Thứ bảy, 21/12/2024 20:47 (GMT+7)
Thứ ba, 08/08/2023 18:11 (GMT+7)

Đổi rác lấy quà - Mô hình lan tỏa lối "sống xanh"

Theo dõi KTMT trên

Mô hình “Đổi rác thải nhựa lấy quà” là hành động nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, thông qua chương trình cũng nâng cao ý thức và nhận thức về cách phân loại rác thải của người dân, chung tay bảo vệ môi trường.

Việt Nam là một trong top 10 quốc gia có lượng rác thải nhựa ra đại dương nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên, việc cấm sử dụng rác thải nhựa chưa hẳn là giải pháp hiệu quả bởi nhựa là một vật liệu tối ưu cho các hoạt động đóng gói và vận chuyển cũng như các hoạt động khác trong đời sống và nền kinh tế.

Vì vậy, vấn đề then chốt là làm sao để thu gom và tái sử dụng lượng nhựa đang tồn tại trong môi trường, trên đất liền và ngoài đại dương. Số rác thải này cần được biến thành nguồn tài nguyên tái sinh bằng cách mang nhựa quay trở lại nền kinh tế tuần hoàn thông qua phân loại và thu gom. Và việc phân loại, thu gom rác thải nhựa chỉ thực sự phát huy sức mạnh khi kết hợp được cả chính sách, hỗ trợ từ Chính phủ, sự phối hợp của các doanh nghiệp, tổ chức, cùng ý thức và hành động từ cộng đồng.

Mô hình giúp Unilever phân loại, thu gom hơn 12.000 tấn rác thải nhựa

Ngày hội đổi rác lấy quà được Unilever khởi động đầu tiên tại Hà Nội vào năm 2020. Thông qua chương trình, Unilever đã thực hiện truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen về việc phân loại rác tại nguồn cho hơn 41.400 hộ gia đình, 32 trường học với hơn 15.000 học sinh.

Bên cạnh đó, Unilever Việt Nam đã thực hiện chương trình "Hồi sinh rác thải nhựa" cùng đối tác VietCycle để triển khai mô hình phân loại và thu gom rác thải nhựa thông qua kênh phi chính thức là lực lượng lao động ve chai tự do.

Đổi rác lấy quà - Mô hình lan tỏa lối "sống xanh" - Ảnh 1
Đổi rác lấy quà - Mô hình lan tỏa lối "sống xanh".

Sáng kiến này bước đầu đã thành công xây dựng hệ thống thu gom trên địa bàn Hà Nội thông qua tuyển chọn và xây dựng các đại lý thu gom trên đường phố, các trạm thu gom lớn, mạng lưới lao động ve chai tự do với hơn 1.200 người lao động.

Ngoài ra, chương trình cũng triển khai các hoạt động huấn luyện, truyền thông đến các hội thu gom, trạm thu gom, đại lý ve chai, người lao động ve chai tự do, giúp mọi người nắm bắt các thông tin về việc đảm bảo điều kiện vệ sinh, an toàn lao động, hỗ trợ thiết bị bảo hộ trong quá trình thu gom rác thải nhựa.

Đến nay, hai mô hình phân loại và thu gom đã giúp Unilever thực hiện phân loại tại nguồn và thu gom hơn 12.000 tấn rác thải nhựa.

Mô hình cũng đang được nhiều địa phương thực hiện 

Thời gian qua, phong trào phân loại, thu gom cũng đang được nhiều địa phương trên cả nước triển khai và đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Cụ thể, tại Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), sau khi được thông báo định kỳ mỗi tháng một lần, người dân trong xã Tân Mỹ Chánh đã mang rác thải nhựa đến trụ sở UBND xã để đổi lấy quà. Quà được đổi là những mặt hàng thiết yếu, các nhu yếu phẩm phục vụ cho sinh hoạt gia đình như: hộp nhựa, giỏ đi chợ, nước mắm, nước tương, dầu ăn, dầu gội, xà bông, giấy vệ sinh…

Tùy theo nhu cầu của gia đình mà người dân có quyền lựa chọn những món đồ mình cần. Tỷ lệ quy đổi cũng được quy định cụ thể, rõ ràng: 1kg rác thải nhựa được đổi 3 kg giấy vệ sinh; 2 kg rác thải nhựa được đổi lấy 1 chai nước mắm hoặc 1 dây dầu gội, hay 1 cục xà bông….

Hội LHPN huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) mới đây đã tổ chức chương trình “Ngày hội Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường” với mục đích tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa để hạn chế việc sử dụng và thải ra môi trường.

Cụ thể, khuyến khích mọi người sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy; đẩy mạnh việc thu gom, tái chế chất thải nhựa sử dụng 1 lần và túi ny long khó phân hủy bằng việc phân loại chất thải tại nguồn,

Không chỉ tại Tiền Giang, chương trình đổi rác lấy quà cũng được TP. HCM thực hiện nhiều năm qua. Mới đây, tại hẻm 262 Nguyễn Tiểu La (P.8, Q.10) cũng đã tổ chức phiên chợ đổi rác lấy quà.  Đây là lần thứ 2 UBND P.8 tổ chức phiên chợ tổ chức, phiên chợ cũng đã thu hút đông đảo người dân tham gia ở mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến người cao tuổi.

Phiên chợ tái chế nhằm kêu gọi người dân chủ động thu gom chai nhựa, chất thải độc hại, pin các loại… bằng hình thức đổi lấy quà (cây xanh, chậu cây, thực phẩm, truyện tranh, thú nhồi bông, hộp đựng bút…) do các đơn vị tài trợ trao tặng.

Cứ 5 cục pin/ 5 chai lọ đã sử dụng/ 1 kg giấy báo, thùng giấy đổi lấy truyện tranh; 15 cục pin/ 20 chai lọ/ 2 kg giấy báo, bà con có thể đổi được gia vị đường, nước mắm… 20 cục pin/ 30 chai lọ đã sử dụng, 3 kg giấy báo có thể đổi lấy dầu ăn, gạo, nước tương, tương ớt, áo mưa…

"Chúng tôi mong muốn các hoạt động thiết thực, cụ thể như thế này có thể làm thay đổi sâu sắc, toàn diện về nhận thức, thái độ, hành vi về môi trường, tạo lập cách ứng xử thân thiện với môi trường của bà con"- ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND P.8, Q.10 nhấn mạnh. 

Hoài Thu

Bạn đang đọc bài viết Đổi rác lấy quà - Mô hình lan tỏa lối "sống xanh". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bộ Công Thương đề xuất chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu
Dự án đầu tư phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu là dự án năng lượng tái tạo thuộc danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư, được hưởng các cơ chế ưu đãi về thuế theo quy định pháp luật.