Thứ năm, 09/05/2024 00:13 (GMT+7)
Thứ ba, 18/05/2021 06:10 (GMT+7)

Doanh nghiệp nên mua bảo hiểm đối với tất cả các lô hàng xuất khẩu sang Ấn Độ

Theo dõi KTMT trên

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng mạnh đến hoạt động thông quan và hoạt động ngân hàng tại Ấn Độ, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp lường trước những khó khăn có thể xảy ra khi kinh doanh với thị trường này.

Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương vừa có văn bản khuyến cáo các doanh nghiệp kinh doanh với thị trường Ấn Độ trong bối cảnh dịch Covid-19.

Theo cơ quan này, tình hình dịch Covid-19 tại Ấn Độ vẫn đang có những diễn biến hết sức phức tạp, với số ca nhiễm mới và số ca tử vong trong ngày liên tục tăng cao. Việc nhiều bang và vùng lãnh thổ liên bang ở Ấn Độ phải tiến hành các biện pháp phong tỏa/giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 đã, đang và sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động thông quan hàng hóa tại các cảng biển và hoạt động của các ngân hàng, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Ấn Độ.

Doanh nghiệp nên mua bảo hiểm đối với tất cả các lô hàng xuất khẩu sang Ấn Độ - Ảnh 1
Ảnh minh họa. 

Công suất hoạt động tại các cảng lớn như Mundra, Nhava Seva, Chennai, Kolkata đã giảm xuống một nửa do thiếu nhân công. Tình trạng này khiến cho các hãng tàu không muốn chở hàng đi Ấn Độ với lo ngại không có hàng quay đầu hoặc phải lưu công-ten-nơ tại cảng, chịu phí lưu kho, lưu bãi.

Nhiều ngân hàng chỉ làm việc từ 2 – 3 ngày trong tuần với 30 hoặc 50% nhân viên. Thời gian làm việc giới hạn từ 11h – 14h. Những ngân hàng có nhân viên bị nhiễm Covid-19 bị buộc phải đóng cửa từ 1 – 2 tuần. Do đó, việc thực hiện các giao dịch trực tiếp tại ngân hàng hay dịch vụ ngân hàng trực tuyến rất hạn chế.  

Xuất phát từ tình hình trên, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp thường xuyên liên lạc thăm hỏi đối tác truyền thống, động viên để duy trì quan hệ đối tác và nắm thông tin về tình hình dịch cũng như các biện pháp phòng dịch của Chính quyền Ấn Độ.

Trước khi ký kết hợp đồng thương mại, các doanh nghiệp cần tìm hiểu các quy định, biện pháp chính sách mà địa phương áp dụng trong bối cảnh dịch bệnh; Lựa chọn giao dịch với các doanh nghiệp lớn, uy tín.

Bên cạnh đó, trong đàm phán, ký kết hợp đồng thương mại, các doanh nghiệp cần chú ý lường trước những khó khăn có thể xảy ra trong bối cảnh dịch đang ảnh hưởng mạnh đến hoạt động thông quan và hoạt động ngân hàng tại Ấn Độ; Thỏa thuận chặt chẽ các điều khoản về giao hàng, thanh toán, giải quyết tranh chấp khi phát sinh, các trường hợp bất khả kháng. Mua bảo hiểm với tất cả các lô hàng.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện hợp đồng, cần thường xuyên liên lạc để trao đổi và được cập nhật về tình hình Covid-19 và các biện pháp của chính quyền địa phương; Kiểm tra tình trạng giao nhận hàng hóa, tiến trình thông quan hàng hóa tại cảng và hoạt động của các ngân hàng.

Cẩm Anh

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp nên mua bảo hiểm đối với tất cả các lô hàng xuất khẩu sang Ấn Độ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Xanh hóa” bao bì thực phẩm, nói dễ khó làm!
“Xanh hóa” bao bì thực phẩm không chỉ là xu hướng mà còn là sự chuyển đổi chiến lược của các doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu về môi trường. Tuy nhiên, quá trình xanh hóa đòi hỏi nguồn vốn, thời gian, cũng như nâng cao trình độ nguồn nhân lực.