Thứ sáu, 22/11/2024 22:20 (GMT+7)
Thứ năm, 30/07/2020 15:30 (GMT+7)

Đô thị hóa khiến chất lượng không khí Hà Nội có biểu hiện suy thoái

Theo dõi KTMT trên

Quá trình đô thị hóa nhanh đã gây ra ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi và tiếng ồn. Chất lượng môi trường không khí Hà Nội có biểu hiện suy thoái.

Chiều 29/7, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) nhận định: Do những biến động bất thường của yếu tố thời tiết, khí hậu, chất lượng không khí tại Thủ đô Hà Nội và một số khu vực lân cận có diễn biến xấu đi vào ngày 27-28/7, sáng 29/7 một số nơi vẫn ở mức xấu.

Đặc biệt, ngày 28/7, chất lượng không khí tại nhiều khu vực của Thủ đô đã ở ngưỡng xấu, có thể ảnh hưởng đáng kể tới sức khỏe của con người, đặc biệt là nhóm người nhạy cảm.

Trong ngày 27/7, Thủ đô Hà Nội trời nhiều mây, lặng gió cùng với sự chênh lệch nhiệt độ giữa tầng không khí sát mặt đất và tầng phía trên, khiến cho các chất trong không khí không thể khuếch tán, dẫn đến gia tăng mức độ ô nhiễm không khí tại các khu vực.

Biểu hiện rõ nhất bắt đầu từ sáng sớm 28/7, trời xuất hiện sương mù khá nặng, duy trì trong suốt buổi sáng, trời lặng gió (tốc độ gió chỉ khoảng 1,5 m/s), tương ứng với đó, chỉ số chất lượng không khí tại một số trạm trong nội thành Hà Nội đã ở mức xấu.

Đến sáng 29/7, kết quả quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, chất lượng không khí ở nhiều khu vực trên địa bàn thành phố đã được cải thiện hơn so với ngày 28/7 nhưng vẫn ở mức kém. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) dao động từ 52 đến 142.

Bên cạnh những biến động bất thường của yếu tố thời tiết, khí hậu, chất lượng không khí Hà Nội còn bị tác động bởi các loại khí thải và khói bụi vẫn liên tục xả ra môi trường hằng ngày. Dưới điều kiện như vậy, các chất ô nhiễm không thể thoát lên cao hay vận chuyển sang vùng khác mà bị giữ lại ở lớp không khí sát mặt đất, gây ô nhiễm cục bộ. Thời điểm bụi tăng cao thường tập trung vào sáng sớm, khoảng thời gian người dân đi làm và học sinh đi học.

Đô thị hóa khiến chất lượng không khí Hà Nội có biểu hiện suy thoái - Ảnh 1
Quá trình đô thị hóa, phương tiện giao thông tăng nhanh khiến môi trường không khí Thủ đô bị suy thoái.

Thời gian qua, chất lượng không khí Hà Nội đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, từ ngày 27/7, do thời tiết diễn biến bất thường khiến không khí Thủ đô ô nhiễm trở lại.

Theo các chuyên gia môi trường, để cải thiện chất lượng không khí (CLKK) một cách bền vững, cần có giải pháp mới phù hợp với điều kiện kinh tế, khí hậu, thời tiết của Hà Nội.

Theo báo KTĐT, nói về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định, mặc dù đã có những tín hiệu khả quan, song công tác quản lý môi trường TP vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể, việc triển khai các dự án đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường còn chậm, hoạt động quan trắc và kiểm soát nguồn thải còn yếu. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức và cá nhân còn thấp trong khi công nghệ sản xuất lạc hậu...

Thực tế cũng cho thấy, quá trình đô thị hóa nhanh kéo theo các hoạt động xây dựng hạ tầng trên khắp địa bàn TP. Cùng với sự gia tăng dân số cơ học, số lượng phương tiện giao thông cơ giới tăng mạnh đã gây ra ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi và tiếng ồn. Chất lượng môi trường không khí của TP đã có biểu hiện suy thoái.

Trong thời gian qua, đã có một số nhận định khác nhau về diễn biến CLKK của Hà Nội nhưng chưa có lập luận toàn diện về khoa học, tạo ra sự hoài nghi cho các cơ quan quản lý và cộng đồng dân cư. Điều đó cho thấy, phương pháp thu thập thông tin hiện nay thiếu nhiều yếu tố xác đáng.

“Để có được bằng chứng khoa học chính xác trong việc đánh giá hiện trạng, xác định nguồn thải và ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến phát triển chung cũng như sức khỏe cộng đồng, cần có nghiên cứu khoa học làm cơ sở xây dựng các chính sách, giải pháp tổng thể, hiệu quả giúp TP xây dựng kế hoạch hành động cải thiện CLKK” - ông Lê Tuấn Định nhìn nhận.

Đánh giá về nỗ lực của Hà Nội trong việc cải thiện CLKK, GS.TS Hoàng Xuân Cơ – Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường – trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, TP.Hà Nội đã đạt được những kết quả bước đầu, nhất là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền. Tuy nhiên với thực tế hiện nay, Hà Nội rất cần những biện pháp, mô hình mới khả quan hơn để quản lý chất lượng không khí.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Đô thị hóa khiến chất lượng không khí Hà Nội có biểu hiện suy thoái. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới