Động đất ở Kon Tum rung chấn sang tận Thái Lan và Campuchia
Báo chí của Thái Lan và Campuchia cho biết, người dân ở nhiều địa phương tại 2 quốc gia này cảm nhận được rung chấn từ các trận động đất xảy ra ở Việt Nam ngày 28/7.
Cụ thể, Đài ThaiPBS của Thái Lan thông tin cho biết, người dân sống ở huyện Warin Chamrap của tỉnh Ubon Ratchathani và huyện Mueang của tỉnh Sakhon Nakhon (đông bắc Thái Lan) cảm nhận rõ rệt rung chấn từ các trận động đất xảy ra tại Việt Nam ngày 28/7.
“Những người sống trong các căn hộ cao tầng và tòa nhà văn phòng cho biết họ cảm nhận được bàn ghế rung lắc và các bức tường uốn nhẹ.
Tại Warin Chamrap, người dân cảm thấy tòa nhà rung chuyển, rèm cửa cùng đồ treo trên tường đung đưa. Tại huyện Muang của Sakon Nakhon, người dân cảm thấy chóng mặt và cơ thể lắc lư”, Đài ThaiPBS cho hay.
Dù vậy, theo Đài ThaiPBS, nhà chức trách Thái Lan cho biết không có báo cáo thương vong trong vụ việc.
Trong khi đó, tờ Phnom Penh Post của Camphuchia đưa tin, trận động đất ở Việt Nam ngày 28/7 đã làm rung chuyển tỉnh Ratanakkiri. Trận động đất tác động đến nhiều người dân Campuchia, đặc biệt là ở phường Laban Siek (TP.Banlung) và xã Paknhai (huyện O'Yadav).
Xã trưởng xã Pate (huyện O'Yadav) - ông Chhay Thi cho biết trận động đất ảnh hưởng ngắn hạn đến một số nơi trong tỉnh Ratanakkiri.
"Nó làm mặt đất và nhà cửa rung lắc trong chốc lát ở các huyện O'Yadav, Bakeo, Andong Meas và Banlung nhưng không có thiệt hại về tài sản hay nhân mạng”, ông Thi nói.
Tại Phnom Penh, nằm cách tâm chấn 508km về phía Tây Nam, người dân cảm nhận được rung chấn nhưng rất yếu.
Theo thông tin cập nhật từ Trung tâm Báo tin Động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu, tính đến 16h30p ngày 29/7, tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra 45 trận động đất liên tiếp trong 2 ngày 28 và 29/7.
Trong đó, trận động đất có rung chấn lớn nhất được ghi nhận vào ngày 28/7, với 5,0 độ, gây ra rung lắc mạnh tại nhiều tỉnh, thành miền Trung - Tây nguyên.
Nhận định về nguyên nhân xảy ra động đất, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, đây là những trận động đất kích thích, gây ra bởi hồ chứa thủy điện. Đồng thời ông cũng dự báo Kon Tum sẽ vẫn xảy ra động đất trong thời gian tới.
“Động đất kích thích là do hoạt động của con người gây ra, trong đó có việc tích nước hồ chứa, đập thủy điện… Sau trận động đất 5,0 độ, dự báo động đất vẫn xảy ra nhưng khó có khả năng lớn đến khoảng 5,5 độ”, ông Xuân Anh cho hay.
Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cũng khuyến cáo chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần tiến hành đánh giá thiệt hại, rà soát các công trình thiết yếu có nguy cơ bị ảnh hưởng từ động đất và đưa ra giải pháp đảm bảo an toàn. UBND các xã, thị trấn vùng tâm chấn cần tuyên truyền nâng cao kỹ năng phòng, chống động đất cho người dân.
Số liệu lưu trữ của Viện Vật lý địa cầu cho thấy từ năm 1903 - 2020, tại tỉnh Kon Tum chỉ có hơn 30 trận động đất, trận lớn nhất là 3,9 độ. Tuy nhiên, từ tháng 4/2021 đến nay, hàng trăm trận động đất đã xảy ra tại Kon Tum, trong đó những trận động đất gây rung chấn diện rộng. Lớn nhất là trận động đất xảy ra trưa 28/7/2024 có độ lớn 5,0 độ, trước đó ngày 23/8/2022 là trận động đất mạnh 4,7 độ.
H.A