Chủ nhật, 22/12/2024 18:03 (GMT+7)
Thứ sáu, 20/08/2021 07:42 (GMT+7)

Doanh nghiệp sản xuất phân bón hưởng lợi nhờ tăng giá, người nông dân lao đao

Theo dõi KTMT trên

Ở cả hai chiều kim ngạch xuất và nhập khẩu, thị trường phân bón trong tháng 7/2021 tăng mạnh cả về lượng và giá. Các công ty sản xuất phân bón trong nước cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng cao, trong khi người nông dân gặp khó và chịu thiệt đủ bề.

Giá urea khó giảm

Giá phân bón urea tăng cao thời gian vừa qua (tăng trên 50%) gây nhiều khó khăn cho người nông dân. Trong khi đó, tình hình thu mua, tiêu thụ nông sản đang gặp ách tắc do nhiều địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Sản xuất và chế biến lúa gạo của ngành lương thực nói chung theo đó cũng phải chịu ảnh hưởng rất lớn.

Giá dầu và giá urea thế giới tăng, trong khi than lại thiếu, nguồn cung urea tại Trung Quốc giảm trong nửa đầu năm 2021. Dự báo, Trung Quốc vẫn có thể khan hiếm than, khan hiếm nguồn cung phân bón do ảnh hưởng sau lũ lụt.

Doanh nghiệp sản xuất phân bón hưởng lợi nhờ tăng giá, người nông dân lao đao - Ảnh 1
Giá Urea có xu hướng tiếp tục tăng (Nguồn: Bloomberg SSI Research.)

Các quốc gia nhập khẩu phân bón phải chịu chi phí vận chuyển cao bất thường khiến giá phân bón tăng cao. Do đó, nguồn cung phân bón, cụ thể urea có thể tiếp tục bị hạn chế cho đến hết năm 2022, đẩy giá bán urea trên thị trường lên cao.

Trong nước, một số nhà máy sản xuất phân bón tạm dừng sản xuất để bảo dưỡng như Nhà máy Hà Bắc, Ninh Bình, DPM, DCM. Dự tính, sản xuất trong nước sẽ tăng trở lại từ quý 3/2021 sau khi các nhà máy hoạt động trở lại. Khi đó, nguồn cung sẽ được đảm bảo hơn.

Tuy nhiên, nếu có thể thừa cung trong nước, các công ty phân bón Việt Nam vẫn tăng giá bán so với cùng kỳ để bù đắp phần tăng giá khí đầu vào.

Hiện, dịch bệnh Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, sản xuất kinh doanh bị gián đoạn, có nguy cơ đứt gãy. Việt Nam có thể thắt chặt việc xuất khẩu urea để duy trì đảm bảo lượng cung trong nước và hạ nhiệt giá bán urea trên thị trường.

Giá nông sản giảm, trong khi phân bón và thức ăn gia súc lại không ngừng tăng sẽ tác động tiêu cực tới tâm lý của nông dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp.

Thị trường xuất nhập khẩu phân bón sôi động

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2021, cả nước xuất khẩu 748.514 tấn phân bón, thu về gần 264,04 triệu USD. Giá trung bình đạt 352,8 USD/tấn tăng 38,8% về khối lượng, tăng 67% về kim ngạch và giá tăng 20,3%.

Doanh nghiệp sản xuất phân bón hưởng lợi nhờ tăng giá, người nông dân lao đao - Ảnh 2
Tình hình xuất khẩu phân bón các loại trong 7 tháng đầu năm của Việt Nam (Nguồn: Tổng cục Hải Quan).

Phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Canpuchia. Riêng thị trường này đã chiếm 43,6% trong tổng lượng và chiếm 46% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước, đạt trên 326.513 tấn, tương đương trên 121,34 triệu USD với giá trung bình 371,6 USD/tấn.

Đứng sau thị trường chủ đạo Campuchia là một số thị trường cũng đạt kim ngạch cao trên 10 triệu USD như: Lào, Malaysia và Mozambique.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu phân bón các loại về Việt Nam cũng tăng mạnh.

Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2021, cả nước nhập khẩu 2,83 triệu tấn phân bón các loại, tương đương 802,69 triệu USD, giá trung bình 284 USD/tấn, tăng 20,1% về khối lượng, tăng 36,6% về kim ngạch và tăng 13,7% về giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trung Quốc luôn luôn là thị trường chủ yếu cung cấp nhiều nhất các loại phân bón cho Việt Nam, chiếm 44,5% trong tổng khối lượng và chiếm 42,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước, đạt 1,26 triệu tấn, tương đương 340,96 triệu USD, giá trung bình 271,2 USD/tấn.

Đứng sau thị trường chủ đạo Trung Quốc là thị trường Nga chiếm 8,4% thị phần nhập khẩu phân bón các loại tại Việt Nam.

Tuấn Thủy

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp sản xuất phân bón hưởng lợi nhờ tăng giá, người nông dân lao đao. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới