Doanh nghiệp đẩy mạnh tích trữ hàng thiết yếu bình ổn thị trường
Với sự chủ động từ trước, nguồn cung hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu vẫn đảm bảo cung ứng đẩy đủ với giá cả ổn định.
Nguồn cung hàng hóa tại các siêu thị lớn dồi dào với giá cả ổn định. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Trận mưa đá bất thường dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vừa qua đã phần nào ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm, rau củ, quả trên địa bàn Hà Nội.
Trước những khó khăn đó, thành phố Hà Nội đã cùng với các doanh nghiệp chủ động triển khai nhiều giải pháp tăng lượng hàng hóa dự trữ, bảo đảm cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu, nhất là lương thực và thực phẩm.
Tăng lượng hàng hóa dự trữ
Theo ghi nhận, những ngày qua tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm diễn ra tình trạng người tiêu dùng tăng cường dự trữ thực phẩm tươi sống, rau xanh.
Tại một số siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội lượng khách hàng mua thực phẩm tăng mạnh. Tuy nhiên, với sự chủ động từ trước nên không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá ảo.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) cho hay siêu thị luôn đủ nguồn hàng hóa phục vụ người tiêu dùng. Riêng nguồn cung các mặt hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, đồ khô… được chuẩn bị tăng 40%-50% so với cùng kỳ năm trước.
Về phía doanh nghiệp sản xuất, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) thông tin, sau Tết Nguyên đán Canh Tý, nông dân trên địa bàn xã tiếp tục vào vụ trồng rau mới, trồng luân canh với diện tích 220ha, trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường 40-50 tấn rau cho thị trường.
“Hiện, giá rau tại vùng sản xuất vẫn khá ổn định so với thời điểm trong Tết”, ông Minh cho hay.
Còn theo ông Trịnh Văn Vĩnh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình, phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông), trung bình mỗi ngày đơn vị xuất bán từ 8 tạ đến 1 tấn rau, củ, quả cho các cửa hàng nông sản sạch, siêu thị...
Ông cũng khẳng định giá rau sau Tết tương đối ổn định và mặc dù thời tiết rét, nhưng chưa ảnh hưởng nhiều đến trồng rau của nông dân.
Chuẩn bị nhiều giải pháp
Đánh giá về công tác đảm bảo cung cầu hàng hóa, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thông tin Hà Nội bảo đảm hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là mặt hàng thực phẩm, rau xanh để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn chủ động khai thác lượng hàng hóa từ khu vực phía Nam về để cung ứng cho Hà Nội, tăng lượng hàng hóa gấp 2-3 lần. Do đó, giá cả các mặt hàng vẫn giữ nguyên như trong dịp trước Tết, trong đó một số mặt hàng rau, củ, quả trong siêu thị còn rẻ hơn chợ truyền thống.
“Hiện ngành Công Thương Hà Nội đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng các tỉnh, thành phố đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối trên địa bàn tăng khả năng cung ứng các mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, không để thiếu hàng, bán hàng không đúng giá niêm yết...” bà Lan cho biết thêm.
Về phía Bộ Công Thương, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Vụ Thị trường trong nước đã làm việc với các hệ thống phân phối lớn như Big C, Co.opmart Hà Đông, VinMart, AEON để bảo đảm cung ứng cho người dân những mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng cần cho việc phòng, chống dịch như nước rửa tay, xà phòng, khẩu trang... đồng thời yêu cầu Ban Quản lý các chợ đầu mối tăng cường cung cấp hàng hóa để đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
Người dân mua thực phẩm tại siêu thị. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Cùng với đó, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp phân phối đẩy mạnh đàm phán với các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu của người dân với giá hợp lý, kết nối hỗ trợ tiêu thụ qua hệ thống phân phối của mình đối với các mặt hàng nông sản đang gặp khó khăn trong tiêu thụ do việc hạn chế xuất khẩu sang các nước lân cận...
“Với các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm khác như lương thực, thực phẩm, rau quả… Vụ đã làm việc với các nhà phân phối lớn như VinMart, Big C, Sài Gòn Coop… và nhiều nhà sản xuất để có phương án đáp ứng đủ nguồn hàng, các nhu yếu phẩm và trên tinh thần theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ trưởng Bộ Công Thương đó là phải chuẩn bị các kịch bản bám sát diễn biến thị trường”, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước nói.
Đức Duy