Microsoft cam kết trở thành doanh nghiệp 'âm carbon' vào năm 2030
Microsoft cho biết sẽ đầu tư 1 tỉ USD trong vòng 4 năm tới thông qua một quỹ cải tạo khí hậu mới dành riêng cho công nghệ loại bỏ carbon.
Trụ sở Tập đoàn Microsoft. (Nguồn: Getty Images) |
Tập đoàn công nghệ Microsoft ngày 16/1 công bố mục tiêu sẽ trở thành một doanh nghiệp "âm khí thải carbon" vào năm 2030 trong nỗ lực chống biển đổi khí hậu.
Theo sáng kiến này, đến năm 2050, "gã khổng lồ công nghệ" sẽ loại bỏ toàn bộ carbon hãng đã phát thải kể từ khi thành lập năm 1975.
Microsoft cho biết sẽ đầu tư 1 tỉ USD trong vòng 4 năm tới thông qua một quỹ cải tạo khí hậu mới dành riêng cho công nghệ loại bỏ carbon. Quỹ này sẽ đầu tư vào công nghệ đang được phát triển cũng như những ý tưởng mới hứa hẹn hiệu quả trong chống biến đổi khí hậu.
Microsoft cũng có kế hoạch hợp tác với các khách hàng của mình trên khắp thế giới nhằm giảm phát thải khí carbon.
Microsoft cho biết sẽ bắt đầu công bố báo cáo thường niên về lượng khí thải carbon.
Ngoài ra, Microsoft đã định giá phát thải carbon đối với các sản phẩm và dịch vụ của hãng. Theo đó, trên nhãn mác sản phẩm Microsoft sẽ bổ sung lượng khí thải carbon giống như nhãn dinh dưỡng trên thực phẩm để người tiêu dùng có thể cân nhắc khi mua sản phẩm.
Microsoft khuyến khích các công ty khác hành động tương tự. Microsoft cũng kêu gọi cải tiến chính sách công và xóa bỏ những rào cản pháp lý liên quan đến công nghệ chống biến đổi khí hậu.
Lãnh đạo Microsoft cho biết hãng đưa ra sáng kiến trên vì lo ngại tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và những số liệu mới nhất cho thấy thập kỷ vừa qua là thời kỳ nắng nóng kỷ lục.
Microsoft cho biết hãng đã trung hòa carbon từ năm 2012, song cho rằng trung hòa carbon chưa đủ để giải quyết những yêu cầu về chống tác động của biến đối khí hậu.
Một số công ty công nghệ khác bao gồm Google và Apple cũng đã cam kết trung hòa carbon. Amazon cam kết đạt được mục tiêu này vào năm 2040.
Trong khi đó, công ty dịch vụ Drax có trụ sở tại Anh tháng trước cũng cam kết sẽ trở thành một doanh nghiệp "âm carbon" đầu tiên trên thế giới vào năm 2030, theo đó loại bỏ lượng khí carbon trong khí quyển nhiều hơn lượng khí carbon công ty này phát thải.
Trần Quyên