Thứ sáu, 26/04/2024 20:46 (GMT+7)
Chủ nhật, 01/05/2022 07:00 (GMT+7)

Đời sống người lao động nhìn từ quy định nới trần làm thêm 60 giờ một tháng

Theo dõi KTMT trên

Theo Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Phiên họp thứ 9, giờ làm thêm của người lao động trong 1 tháng được nâng lên trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ. Đời sống người lao động nhìn từ quy định nới trần này ra sao?

Việc điều chỉnh này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình phục hồi nền kinh tế nhưng cũng đặt ra các vấn đề về sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người lao động. Đặc biệt là lao động nữ và các ngành có nhu cầu làm thêm giờ cao như:

Thủy sản, da giày, dệt may... Mặc dù việc làm thêm là thỏa thuận nhưng nhu cầu, áp lực về kinh tế sẽ làm cho người lao động khó có thể từ chối việc làm thêm giờ, sự điều chỉnh này cũng có mặt tiêu cực nhất định khi làm thêm nhiều, liên tục thì người lao động sẽ mệt mỏi, quá sức có thể gây tai nạn lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động.

Đời sống người lao động nhìn từ quy định nới trần làm thêm 60 giờ một tháng - Ảnh 1
Tổ chức làm thêm giờ cần tính toán đến việc đảm bảo sức khỏe của người lao động. (Ảnh minh họa)

Linh hoạt các chế độ phúc lợi cho người lao động

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, việc đề xuất nâng giờ làm thêm căn cứ nhu cầu của người lao động và doanh nghiệp. Hơn nữa, thực tế do sức ép đơn hàng nên doanh nghiệp vẫn “ngấm ngầm” thoả thuận trực tiếp với người lao động để tiến hành làm thêm, dẫn đến quyền lợi của người lao động không được bảo đảm.

Còn theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, khi Nghị quyết có hiệu lực thì công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng và tổ chức đại diện cho người lao động cần phải thường xuyên và sát hơn, tránh tình trạng doanh nghiệp lách luật, ép người lao động làm thêm quá nhiều.

“Làm thêm giờ không phải vấn đề mới nhưng luôn là vấn đề nóng. Căn cứ theo quy định của Nghị quyết, hai bên doanh nghiệp và người lao động phải thỏa thuận với nhau về thời gian làm thêm giờ. Đặc biệt, tổ chức Công đoàn phải giám sát tình hình cụ thể của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý cũng phải tăng cường giám sát chặt chẽ”, ông Huân nói.

Về phía tổ chức đại diện của người lao động, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết: "Chúng tôi xác định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có vai trò rất lớn, bên cạnh việc tham gia để hoàn thiện Nghị quyết, chúng tôi có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Công đoàn nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn, đặc biệt là các cấp Công đoàn cơ sở trong việc giám sát việc thực hiện quy định mới".

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phiên họp thông qua Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động, đã nhấn mạnh, việc tăng giờ làm thêm của người lao động phải được xem xét dựa trên phản ứng của người lao động và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Đặc biệt, việc sắp xếp thời gian làm thêm cần được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng dựa trên sức khỏe của người lao động khi bị mắc Covid-19, ảnh hưởng của hậu Covid-19 cũng như tỷ lệ tái nhiễm bệnh.

Theo tìm hiểu thông tin được biết, hầu hết các doanh nghiệp cũng đã và đang triển khai các chính sách chăm lo cho người lao động khi làm thêm giờ. Như Tổng Công ty May 10, là một doanh nghiệp dệt may sử dụng đông lao động nữ và thường xuyên phải chịu áp lực về tổ chức sản xuất do ngành nghề có tính mùa vụ cao, doanh nghiệp này đã linh hoạt vừa tuyên truyền, vận động vừa có những chính sách chăm lo cho sức khỏe người lao động thực tế nhất để từ đó tạo niềm tin cho người lao động yên tâm làm việc, tăng ca cùng doanh nghiệp vượt khó.

Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty May 10, bà Trần Quý Dân cho hay, đa số người lao động mong muốn đi làm thêm giờ để có thu nhập cao hơn nên chỉ cần các chế độ, chính sách tốt thì người lao động sẽ nhiệt tình khi tăng ca. Chia sẻ về các hoạt động quan tâm chăm lo sức khỏe cho người lao động, bà Dân nói, trong từng thời điểm khác nhau thì Công ty sẽ có các chính sách hỗ trợ cho người lao động khác nhau để đảm bảo sức khỏe.

Đời sống người lao động nhìn từ quy định nới trần làm thêm 60 giờ một tháng - Ảnh 2
Ảnh minh họa.

“Chẳng hạn, có thời điểm thì Công đoàn cùng doanh nghiệp hỗ trợ khẩu phần ăn nhẹ cho người lao động, có lúc thì hỗ trợ vitamin C. Đến nay, khi số lượng lao động là F0 khỏi bệnh đã đi làm trở lại nhiều thì Công đoàn hỗ trợ thêm thuốc bổ để chăm lo cho người lao động”, bà Dân nói.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Catalan cũng xác định, sức khỏe của người lao động là yếu tố hết sức quan để duy trì sản xuất ổn định trong bối cảnh thiếu hụt lao động cục bộ vì Covid-19. Theo ông Nguyên, đặc thù của dây chuyền sản xuất gạch với lò nung nhiệt độ cao là không thể khởi động xong lại dừng nên luôn cần có công nhân lao động để duy trì sản xuất. Do đó, chăm sóc sức khỏe cho người lao động luôn được doanh nghiệp quan tâm đặc biệt.

“Đối với lao động khi phải làm thêm giờ Công ty sẽ tính toán tăng tiền ăn từ 30.000 đồng/suất lên 35.000 đồng/suất và trong ca có tiếp nước chanh đường, bữa ăn nhẹ… cho người lao động”, ông Nguyên cho biết.

Được biết, để đảm bảo quyền lợi của người lao động khi điều chỉnh thời gian làm thêm giờ, Nghị quyết đã quy định ngoài việc trả lương làm thêm giờ bằng 150-300% theo quy định của Bộ Luật Lao động thì “người sử dụng lao động thực hiện các chế độ phúc lợi bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.” Đây sẽ là căn cứ để tổ chức Công đoàn phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các hoạt động chăm sóc, đảm bảo sức khỏe cho người lao động khi phải làm thêm giờ.

Theo nhiều nguồn tin, ở một cuộc khảo sát ngày 22-23/3/2022, trong gần 3.000 độc giả trả lời, 45% lựa chọn giữ như quy định hiện nay, tức làm thêm không quá 40 giờ mỗi tháng, tối đa 200 giờ mỗi năm; chỉ 12% lựa chọn tăng lên 56-60 giờ mỗi tháng, tối đa 300 giờ mỗi năm, còn lại là các lựa chọn khác.

Đời sống người lao động nhìn từ quy định nới trần làm thêm 60 giờ một tháng - Ảnh 3
Kết quả khảo sát trên ngày 22-23/3/2022. (Ảnh: Vnexpress)

Tăng giờ làm thêm, doanh nghiệp và người lao động đồng tình

Thông tin phản hồi cho thấy, nhiều doanh nghiệp, người lao động tỏ ra lạc quan và vui mừng trước thông tin này. Trước đó, xét thấy chính sách về làm thêm giờ cũng là một trong những giải pháp góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, nên Chính phủ đề xuất nâng số giờ làm thêm trong một tháng của người lao động, được áp dụng cho tất cả các ngành, nghề, công việc.

Đề xuất này chủ yếu sẽ ảnh hưởng lớn đến người lao động, đặc biệt là các công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, xí nghiệp. Trong tình hình giá xăng dầu tăng cao, dẫn đến nhiều mặt hàng khác cũng tăng giá, cuộc sống của người dân và đặc biệt là công nhân, người lao động trở nên vô cùng khó khăn.

Cùng với đó, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến công việc, giờ làm của người lao động, khiến cho thu nhập giảm sút trầm trọng. Trước thông tin được tăng giờ làm thêm, nhiều công nhân và người lao động tỏ ra vô cùng vui mừng.

Anh D. (Quảng Ninh) làm công nhân cho biết, hiện tại giá cả mọi thứ đều tăng cao, với mức lương thưởng như bình thường thì gần như anh không gom góp được đồng nào cả.

“Giá cả cái gì cũng tăng, mà lương tôi thì có tăng đâu, rồi nghỉ vì dịch bệnh, muốn làm tăng ca cũng chỉ tăng ca theo đúng số tiếng được quy định mà thôi. Nếu thực sự được tăng số lượng giờ tăng ca, thì thực sự là quá tốt đối với bản thân tôi”, anh D. cho hay.

Không chỉ riêng anh D., nhiều công nhân, người lao động cũng cho rằng bản thân mình có thể làm thêm ngoài giờ nhiều tiếng hơn so với quy định. Trong bối cảnh phục hồi sản xuất sau dịch, phần lớn các doanh nghiệp đang phải huy động, bố trí người lao động làm thêm giờ. Không chỉ doanh nghiệp, người lao động cũng ủng hộ việc tăng thời giờ làm thêm để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Chị P. là công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Nomura cho biết, vợ chồng chị đều là công nhân, nếu chị P chỉ tăng ca khoảng 2-3 ngày/tuần thì chồng chị P thường xuyên làm thêm giờ. “Trong thời buổi mọi vật giá leo thang, được là thêm giờ là nguyện vọng của đại đa số công nhân. Riêng với gia đình tôi, việc làm thêm giờ giúp nâng cao thu nhập, giảm áp lực kinh tế, có điều kiện chăm sóc con cái tốt hơn”, chị P cho biết.

Còn chị Hương, công nhân Công ty TNHH TM XNK Song Khang (quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) cho biết, đặc điểm của công nhân ngành chế biến thủy sản là thời gian làm việc không cố định. Tùy theo, nguồn nguyên liệu thủy sản về lúc nào thì sẽ làm việc lúc đó và lương sẽ đánh giá trên sản phẩm. Khi nghe thông tin Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua “nâng” giờ làm thêm lên 60 giờ/tháng, chị vẫn đồng ý vì làm thêm giờ vào thời điểm này sẽ giúp cho cuộc sống của gia đình bớt thêm khó khăn hơn do thu nhập tăng thêm.

“Cả hai vợ chồng tôi đều làm công nhân với thu nhập bình quân khoảng 15 triệu đồng/tháng, tính cả tiền tăng ca trung bình mỗi ngày khoảng 2 tiếng. Trước đây, tiền nhà, tiền học của hai con nhỏ và tiền ăn uống, chi tiêu của cả gia đình thì phải dè xẻn lắm mới không thiếu nợ. Gần đây, khi vật giá đồng loạt leo thang theo giá xăng, thu nhập chừng đó không đủ sống nên làm thêm giờ để tăng thu nhập là nhu cầu cấp bách”, chị Hương nói.

Liên quan đến việc tăng giờ làm thêm, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng, ông Nguyễn Hồng Quang cũng cho rằng, giai đoạn phục hồi sau dịch nên tăng giờ làm thêm. Hiện các doanh nghiệp đang thiếu lao động, tuyển dụng rất khó khăn. Tuy nhiên, theo ông Quang, khi các doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất, kinh doanh thì nên điều chỉnh giờ làm thêm để bảo đảm sức khoẻ của người lao động.

Nhằm động viên người lao động, Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng chỉ đạo Công đoàn cơ sở giám sát việc thực hiện pháp luật lao động và thương lượng nâng lương và một số chế độ, phúc lợi cho người lao động. Đến nay, đã có 54 doanh nghiệp trong khu công nghiệp tăng lương năm 2022 cho người lao động với mức bình quân 200.000 đồng/người/tháng. Đến thời điểm khoảng tháng 6, khi các doanh nghiệp cơ bản phục hồi, ổn định sản xuất, các cấp Công đoàn tiếp tục thương lượng để bảo đảm 2 bên doanh nghiệp - người lao động cùng có lợi.

Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội:

"Dịch thì sức ép đối với việc gia đình, chăm lo con cái cũng lớn nên cần nhìn nhận toàn diện vấn đề này. Giờ làm thêm tăng lên 60 giờ mỗi tháng cũng chỉ là tình thế trong thời gian dịch Covid-19".

Đời sống người lao động nhìn từ quy định nới trần làm thêm 60 giờ một tháng - Ảnh 4

Còn theo Chủ tịch Công đoàn Công ty Kyocera Việt Nam, ông Đỗ Công Hòa: Việc tăng thời gian làm thêm giờ không quá 60 giờ/tháng chỉ nên thực hiện trong một thời điểm nhất định, sau đó cần điều chỉnh linh hoạt để bảo đảm sức khỏe người lao động. Công đoàn cơ sở cũng sẽ có những kiến nghị nâng cao chế độ cho người lao động trong thời điểm tăng ca kéo dài như tăng tiền làm thêm giờ (lũy tiến), bổ sung bữa ăn ca.

Theo đại diện Ban Chính sách Pháp luật Liên đoàn Lao động Hải Phòng, hiện phần lớn các doanh nghiệp ở Hải Phòng phải huy động người lao động làm thêm giờ, một số đơn vị đang áp dụng thời gian làm thêm giờ cao hơn so với quy định của pháp luật để bảo đảm tiến độ, phục hồi sản xuất.

“Việc điều chỉnh thời gian làm thêm giờ lên không quá 60 giờ/tháng nhưng vẫn bảo đảm không quá 300 giờ/năm sẽ tránh được tình trạng làm thêm giờ kéo dài, vẫn bảo đảm thời gian để người lao động nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Chưa kể, việc huy động làm thêm giờ vẫn phải dựa trên thỏa thuận với người lao động, người lao động không có nhu cầu hoặc sức khoẻ không bảo đảm có thể không làm thêm giờ. Trong trường hợp này, tổ chức Công đoàn ngoài việc giám sát thực hiện chế độ, tiền lương làm thêm giờ sẽ thương lượng với doanh nghiệp các chế độ, phụ cấp để khuyến khích người lao động làm thêm giờ”, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật Liên đoàn Lao động TP.Hải Phòng, ông Vũ Ngọc Thức nói.

Thực tế, người lao động mong muốn tăng giờ làm thêm để có thu nhập trang trải cuộc sống khi vật giá tăng cao, nhưng cũng cần có chế độ cho người lao động tăng ca để khuyến khích người lao động làm việc. Theo bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch Công đoàn Các KCX và CN TP.Cần Thơ, khi nâng giờ làm thêm cần đảm bảo phúc lợi cho người lao động như thời gian nghỉ ngơi phù hợp khi hết thời gian làm việc bình thường là 8 giờ, ngoài ra cũng đảm bảo chế độ ăn uống để đảm bảo sức khỏe khuyến khích người lao động tăng ca. Đồng thời, việc làm thêm không quá 60 giờ/tháng người sử dụng lao động phải trả lương phù hợp tương xứng để khuyến khích người lao động và khi tăng ca làm thêm giờ phải thỏa thuận và được sự đồng ý của người lao động.

Các trường hợp không thực hiện tăng thời giờ làm thêm theo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động gồm: Người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm  hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Đời sống người lao động nhìn từ quy định nới trần làm thêm 60 giờ một tháng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới