Đồi Chư Nghé huyện Ia Grai (Gia Lai) - Ghi dấu ấn hành trình 50 năm chiến thắng và phát triển
Khu di tích lịch sử Chiến thắng Chư Nghé thuộc địa phận xã Ia Krai, huyện biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai những ngày cuối thu đang là tâm điểm hướng về của người dân nơi đây trong hành trình 50 năm chiến thắng và phát triển.
Ông Nguyễn Đức Tấn, Chủ tịch UBND xã Ia Krai cho biết, hôm nay, huyện Ia Grai long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Chư Nghé (ngày 22/9/1973-ngày 22/9/2023). Đây cũng là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của quân và dân ta trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, tạo khí thế thi đua sôi nổi để thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Trang sử hào hùng
Thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên, Sư đoàn 320 đã mở đợt tiến công vào khu vực phía Tây của thị xã Pleiku nhằm phân tán lực lượng địch tạo điều kiện cho sư đoàn 10 giữ vững phía Bắc thị xã Kon Tum và các đơn vị đánh địch lấn chiếm trên các trục đường 19, 14. Đầu tháng 9/1973, Bộ Tư lệnh giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 320 đứng chân tại hai huyện 4 và 5 của tỉnh mở đợt tấn công địch đang lấn chiếm phía Tây thị xã Pleiku, mục tiêu chủ yếu là căn cứ Chư Nghé, mục tiêu thứ yếu là hai chốt điểm Đồn Tầm và Thanh Giáo.
Sư đoàn 320 giao cho Trung đoàn 48 làm nhiệm vụ phối hợp với du kích địa phương và nhân dân trên địa bàn huyện 4 (nay thuộc xã Ia Krăi, huyện Ia Grai) quyết tâm đánh bại cứ điểm Chư Nghé, do Tiểu đoàn 80 Biệt động quân của địch chiếm giữ tại đây.
13h00’ ngày 22/9/1973, nhận thấy thời cơ thuận lợi, quân ta bắt đầu nổ súng mở màn cuộc tấn công. Sau vài phút hoảng loạn, địch bắt đầu chống trả quyết liệt, đồng thời gọi phi pháo và máy bay yểm trợ, đánh trả.
Tuy nhiên, nhờ sự dũng cảm, mưu trí và hiệp đồng tác chiến hiệu quả của các binh chủng, thế trận bao vây cứ điểm Chư Nghé ngày càng siết chặt, mọi cuộc phản công của địch đều bị thất bại. Trước tình hình đó, địch buộc phải đầu hàng, lúc đó là 16h40’ ngày 22/9/1973. Như vậy, sau hơn 03 giờ chiến đấu, quân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn, tiểu đoàn 80 Biệt động quân của địch bị bắt sống và tiêu diệt gọn. Ta thu được 50 tấn đạn, diệt 80 tên, bắt 204 tên, thu 205 khẩu súng, 13 vô tuyến. Phía ta có 18 đồng chí hy sinh và 24 đồng chí bị thương.
Trước đó, huyện Ia Grai là địa bàn chiến lược quan trọng của cả ta và địch trên chiến trường tỉnh Gia Lai Kon Tum và cả Tây Nguyên. Sau khi ký hiệp định Pari 1973, nhằm ngăn chặn quân ta mở rộng vùng giải phóng, địch một mặt tăng cường lùng sục các căn cứ quân cách mạng, một mặt thành lập các cụm trung tâm phòng thủ nhất là trên các điểm cao. Từ đây địch có thể kiểm soát di chuyển của bộ đội chủ lực ta và cho máy bay, phi pháo bắn phá ngăn chặn các đường tiếp tế. Tại khu vực Tây Nguyên, địch sử dụng lực lượng quân đoàn II tiến hành chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ” ngay khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Từ sáng sớm ngày 28/01/1973, địch cho mở các cuộc hành quân lấn chiếm quy mô từ trung đoàn đến cấp sư đoàn với sự yểm trợ của phi pháo đánh trả ác liệt nhằm giải tỏa các trục giao thông, chiếm một số tuyến đường do ta làm chủ dọc đường 14, đường 19 phía Bắc và Tây Bắc thị xã Kon Tum, phía Tây và Tây Nam thị xã Pleiku.
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, địch tiếp tục tấn công vào các địa bàn khu 4, 5, 6 tương đương với huyện Chư Păh (và Ia Grai), Chư Prông (và Đức Cơ), Mang Yang (và một phần Đắc Đoa) hiện nay. Nổi bật nhất chính là địch đã cho xây dựng căn cứ Chư Nghé trên một đồi cao (cứ điểm Lệ Ninh), nay thuộc làng Doch Ia Krót của xã Ia Krăi, cách trung tâm thị trấn Ia Kha ngày nay khoảng 38 km, tại cứ điểm này, địch bố trị một lực lượng hỏa lực mạnh với hệ thống lô cốt, hầm hào, công sự vững chắc, được yểm hộ phi pháo.
Chiến thắng Chư Nghé không những tiêu diệt lớn hỏa lực địch ngay tại một trung tâm xuất phát lấn chiếm vùng giải phóng mà còn là lời trừng trị thích đáng, lời cảnh cáo đanh thép của quân và dân ta đối với những kẻ cố tình chống lại nguyện vọng hòa bình, hòa hợp dân tộc và các hành động phá hoại hiệp định Pari năm 1973. Chiến thắng này còn giúp ta mở rộng vùng giải phóng về phía Tây Nam Pleiku và vùng đường hành lang tiếp vận chiến lược lương thực, tạo khí thế mới cho quân và dân trong tỉnh và mặt trận Tây Nguyên, cụ thể là góp phần giữ vững vùng giải phóng, đảm bảo hành lang vận chuyển chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.
Quyết tử cho tổ Quốc quyết sinh
Để có được chiến thắng Chư Nghé, ngoài khả năng nắm bắt, dự đoán tình hình, sự chỉ đạo tài tình của Sư đoàn 320 và Chỉ huy Trung đoàn 48, còn có sự tham gia và ủng hộ to lớn của bộ đội địa phương và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện. Tại đây, nhân dân các dân tộc huyện đã góp phần vận chuyển lương thực, súng đạn, thuốc men, che giấu cán bộ, bộ đội, cung cấp thông tin về tình hình quân địch, làm nhiệm vụ chỉ đường, hoa tiêu, giúp cho bộ đội ta tiếp cận và bao vây căn cứ Chư Nghé, bố trí công sự hoàn toàn bí mật cho đến lúc tiến công, giành thắng lợi trong thời gian nhanh nhất, giảm được tổn thất về người và vũ khí, khí tài của ta.
Với những gương sáng như Anh hùng Puih San với tên gọi A Sanh - người lái đò trên sông Pô Cô huyền thoại hay anh hùng Rơ Châm Ớt, dũng sỹ Puih Glớ - người đã dũng cảm cùng du kích địa phương bắn rơi máy bay UH1 của không quân địch làm thiệt mạng 02 tướng địch; nhiều bà mẹ Việt Nam Anh hùng và nhiều chiến sỹ của mảnh đất Ia Grai đã ngã xuống càng làm tô thắm thêm tinh thần yêu nước quật cường của Nhân dân huyện Ia Grai, một lòng tin sắc son theo Đảng và Bác Hồ, quyết tâm đánh giặc bảo vệ thôn làng và từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc (đặc biết hơn vì đây là vùng biên giới, “Phên dậu Tổ quốc”).
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Chư Nghé, ông Lê Ngọc Quý, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai chia sẻ, 50 năm đã trôi qua, Chiến thắng Chư Nghé vẫn luôn in đậm trong tâm trí của quân và dân các dân tộc huyện Ia Grai; là nguồn động lực thôi thúc các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang và nhân dân trong huyện tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những bài học kinh nghiệm đúc rút từ Chiến thắng Chư Nghé có giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc, sẽ tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
“Nhiệm vụ của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Ia Grai thời gian tới còn rất nặng nề, với nhiều khó khăn, thách thức; song, với bề dày truyền thống và những kinh nghiệm quý báu được rút ra từ thực tiễn cách mạng, sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh; sự đoàn kết, đồng thuận của Nhân dân, Doanh nghiệp; chúng ta tin tưởng rằng huyện Ia Grai sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong thời gian tới, đưa quê hương Ia Grai ngày càng phát triển bền vững” ông Quý nhấn mạnh.
Trọng Nghị