Thứ tư, 01/05/2024 17:25 (GMT+7)
Thứ ba, 02/07/2019 09:21 (GMT+7)

Điện mặt trời (Uỷ ban dân tộc): Trách nhiệm thuộc về ai? (Bài 4)

Theo dõi KTMT trên

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đăng loạt bài về dấu hiệu sai phạm trong dự án điện mặt trời của Uỷ ban Dân tộc thuộc Chính phủ.

Có thể thấy hàng loạt sai phạm trong phần xây dựng, lắp đặt, phần thiết bị đến những sai phạm trong công tác quản lý, thanh toán vốn cũng như trong công tác nghiệm thu, bàn giao, bảo hành, bảo trì... khiến cho dự án Ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam đến nay không đạt được những mục tiêu đã đề ra. Vậy cá nhân hay tổ chức nào phải chịu trách nhiệm?

Điện mặt trời (Uỷ ban dân tộc): Trách nhiệm thuộc về ai? (Bài 4) - Ảnh 1
Một dự án với số vốn lên tới gần 200 tỉ đồng lại có những dấu hiệu sai phạm từ khâu thi công đến giám sát, nghiệm thu, bàn giao, bảo hành, bảo trì, đặc biệt dự án không thể quyết toán được. (Ảnh: Internet)

Theo phản ánh của chính quyền các cấp ở địa phương có dự án, Ban quản lý dự án điện mặt trời (Ban quản lý) không bàn giao hồ sơ thiết kế kỹ thuật - dự toán cho địa phương do đó chính quyền địa phương (đặc biệt là cấp huyện) không hề hay biết dự án này được phê duyệt ra sao, không biết phải chỉ đạo tổ chức thực hiện như thế nào. Nhiều xã đã báo cáo lên huyện có một số thiết bị bị hỏng hóc, điện áp thấp... nhưng huyện không có cách nào khắc phục vì không có hồ sơ. Mặt khác khi tổ chức nghiệm thu bàn giao, Ban quản lý dự án không mời chính quyền huyện và xã tham gia, đặc biệt là phòng chức năng quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng trên địa bàn, do đó họ không thể biết được dự án thi công có đúng thiết kế hay không.

Thêm vào đó, Ban quản lý dự án không kiểm tra, giám sát đối với đơn vị tư vấn giám sát và đơn vị thi công; có sai phạm trong thi công nhưng không xử lý và vẫn thanh toán bình thường: 3/4 đơn vị được thanh toán 100% giá trị hợp đồng.

Từ ngày 08 - 10/6/2011, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Ban quản lý, đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị tư vấn giám sát và đơn vị thi công tiến hành kiểm tra điểm tại một số xã của huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc thuộc tỉnh Cao Bằng. Qua kiểm tra Vụ Kế hoạch - Tài đã có biên bản làm việc và chỉ ra những sai phạm tại các xã này, đồng thời đề nghị Ban quản lý dự án phải chỉ đạo đơn vị thi công và đơn vị tư vấn giám sát chỉnh sửa và khắc phục ngay. Nhưng đến tháng 3/2013, Vụ Kế hoạch - Tài chính tiến hành kiểm tra lại tại các xã đã được kiểm tra trước đây thì mọi sai phạm vẫn giữ nguyên, không khắc phục. Trong khi đó cuối năm 2012, Ban quản lý dự án báo cáo là đã khắc phục, sửa chữa xong hoàn toàn đúng như thiết kế được duyệt.

Ban quản lý dự án cũng không thực hiện nghiêm túc quy định của nhà nước trong việc thanh toán khối lượng hoàn thành cho các đơn vị nhận thầu thi công, tư vấn giám sát dẫn đến thanh toán sai, thanh toán khống, ứng vượt khối lượng.

Bên cạnh đó, rất nhiều hệ điện thi công sai thiết kế, thiếu khối lượng nhưng vẫn được nghiệm thu với 100% khối lượng hoàn thành như thiết kế được duyệt và như hợp đồng đã ký. Một số thiết bị lắp đặt thiếu như chiều cao cột, quạt điện, ti vi... nhưng vẫn được nghiệm thu như thiết kế - dự toán được duyệt và được thanh toán theo giá trị dự toán được duyệt. Các hạng mục có phần chìm (phần âm) như móng nhà, cốt thép trong bê tông không được nghiệm thu chi tiết đúng quy định.

Tất cả các xã và các huyện được kiểm tra dự án cho biết, không được Ban quản lý dự án mời nhận bàn giao, chỉ thấy Giám đốc Ban quản lý Nguyễn Văn Thanh yêu cầu lãnh đạo xã ký vào biên bản và hứa sẽ gửi lại biên bản bàn giao cho xã sau khi Ban quản lý dự án điền hết các nội dung bên trong biên bản. Thực tế hiện các xã không nhận được bất kỳ biên bản bàn giao nào được lưu tại xã. Ban quản lý dự án cũng không bàn giao hồ sơ thiết kế kỹ thuật - dự toán của các hệ điện cho huyện và xã quản lý theo quy định.

Thêm vào đó, hồ sơ hoàn công, hồ sơ thanh quyết toán công trình của 07 nhà thầu xây lắp còn thiếu nhiều căn cứ và không đúng quy định như: bản vẽ hoàn công không thể hiện chi tiết những hạng mục công việc thay đổi so với thiết kế được duyệt. Hồ sơ hoàn công chủ yếu là pho to lại bản vẽ thiết kế kỹ thuật sau đó đóng dấu hoàn công, dẫn đến hồ sơ hoàn công hoàn toàn khác so với thực tế tại hiện trường xây lắp, thực chất đây là hồ sơ hoàn công giả.

Các nhà thầu thi công xây lắp và tư vấn giám sát lập hồ sơ hoàn công, hồ sơ thanh toán A - B sai thực tế, thiếu thủ tục, không đủ điều kiện, thậm trí là hoàn công khống khối lượng nhưng vẫn được Ban quan lý xác nhận và đồng ý để thanh quyết toán.

Điện mặt trời (Uỷ ban dân tộc): Trách nhiệm thuộc về ai? (Bài 4) - Ảnh 2
Ban quản lý dự án không kiểm tra, giám sát đối với đơn vị tư vấn giám sát và đơn vị thi công; có sai phạm trong thi công nhưng không xử lý và vẫn thanh toán bình thường: ¾ đơn vị được thanh toán 100% giá trị hợp đồng. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Trong khi đó, chủ đầu tư dự án là Ủy ban dân tộc trong Báo cáo Đánh giá hiệu quả, tác động của các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, giai đoạn 1993 - 2017 của Ủy ban (ký ngày 26/7/2018) phúc đáp Công văn số 2310/BKHĐT-KTĐN ngày 12/4/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đề cập đến dự án Ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam là 1 trong 4 dự án mà Ủy ban dân tộc được giao. Tuy nhiên, trong phần đánh giá tác động của dự án báo cáo này chỉ nhận xét chung chung như sau: "Các dự án đã áp dụng những công nghệ tiên tiến, những ý tưởng, cách làm mới hiệu quả áp dụng lần đầu tiên” trong các chương trình quốc gia ở Việt Nam...".

Thực tế, dự án đến nay chưa thể quyết toán theo quy định được. Được biết, ngày 2/4/2015, Vụ Kế hoạch tài chính đã làm việc với Ban quản lý thống nhất bằng biên bản về cách thức hoàn thiện hồ sơ theo kiểu “cuốn chiếu”, tức là xã nào có đủ điều kiện thì quyết toán trước, xã nào chưa đủ thì tiến hành khắc phục ngay và quyết toán sau nhưng vẫn không có kết quả.

Thật kinh ngạc, một dự án với số vốn lên tới gần 200 tỷ đồng, lại có những dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng từ khâu thi công đến giám sát, nghiệm thu, bàn giao, bảo hành, bảo trì, đặc biệt dự án không thể quyết toán được.

Để xử lý trách nhiệm về những sai phạm tại Ban quản lý điện mặt trời trước hết thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc Đỗ Văn Chiến . Ủy ban dân tộc – chủ đầu tư dự án và Ban quản lý dự án cần phải nghiêm túc làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến những sai phạm và xử lý nghiêm minh. Đồng thời chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra Bộ Công an để xem xét và khởi tố vụ án để điều tra về những sai phạm nêu trên.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin về những dấu hiệu sai phạm tại Ủy ban Dân tộc trong các bài viết sau.

Theo Môi trường và Đô thị

Bạn đang đọc bài viết Điện mặt trời (Uỷ ban dân tộc): Trách nhiệm thuộc về ai? (Bài 4). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ngày 2/5: QUỐC HỘI HỌP BẤT THƯỜNG XEM XÉT CÔNG TÁC NHÂN SỰ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Kỳ họp sẽ diễn ra trong buổi chiều 2/5/2024 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Ngày vui thống nhất non sông
Chỉ có thống nhất Việt Nam mới có thể giàu mạnh, chỉ có thống nhất nhân dân mới có cuộc sống Độc lập - Tự do - Hạnh phúc!
Hướng về mảnh đất Điện Biên anh hùng
Những ngày này, cả nước đang hướng về mảnh đất Điện Biên anh hùng. 70 năm qua, dấu ấn chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu vẫn còn hiện rõ trên mảnh đất miền Tây Bắc này.

Tin mới

Hải Dương: Rộn ràng pháo đất Ninh Giang
Pháo đất từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Ninh Giang (Hải Dương). Nhất là cứ mỗi độ hè sang, tiếng pháo lại âm vang, rộn rã khắp mọi miền quê.