chính sách và giải pháp thu hút nguồn lực cũng được ưu tiên xây dựng nhằm đảm bảo sự thành công của Quy hoạch tỉnh.
Đẩy mạnh thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng thiết yếu
Một trong những trọng tâm của Kế hoạch là đẩy mạnh thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là hạ tầng giao thông chiến lược có sức lan tỏa giúp thúc đẩy liên kết vùng. Những dự án này không chỉ nâng cao tính đồng bộ, hiện đại của hạ tầng mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế và kết nối khu vực. Tỉnh Đồng Nai cũng chú trọng đến hạ tầng kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sân bay Biên Hòa cùng với các khu vực kinh tế - xã hội động lực đã được xác định trong Quy hoạch.
Ngoài ra, Kế hoạch còn ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hạ tầng thông tin và truyền thông, chuyển đổi số và các lĩnh vực văn hóa, thể thao, an sinh xã hội nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư và đảm bảo hiệu quả cơ cấu đầu tư. Các lĩnh vực hạ tầng phục vụ cho an ninh, quốc phòng, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu cũng được đặc biệt chú trọng.
Cùng với việc phát triển hạ tầng, tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục hoàn thiện các công trình thủy lợi, hệ thống cấp thoát nước nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh quốc phòng. Hạ tầng phục vụ nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo cùng các lĩnh vực logistics, khu công nghiệp, khu công nghệ cao cũng được xem là những ưu tiên thu hút đầu tư quan trọng.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Đồng Nai dự kiến cần khoảng 1.003.700 tỷ đồng (tương đương 41 tỷ USD), trong đó giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 478.200 tỷ đồng và giai đoạn 2026 - 2030 cần khoảng 525.500 tỷ đồng. Tỷ lệ vốn đầu tư công chiếm khoảng 20%, trong khi vốn đầu tư ngoài ngân sách chiếm 80%, bao gồm cả vốn FDI.
Khuyến khích các ngành sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường.
Kế hoạch phát triển tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu khuyến khích các ngành sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường. Để hiện thực hóa các mục tiêu này, cần xây dựng và hoàn thiện các chính sách, giải pháp phù hợp với quy hoạch quốc gia và khu vực. Cụ thể, việc rà soát Quy hoạch tỉnh Đồng Nai sẽ được tiến hành, đảm bảo sự phù hợp với các quy hoạch cấp quốc gia và cấp vùng đã được phê duyệt, đồng thời thực hiện điều chỉnh theo yêu cầu phát triển bền vững.
Các quy hoạch về đô thị, nông thôn sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch chuyên ngành cũng được rà soát, điều chỉnh nhằm đảm bảo tính đồng bộ với Quy hoạch tỉnh. Việc bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ và sản phẩm cụ thể cũng sẽ được thực hiện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành sản xuất phát triển tự do và linh hoạt hơn.
Đặc biệt, kế hoạch chú trọng đến việc ban hành các cơ chế và chính sách thu hút nguồn lực, với trọng tâm là khu vực động lực kinh tế như khu công nghiệp, khu công nghệ cao và khu công nghệ thông tin tập trung. Chính sách cũng sẽ hỗ trợ đầu tư vào hạ tầng, kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các sân bay, hạ tầng liên vùng và liên huyện. Việc thu hút và sử dụng nguồn nhân lực trình độ cao cũng được đề cao, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.
Hợp tác liên tỉnh, liên vùng cũng được tăng cường trên nhiều lĩnh vực như phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xúc tiến thương mại, nghiên cứu khoa học, du lịch, y tế và bảo vệ môi trường. Các sáng kiến này nhằm phát huy thế mạnh của từng địa phương, đồng thời tạo ra cơ hội phát triển bền vững cho toàn vùng Đồng Nai và khu vực lân cận
Quan tâm đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động
Quan tâm đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động luôn là mục tiêu hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực. Kế hoạch đề ra việc tăng cường thông tin và dự báo về cung - cầu lao động, đồng thời chú trọng công tác đào tạo nghề, đảm bảo người lao động có việc làm phù hợp. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn liền với việc chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động trong các lĩnh vực trọng yếu như công nghiệp và dịch vụ, nhằm đạt chuẩn quốc tế và tạo lợi thế cạnh tranh dài hạn cho tỉnh.
Để đáp ứng nhu cầu lao động ngày càng tăng, đặc biệt trong các ngành dịch vụ vận tải, logistics và thương mại du lịch, việc thu hút nguồn lao động từ các tỉnh khác được đặt lên hàng đầu. Tỉnh Đồng Nai cũng tập trung xây dựng tổ hợp giáo dục đào tạo gần khu đô thị sân bay Long Thành với mục tiêu tận dụng sự kết nối thuận lợi với các khu công nghiệp, nhằm chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai.
Văn Dũng