Đô thị bền vững trở thành xu hướng phát triển tất yếu trong tương lai
Việt Nam đang ngày càng phát triển, nhu cầu đô thị hóa và hạ tầng đô thị là tất yếu. Sử dụng quy hoạch đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu là một giải pháp quan trọng, bởi một thành phố được quy hoạch tốt cung cấp nền tảng cho việc phát triển bền vững.
Xây dựng đô thị bền vững và đáng sống
Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đan Mạch, Đại sứ quán Đan Mạch và Công ty cổ phần Ashui Việt Nam phối hợp tổ chức triển lãm "Đô thị bền vững Bắc Âu", trưng bày một số dự án tiêu biểu đã thành công ở Đan Mạch và các nước Bắc Âu.
Theo Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Hojlund Christensen, trong những năm qua, Đại sứ quán Đan Mạch và các đối tác Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực xây dựng đô thị bền vững và đáng sống, thúc đẩy trao đổi kiến thức và kinh nghiệm giữa các chuyên gia của hai nước về cách kiến tạo những thành phố sống tốt hơn cho người dân. Bên cạnh đó, cùng nhau nâng cao nhận thức về tầm quan trọng đặc biệt của việc cân bằng giữa phát triển cơ sở hạ tầng với cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người dân đô thị.
Thông qua triển lãm và hội thảo này, Đại sứ hy vọng Copenhagen và các thành phố khác của Đan Mạch trở thành những thành phố xanh và đáng sống nhất trên thế giới sẽ truyền cảm hứng tới các đối tác và bạn bè Việt Nam. “Từ đó, khuyến khích các bạn tiếp tục nỗ lực phát triển và chuyển đổi đô thị của Việt Nam thành các thành phố bền vững và đáng sống hơn”, Đại sứ Kim Hojlund Christensen nhấn mạnh.
Thực tế, việc thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước diễn ra rất sớm từ 50 năm trước - vào năm 1971. Ngay sau đó, Đan Mạch bắt đầu cung cấp hỗ trợ nhân đạo và các khoản vay ưu đãi cho Việt Nam để hỗ trợ tái thiết sau chiến tranh. Viện trợ phát triển của Đan Mạch cho Việt Nam đặc biệt tăng nhanh từ năm 1993 khi Việt Nam được chọn là quốc gia ưu tiên trong hợp tác phát triển của Đan Mạch.
Năm 2013, Đan Mạch là nước Bắc Âu đầu tiên và cho tới nay là nước Bắc Âu duy nhất ký Hiệp định Đối tác Toàn diện với Việt Nam. Đây là một dấu mốc quan trọng, nâng tầm quan hệ song phương từ hợp tác phát triển truyền thống lên quan hệ đối tác toàn diện bao gồm đối thoại chính trị, thương mại và đầu tư, tăng trưởng xanh, năng lượng, an toàn thực phẩm, giáo dục và y tế.
Đô thị Việt Nam trước tác động của biến đổi khí hậu
Tại Việt Nam, biến đổi khí hậu đã và đang làm gia tăng nhiều vấn đề môi trường cho các thành phố. Những đợt nắng nóng và hạn hán bất thường kéo dài ở các thành phố miền Bắc và miền Trung đã gây ra nhiều khó khăn cho công tác cấp điện, nước sinh hoạt cho các khu dân cư và các khu công nghiệp.
Các ảnh hưởng nhiều nhất và nghiêm trọng nhất sẽ xảy ra đối với các thành phố ven biển. Cho dù với kịch bản nước biển dâng thấp nhất, cuộc sống của nhiều dân cư đô thị tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quy Nhơn, TP.HCM sẽ bị ảnh hưởng.
Trong bối cảnh đó, sự tăng cường khả năng chống chịu phục hồi và thích ứng với biến đổi khí hậu cho các đô thị Việt Nam trở thành một mối quan tâm lớn của các cấp chính quyền trung ương và địa phương.
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng, các đô thị Việt Nam đang đối mặt với không ít thách thức. Đó là 138 đô thị ven biển và vùng ĐBSCL có nguy cơ ngập cao do ảnh hưởng của bão, lũ lụt, nước biển dâng; 143 đô thị miền núi và Tây Nguyên có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất... Tại các đô thị lớn như: Hà Nội, TP.HCM... vấn đề ngập úng đô thị ngày càng phổ biến do bê tông hóa, mật độ xây dựng lớn, mảng xanh ngày càng thu hẹp... Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều lĩnh vực bị tác động nặng nề như sản xuất, kinh doanh, giáo dục... đã làm nảy sinh các vấn đề hoàn toàn mới mà chính quyền địa phương phải giải quyết.
Thực tế rà soát theo kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ TN&MT, các khu vực tiềm ẩn chịu tác động mạnh từ biến đổi khí hậu lại là khu vực có tốc độ đô thị hóa và phát triển đô thị cao trong những năm gần đây và được dự báo sẽ tiếp tục đô thị hóa mạnh.
Theo Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), hiện nay, có khoảng 300 đô thị ven biển sẽ chịu sự tác động rất lớn của biến đổi khí hậu như tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn, triều cường.
Khoảng 140-150 đô thị ở miền núi chịu sự ảnh hưởng của sạt lở đất, lũ quét và hạn hán. Với xu thế đô thị hóa và phân bố hệ đô thị hiện nay, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan thực sự là thách thức đối với công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị.
Biến đổi khí hậu và phát triển đô thị liên quan với nhau chặt chẽ và thường tương tác tiêu cực. Phát triển đô thị khiến cho các đô thị được cải tạo xây dựng mới nhiều dẫn đến tăng nguy cơ ngập lụt khi mưa lớn, bão và triều cường.
Đặc biệt mối hiểm họa càng gia tăng khi các Quy hoạch: quốc gia, vùng, đô thị chưa có nội dung hoặc chưa có các phương án tính toán về rủi ro đã cập nhật với tình hình mới của biến đổi khí hậu.
Trước thực tế gia tăng của bão, lụt, chính quyền các thành phố sẽ phải quy hoạch phát triển đô thị tránh xa những vùng đất gần sông, biển và áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt phòng chống thiên tai hoặc di chuyển các cơ sở hạ tầng hay công trình trọng yếu ra khỏi các khu vực dễ bị lũ lụt.
Sử dụng quy hoạch đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu là một giải pháp quan trọng vì một thành phố được quy hoạch tốt cung cấp nền tảng cho việc phát triển bền vững. Các giải pháp thông qua quy hoạch đô thị có thể giúp giảm nhẹ nhiệt độ trong các thành phố bằng cách giảm mật độ dân số, tạo ra nhiều không gian mở và công viên, giảm thiểu diện tích đất xây dựng bằng cách lựa chọn hình thái đô thị tích hợp và khuyến khích giao thông công cộng.
Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhận định, để đô thị có sức đề kháng trước thiên tai, dịch bệnh, công tác quy hoạch, tổ chức không gian đô thị đòi hỏi phải có cái nhìn tổng thể, lồng ghép được các yêu cầu mới trong phát triển đô thị bền vững trên cả 3 khía cạnh: Kinh tế, xã hội và môi trường. Nguyên tắc chung là phải nâng cao năng lực thích ứng bằng cách định hướng phát triển hài hòa, phù hợp với điều kiện tự nhiên.
“Với các đô thị nhỏ, mật độ dân cư thấp, cần xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phát triển theo hướng hiện đại. Các tiêu chuẩn quy hoạch và thiết kế các khu dân cư cần bảo đảm có đủ không gian xanh cho người dân, không gian sơ tán trong trường hợp khẩn cấp. Với đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, cần sớm hình thành các đô thị vệ tinh, nơi có điều kiện phát triển mới theo hướng xanh hơn, bền vững hơn, tạo cơ hội giãn dân ra khỏi khu vực nội đô”, ông Trần Ngọc Chính nêu giải pháp.
Lan Anh (T/h)