Thứ sáu, 19/04/2024 13:54 (GMT+7)
Thứ sáu, 11/11/2022 07:10 (GMT+7)

“Đối tác Địa Trung Hải Xanh”: Tăng tốc đầu tư vào nền kinh tế xanh EU

Theo dõi KTMT trên

Sáng kiến “Đối tác Địa Trung Hải Xanh” nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh bền vững ở các nước láng giềng phía Nam của Liên minh Châu Âu (EU) trong khu vực Địa Trung Hải, tăng tốc đầu tư vào nền kinh tế xanh ở khu vực.

Những năm qua, phát triển kinh tế xanh đã trở thành xu hướng tất yếu của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Đầu tư cho công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế không sử dụng năng lượng hóa thạch cũng là một trong những ưu tiên của Chính phủ nhiều nước châu Âu.

Mới đây, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), Ngân hàng tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD), Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) và Liên minh Địa Trung Hải (UfM) đã thông báo về việc thành lập “Quan hệ đối tác vì Địa Trung Hải Xanh”.

Theo đó, sáng kiến này nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh bền vững ở các nước láng giềng phía Nam của Liên minh Châu Âu (EU) trong khu vực Địa Trung Hải và sẽ đi kèm với một phương tiện tài chính mới để tăng tốc đầu tư vào nền kinh tế xanh ở khu vực.

“Đối tác Địa Trung Hải Xanh”: Tăng tốc đầu tư vào nền kinh tế xanh EU - Ảnh 1
Sáng kiến “Đối tác Địa Trung Hải Xanh” nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh bền vững ở các nước láng giềng phía Nam của Liên minh Châu Âu (EU) trong khu vực Địa Trung Hải.

Sáng kiến đã nhận được sự ủng hộ chính trị rộng rãi, trong đó có Ủy ban châu Âu (EC). Quan hệ đối tác Địa Trung Hải Xanh sẽ thúc đẩy các Nguyên tắc tài chính-kinh tế xanh bền vững (SBEFP), khuôn khổ hướng dẫn toàn cầu đầu tiên trên thế giới đảm bảo các khoản đầu tư phù hợp với Mục tiêu Phát triển Bền vững 14 của Liên hợp quốc về “Môi trường sống dưới nước."

Để đạt được những mục tiêu này, sáng kiến sẽ hỗ trợ và thu hút đầu tư vào nền kinh tế xanh bền vững và cải cách chính sách, ưu tiên đổi mới, các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giảm thiểu biến đổi khí hậu và đảm bảo sự thích ứng với các tác động của khí hậu.

Tài trợ cho các cơ sở xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn và giảm thiểu chất thải nhựa sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm ra biển, giảm áp lực đối với nghề cá thông qua nuôi trồng thủy sản bền vững, giảm lượng khí thải thông qua di chuyển biển bền vững.

Đối tác Địa Trung Hải Xanh tập hợp các đóng góp từ các nhà tài trợ và các quốc gia hưởng lợi trong vùng lân cận phía Nam của EU, để cung cấp cả chi phí vốn và hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án kinh tế xanh bền vững.

Dự kiến khoản ngân sách cho các dự án này lên tới 6 tỷ euro (6 tỷ USD) trong vòng 8 năm tới.

Tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang là thách thức khẩn cấp với các nước châu Âu. Theo Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), ô nhiễm không khí từ các ngành công nghiệp ở châu Âu gây ra những thiệt hại về sức khỏe và môi trường ước tính lên tới 430 tỷ euro mỗi năm.

Cũng theo EEA, ở châu Âu, ô nhiễm không khí đang là mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người, khi các hạt vật chất mịn từng gây ra 307.000 ca tử vong sớm tại các nước EU vào năm 2019.

Trước đó, 4 quốc gia EU gồm Đức, Đan Mạch, Hà Lan và Bỉ đã ký một tuyên bố chung nhằm biến Biển Bắc thành “nhà máy điện xanh” của châu Âu vào năm 2050.

Lãnh đạo bốn quốc gia đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là tăng gấp bốn lần công suất năng lượng gió ở Biển Bắc đến năm 2030 và tăng gấp 10 lần công suất năng lượng gió đến năm 2050. Theo Bộ Khí hậu và Năng lượng Đan Mạch, Biển Bắc sẽ trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của châu Âu, cung cấp điện cho hàng triệu người dân khu vực.

Hiện, EU đang tăng tốc sản xuất năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga. EU cũng đặt mục tiêu giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính ít nhất 55% vào năm 2030 và đạt được trung hòa carbon vào năm 2050. Để đạt được những mục tiêu này đòi hỏi các quốc gia châu Âu phải thực hiện những thay đổi mạnh mẽ trong các lĩnh vực sử dụng năng lượng như nông nghiệp, xây dựng, vận tải, thương mại... Nhiều quốc gia tại “lục địa già” như Đức, Bỉ, Tây Ban Nha... cũng triển khai các dự án đầu tư, phát triển ngành năng lượng hydro xanh.

Việt Nam không nằm ngoài xu hướng phát triển kinh tế xanh của thế giới, đặc biệt khi Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Nước ta đã và đang có nhiều cơ hội trong việc xanh hóa nền kinh tế, nhiều khía cạnh đã được phát huy hiệu quả và đạt được những thành tựu nhất định, song trên một số khía cạnh tiềm năng vẫn còn lớn và đối mặt với không ít thách thức để chuyển hóa những lợi thế.

Trong thời gian tới, với chủ trương chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, do đó kinh nghiệm từ các quốc gia được xem là bài học hữu ích để Việt Nam có thể theo kịp xu hướng kinh tế xanh.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết “Đối tác Địa Trung Hải Xanh”: Tăng tốc đầu tư vào nền kinh tế xanh EU. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sắp đón mưa lớn
Theo Dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia, đêm nay (17/4) Hà Nội sẽ đón mưa rào rải rác và có nơi có dông.

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .