Động lực nào để tăng trưởng tín dụng năm 2025 đạt 16%?
Năm 2025, dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 16%. Như vậy, dư nợ tín dụng của nền kinh tế dự kiến đạt hơn 18,1 triệu tỷ đồng. Vậy, đâu là động lực tăng trưởng tín dụng cho năm 2025?
Năm 2025, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng dự kiến mục tiêu 16%, cao hơn so với kế hoạch năm 2024. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế được cập nhật gần nhất đến giữa tháng 12 năm 2024 chỉ mới đạt 12.5%, nhưng không ít dự báo cho rằng tín dụng cả năm 2024 vẫn có thể kịp về đích 15%. Điều này đồng nghĩa với dư nợ của hệ thống phải tăng thêm 2.5% chỉ trong vòng nửa tháng cuối năm, tương đương với hơn 339,000 tỷ đồng sẽ được bơm ra nền kinh tế.
Nếu hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% năm 2024, dư nợ tín dụng toàn ngành sẽ đạt mức hơn 15,56 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2024. Như vậy, năm 2025 nếu hoàn thành mục tiêu đặt ra ở mức 16%, dư nợ tín dụng của nền kinh tế sẽ đạt mức hơn 18,1 triệu tỷ đồng vào cuối năm, tức tổng dư nợ có thể tăng thêm trong năm 2025 gần 2,5 triệu tỷ đồng.
Vậy động lực nào sẽ dẫn dắt tín dụng năm 2025 đạt mức 16% như đã đề ra?
Đầu tiên là với tăng trưởng kinh tế năm 2024 tiếp tục phục hồi mạnh mẽ và có thể vượt kế hoạch đặt ra, năm 2025 Chính phủ đặt mục tiêu tham vọng lên đến 8%, vì vậy niềm tin kinh doanh sẽ lên cao hơn trước triển vọng các hoạt động kinh tế tiếp tục sôi động, doanh nghiệp theo đó cũng sẽ mạnh dạn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và các dự án đầu tư mới. Điều này sẽ giúp tăng trưởng tín dụng bán buôn được duy trì ổn định.
Chuyên gia phân tích của Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) cũng cho rằng hoạt động tín dụng năm 2025 có thể được thúc đẩy bởi một số yếu tố như sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, sự phục hồi này sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi của hoạt động sản xuất và thương mại, nhờ nhu cầu trong và ngoài nước tăng lên. Điều này sẽ cho phép NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng vào năm 2025.
Bất động sản cũng được kỳ vọng là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng năm nay. Với tín hiệu thị trường bất động sản đang ấm dần lên, nhu cầu vay mua nhà từ nhóm khách hàng cá nhân cũng được dự báo phục hồi, nhất là khi các dự án bất động sản được gỡ vướng mắc pháp lý sau khi 3 luật liên quan đến thị trường bất động sản đã có hiệu lực. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà đang ở mức thấp cũng sẽ hỗ trợ lực cầu tín dụng bất động sản, cùng với dòng vốn được khuyến khích rót vào các dự án nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, nếu như mảng tín dụng bán buôn là một trong những động lực tăng trưởng chính của năm 2024, thì năm 2025, kỳ vọng phân khúc bán lẻ sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại và đóng góp lớn hơn vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng, khi niềm tin tiêu dùng cũng sẽ thay đổi tích cực hơn trước triển vọng của nền kinh tế và sự phục hồi của thị trường lao động. Được biết, Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt mức 4.900 USD/ người trong năm 2025.
Bà Trần Kiều Oanh - Khối Dịch vụ Nghiên cứu Thị trường và Tư vấn, FiinGroup, nhìn nhận, năm 2025, tín dụng bán lẻ và phục vụ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn, dòng vốn hướng vào sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng để giảm rủi ro hệ thống, thúc đẩy tăng trưởng đồng đều.
Ngoài ra, nợ xấu vẫn là áp lực lớn trong năm 2025, với một số ngân hàng có tập khách hàng tái cơ cấu chưa thể phục hồi trong trường hợp Thông tư số 02/2023/TT-NHNN không được gia hạn sau 31/12/2024.
Thêm vào đó, rủi ro nợ kéo theo trên CIC, đặc biệt với các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng có lượng trái phiếu sắp đến hạn lớn. Vì vậy, ngoài tăng cường xử lý, thu hồi nợ xấu, chính sách đẩy mạnh cho vay cũng là một trong những cách để kiềm giữ tỷ lệ nợ xấu của các nhà băng.
Quang Đức