Viện Vật lý địa cầu lý giải nguyên nhân liên tục xảy ra động đất
Từ đầu năm đến ngày 10/7, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần đã ghi nhận 142 trận động đất có độ lớn dao động trong khoảng từ 2,5 đến 4,1 độ theo thang Mô men trên lãnh thổ và vùng biển Việt Nam.
Ghi nhận 142 trận động đất trong nửa năm
Ngày 12/7, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về kết quả hoạt động KH&CN 6 tháng đầu năm 2024.
PGS.TS Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Viện Hàn lâm đã thực hiện tốt các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có việc vận hành ổn định Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần và các mạng trạm quan trắc, góp phần tích cực trong công tác cảnh báo, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Từ ngày 01/01 đến ngày 10/7, Trung tâm này đã ghi nhận được 142 trận động đất có độ lớn dao động trong khoảng từ 2,5 đến 4,1 độ Richter theo thang Mô men trên lãnh thổ và vùng biển Việt Nam trong đó có 24 trận động đất có độ lớn M ≥ 3,5 đã được thông báo đầy đủ trên các phương tiện thông tin. Đặc biệt, ngày 25/3/2024, trận động đất có độ lớn 4 độ richter đã xảy ra tại ở khu vực huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội.
Làm rõ thêm nguyên nhân liên tục xảy ra động đất trong thời gian gần đây, TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, trong 142 trận động đất, ngoài các trận động đất kích thích tập trung ở các khu vực hồ thủy điện như tại Kon Tum, Quảng Nam, thì có 10 trận động đất tự nhiên.
Các trận động đất tự nhiên xảy ra trên một số đới đứt gãy theo quy luật khi tích lũy đủ năng lượng thì xảy ra động đất. Động đất càng lớn thì khả năng lặp lại càng ít.
"Ví dụ động đất 6.7 độ Richter ở Tây Bắc rất ít khi xuất hiện và chu kỳ lặp lại là rất dài lên đến mấy chục năm, trong khi các trận động đất nhỏ dưới 4 độ richter vẫn thường xuyên xảy ra. Động đất càng nhỏ thì lặp lại càng nhanh", TS. Nguyễn Xuân Anh cho biết.
Chia sẻ về trận động đất xảy ra ở Mỹ Đức (Hà Nội) vào tháng 3 vừa qua, TS. Nguyễn Xuân Anh cho biết đây là dấu hiệu cho thấy hoạt động động đất vẫn xảy ra ở đứt gãy sông Hồng, sông Chảy. Trong quá khứ, khu vực này đã từng xảy ra động đất có độ lớn trên 5 độ Richter.
Đánh giá lại rủi ro động đất ở các vùng trên cả nước
"Thời gian tới Viện Vật lý Địa cầu sẽ làm lại bản đồ phân vùng động đất và đánh giá lại rủi ro động đất ở các vùng trên cả nước", TS. Nguyễn Xuân Anh nói.
Đồng thời cho biết rủi ro từ động đất liên quan đến xây dựng nhà cửa. Như ở Hà Nội, động đất nhỏ cũng có thể gây hậu quả rất lớn do mật độ xây dựng quá lớn, số lượng nhà cao tầng dày đặc. Do vậy cần phải rà soát đánh giá lại rủi ro động đất để có biện pháp phòng ngừa.
"Hà Nội nên lắp đặt hệ thống quan trắc động đất ở các khu nhà cao tầng để phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra", TS. Nguyễn Xuân Anh cho hay.
Hiện nay, Viện Vật lý địa cầu duy trì hoạt động thường xuyên, ổn định, liên tục mạng lưới đài, trạm quan trắc vật lý địa cầu quốc gia của Việt Nam với 40 đài, trạm địa chấn quan trắc động đất, 4 đài trạm địa từ, 7 trạm định vị sét và vật lý khí quyển, 1 trạm quan trắc biến dạng vỏ Trái Đất, 1 đài điện ly.
Ngoài mạng trạm quốc gia, ở những khu vực trọng yếu có các công trình quan trọng, Viện Vật lý địa cầu cũng duy trì các mạng trạm quan trắc thuộc các đề tài, dự án khác, cụ thể là 28 trạm quan sát động đất phục vụ quan trắc đánh giá an toàn đập thủy điện trên bậc thang sông Đà; 10 trạm khu vực thủy điện Sông Tranh 2, Bắc Trà My, Quảng Nam; 10 trạm quan sát động đất khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế; 8 trạm vật lý khí quyển khu vực Hà Nội.
Theo Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh, với thiết bị hiện đại, các công cụ xử lý số liệu tự động cho phép định vị động đất trong khoảng thời gian từ 3-5 phút sau khi động đất xảy ra.