'Điệp khúc' ô nhiễm khu vực nông thôn (Kỳ 1)
Gần 10 năm qua, kể từ khi Bộ TN&MT công bố Báo cáo Môi trường Quốc gia khu vực nông thôn, "điệp khúc" ô nhiễm dường như vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.
Lời tòa soạn: Dù Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố Báo cáo Môi trường Quốc gia khu vực nông thôn từ năm 2014, trong đó phân tích khá đầy đủ nguyên nhân, thực trạng, chỉ ra giải pháp… để xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường. Thế nhưng gần 10 năm qua, "điệp khúc" ô nhiễm, nguy cơ ô nhiễm càng ngày càng tăng chứ không có dấu hiệu suy giảm.
Thực trạng nhiều vùng chỉ ra ra rằng, hoạt động sản xuất làng nghề chỉ đem lại lợi ích cho một bộ phận nhỏ nhưng lại khiến cả địa phương và các vùng lân cận phải hứng chịu những hệ lụy lớn từ nạn ô nhiễm môi trường… Trước tình hình đó, Luật Bảo vệ Môi trường 2014 sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, kỳ vọng sẽ giải quyết triệt để, tận gốc vấn đề ô nhiễm môi trường vốn được coi là “điệp khúc”.
Với mong muốn góp phần phản ánh những mặt trái của nhiều hoạt động sản xuất, cảnh báo hệ lụy cho sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội, từ đó đi tìm giải pháp căn cơ xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường, Tạp chí Kinh tế Môi trường khởi đăng tuyến bài: “Hoàn thiện chính sách - chìa khóa xử lý tận gốc 'điệp khúc' ô nhiễm”.
Năm 2014, Bộ TN&MT công bố Báo cáo Môi trường Quốc gia khu vực nông thôn. Báo cáo phân tích khá đầy đủ nguyên nhân, thực trạng, chỉ ra giải pháp… để xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường. Nhưng, gần 10 năm qua, "điệp khúc" ô nhiễm dường như vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Những ký tự ám ảnh
Lật giở cuốn sổ chứng tử của người dân trong xã, Trưởng Trạm y tế xã Văn Môn (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) Nguyễn Văn Duy “kiểm đếm”: 3 năm, đếm nhanh có khoảng 30 người dân trong xã chết vì bệnh ung thư, các bệnh liên quan đến đường hô hấp…
Những người mất vì nguyên nhân này được ký hiệu bằng hai ký tự “U”, “K” đầy ám ảnh – những căn bệnh mà không ai mong muốn mình bị gọi tên. Trung bình, mỗi năm Văn Môn có khoảng chục trường hợp người dân chết vì bệnh “U”, “K”, đó là nhiều trường hợp khác còn không báo nguyên nhân tử vong.
Bên con đường thảm nhựa rộng thênh thang của khu dân cư được quy hoạch, đã làm hạ tầng nhưng chưa một bóng nhà. Ông Lê Quang Năm, công an viên xã Văn Môn không giấu giếm chỉ vào những bao tải đầy ứ, được buộc túm đầu bao, vứt chỏng chơ ven đường nói “đó là những bao chứa chất xỉ nhôm từ các xưởng tái chế từ trong làng đưa ra”.
“Cứ chạng vạng tối hay tờ mờ sáng, người ta chở xe máy đổ trộm vài bao chất thải. Xã không đủ người để rình bắt những trường hợp như vậy. Người đi đổ thải trộm, cũng là người làm thuê từ tứ xứ đến, không phải chủ xưởng, nên có bắt được quả tang cũng không đủ căn cứ để xử phạt. Vì một hai bao xỉ thải chưa đủ khối lượng để phạt, và nếu xử phạt, lại phải có xác nhận của cơ quan chuyên môn rằng đó là chất thải nguy hại, nằm trong danh mục cấm… Thế nên, hàng chục năm nay, cả làng thành bãi rác khổng lồ!”.
“Bãi rác khổng lồ” mà ông Năm nói tới nằm chình ình phía rìa làng, chiếm trọn vẹn cả khu ruộng lên tới vài mẫu, vốn trước đây cấy một năm hai vụ lúa.
Chủ ruộng phải bỏ hoang vì không canh tác được. Càng bỏ hoang, các xưởng cô nhôm, tái chế lại càng đổ thải, lâu dần thành bãi xỉ thải khổng lồ.
Tính từ thời điểm thôn Mẫn Xá có nghề thu mua nhôm phế liệu về tái chế, tròn 30 năm cả xã Văn Môn hơn 1 vạn dân phải sống chung với ô nhiễm khói bụi. Những ống khói hàng ngày nhả khói đen kịt lên nền trời xám ngoét. Những con đường ngập ngụa xỉ than, xỉ nhôm; Làng đặc quánh, khét lẹt mùi khói bụi, mùi nhôm nấu…
Cuối năm 2020, UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt chủ trương chi 165 tỉ đồng thuê một đơn vị về xử lý 370.000 tấn rác thải độc hại được tích trữ, lưu cữu. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, bãi rác vẫn án binh bất động bởi nằm chờ quy trình, thủ tục. Theo đó, huyện được giao làm chủ đầu tư, lập dự án, sau đó phải tổ chức đấu thầu.
“Chúng tôi bất lực, không thể làm gì được” – Phó Chủ tịch xã Văn Môn Bùi Đức Thuyên xác nhận.
Văn Môn là cái tên không xa lạ trong danh sách những làng quê điển hình của ô nhiễm môi trường trầm trọng bởi hoạt động sản xuất làng nghề.
Nghịch lý ở chỗ, chỉ có một số ít các hộ dân hoạt động sản xuất, tái chế phế liệu, nhưng cả vạn dân trong xã và những xã lân cận phải hứng chịu những hệ lụy của cái gọi là “làng nghề truyền thống”!
Sức ép ô nhiễm
Năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) công bố “Báo cáo Môi trường Quốc gia, chuyên đề Môi trường Nông thôn”.
Báo cáo công phu, dày 184 trang, do 3 lãnh đạo Bộ chỉ đạo thực hiện, gồm: Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang; Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng.
Đây là báo cáo chuyên đề đầy đủ, bao quát và cũng là báo cáo gần nhất về thực trạng môi trường vùng nông thôn – nơi tập trung gần 70% dân cư cả nước.
Lời giới thiệu viết: “Báo cáo trả lời những câu hỏi: Điều gì đang gây sức ép đối với môi trường nông thôn? Hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường nông thôn như thế nào? Ô nhiễm môi trường nông thôn đã gây tác hại đến sức khoẻ cộng đồng và sự phát triển kinh tế - xã hội ra sao? Chúng ta đã, đang và sẽ phải làm gì để bảo vệ môi trường nông thôn?”.
7 năm trôi qua, ba lãnh đạo chỉ đạo đề tài đã nghỉ hưu. Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng thẳng thắn thừa nhận: Ô nhiễm môi trường vùng nông thôn vẫn là bài toán chưa có lời giải, theo thời gian, nguy cơ ô nhiễm ngày càng tăng chứ không có chiều hướng giảm.
Trong nhiều nguyên nhân, có áp lực do các làng nghề xả thải gây ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn cực kỳ nghiêm trọng.
Theo thống kê, cả nước có 5.096 làng nghề và làng có nghề, trong đó, làng nghề truyền thống là 1.748, tập trung khoảng 10 triệu lao động.
Tuy nhiên, mặt trái của các làng nghề nông thôn gây ra là tình trạng gây ô nhiễm môi trường: Nước thải, chất thải do các làng nghề tại các vùng quê gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất đai ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi và sức khỏe người dân còn rất phổ biến.
Bộ TN&MT cho biết, năm 2013, tỉ lệ làng nghề sử dụng thiết bị xử lý nước thải, chất thải độc hại chỉ đạt 4,1%. Theo quy định, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, đối với các làng nghề không thể đầu tư, áp dụng các biện pháp xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường tương ứng thì phải di dời vào cụm công nghiệp (CCN) hoặc khu chăn nuôi, khu sản xuất tập trung bên ngoài khu dân cư.
Tuy nhiên, đến nay số làng nghề được quy hoạch trong CCN làng nghề là rất ít (47 làng nghề). Đa số các làng nghề chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Các loại khí thải, nước thải đều được xả thải trực tiếp ra môi trường…
Đặc biệt, nước thải tại các làng nghề tái chế kim loại, chế biến nông sản, thủy sản đang là vấn đề bức xúc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Chất thải rắn ở hầu hết các làng nghề chưa được thu gom và xử lý triệt để gây tác động xấu tới cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường không khí, nước và đất.
Ô nhiễm không khí phát sinh từ các cơ sở sản xuất công nghiệp và làng nghề làm gia tăng tỉ lệ người mắc bệnh tại khu vực nông thôn, đặc biệt là trẻ em.
Nghiên cứu tại làng nghề dệt vải, Báo cáo cho biết: Tiến hành điều tra 142 hộ gia đình và 131 trẻ em tuổi từ 6-17 cho thấy nồng độ bụi bông và tiếng ồn lớn đã ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em. Tại các hộ gia đình có xưởng dệt từ 3-12 máy, nồng độ bụi bông từ 1,12-1,91 mg/m3, cao hơn QCVN 1,1- 1,9 lần. Trẻ em sống tại các gia đình làm nghề dệt đã có một số ảnh hưởng của bụi bông như đau họng (22,9%), ngạt mũi (19,1%), thở khò khè (15,5%), ho kéo dài (9,9%), ngứa mắt (7,6%), mẩn ngứa, dị ứng mề đay (2,3-7,6%). Có 65,9% trẻ em có nhịp mạch cao hơn so với tiêu chuẩn theo lứa tuổi và 17,6% trẻ có huyết áp tối đa cao hơn tiêu chuẩn theo lứa tuổi.
Tại các làng nghề tái chế kim loại, ô nhiễm không khí do sự phát thải khí độc, nguồn nhiệt cao và bụi kim loại từ các lò đúc, nấu kim loại… trong quá trình sản xuất đã gây ra các bệnh phổ biến như bệnh hô hấp, bụi phổi và bệnh về thần kinh. Các bệnh có tỉ lệ mắc cao là bệnh phổi thông thường, bệnh tiêu hoá, bệnh về mắt, bệnh phụ khoa, lao phổi (0,4-0,6%) và ung thư phổi (0,35- 1%).
Nghiên cứu tại làng nghề tái chế kim loại Châu Khê (Bắc Ninh) cho thấy, tỉ lệ người mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm rất cao. Trên 60% dân cư trong vùng có các triệu chứng bệnh liên quan đến thần kinh, hô hấp, bệnh ngoài da, điếc.
Một điểm đáng lưu ý là tỉ lệ mắc bệnh ở nhóm người tham gia sản xuất và không tham gia sản xuất là tương đương. Nguyên nhân xuất phát từ đặc tính sản xuất của làng nghề là sản xuất tại gia đình, nơi tất cả các thành viên cùng ăn ở, sinh hoạt. Do vậy, không có sự khác biệt về mức độ tác động của ô nhiễm không khí gây ra trong quá trình sản xuất đối với nhóm người tham gia sản xuất và nhóm người không tham gia sản xuất (người già, trẻ em).
Lực lượng Cảnh sát môi trường với vai trò chuyên trách, chủ công trong phòng, chống tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường trong thời gian qua luôn xác định khu vực nông thôn là địa bàn trọng điểm trong phòng ngừa, đấu tranh. Giai đoạn 2014 - 2017, Cảnh sát Môi trường đã phát hiện đã phát hiện hơn 60.000 vụ vi phạm với 65.000 đối tượng vi phạm; Khởi tố và đề nghị khởi tố là 1.380 vụ với 1.996 đối tượng, xử lý hành chính với 15.844 cá nhân, 11.018 tổ chức, xử phạt và truy thu phí môi trường là 526,29 tỉ đồng.
(Nguồn: Báo cáo tổng kết tình hình và công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường giai đoạn 2010 – 2015, Cục Cảnh sát Môi trường, Bộ Công an).
Đón đọc bài viết tiếp theo "Kỳ cuối: Kỳ vọng vào Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi
Thái Bình