Thứ bảy, 23/11/2024 13:54 (GMT+7)
Thứ hai, 01/07/2019 10:00 (GMT+7)

Dự án điện mặt trời của Uỷ ban Dân tộc: Thất thoát nguồn vốn lớn

Theo dõi KTMT trên

Ban quản lý dự án ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam thuộc Ủy ban dân tộc có dấu hiệu mắc sai phạm nghiêm trọng về quản lý và thanh toán vốn, gây thất thoát nguồn vốn lớn.

Như Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đăng bài viết ở kỳ 1 và kỳ 2 về những sai phạm trong dự án điện mặt trời. Đối chiếu với hồ sơ, tài liệu theo quy định của nhà nước về đầu tư xây dựng, Ban quản lý dự án ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam thuộc Ủy ban dân tộc có dấu hiệu mắc những sai phạm nghiêm trọng về quản lý và thanh toán vốn, gây thất thoát nguồn vốn lớn.

Việc triển khai dự án Ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam (do Ủy ban Dân tộc thuộc Chính phủ quản lý) tại những vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, dù đã được triển khai gần 10 năm nay nhưng dự án này vẫn còn rất nhiều tồn tại, vướng mắc trong quá trình xem xét, thẩm tra hồ sơ phê duyệt quyết toán do những sai phạm của một số bên liên quan.

Dự án Ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam (dự án điện mặt trời) vay vốn ODA của Chính phủ Phần Lan. Tổng mức đầu tư hơn 197 tỉ đồng (tương đương 7,9 triệu Euro), trong đó vốn vay là hơn 134 tỉ đồng, vốn đối ứng hơn 64 tỉ đồng.

Dự án được thực hiện ở 70 xã đặc biệt khó khăn thuộc 20 huyện của 8 tỉnh miền Trung và miền núi phía Bắc. Thời gian thực hiện từ năm 2010. Các xã này được lắp đặt đồng bộ hệ thống năng lượng mặt trời nhằm cấp điện cho trụ sở các UBND xã, trạm y tế xã, tủ bảo quản vắc xin, nhà văn hóa xã (hoặc thôn, bản), trạm nạp ắc quy và trạm thu - phát tín hiệu truyền hình qua vệ tinh.

Dự án điện mặt trời của Uỷ ban Dân tộc: Thất thoát nguồn vốn lớn - Ảnh 1
Những sai phạm trong dự án điện mặt trời của Uỷ ban dân tộc Chính phủ đã gây ra lãng phí nguồn lực ngân sách là rất lớn, ảnh hưởng đến nguồn vốn vay ODA của Chính phủ, gây hậu quả nghiêm trọng cần phải được xử lý, khắc phục theo quy định của pháp luật hiện hành. (Ảnh minh hoạ)

Về nguyên tắc, Ban quản lý dự án điện mặt trời (Ban quản lý) phải giữ lại 10% giá trị hợp đồng, sau khi nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng nếu không có gì tồn tại vướng mắc mới được thanh toán tiếp. Tuy nhiên, dù thực tế tại hiện trường có nhiều sai phạm chưa được khắc phục nhưng Ban quản lý vẫn thanh toán 100% giá trị hợp đồng cho 3 nhà thầu tư vấn giám sát, cụ thể là: nhà thầu TVGS8 là 648,1/648,1 triệu đồng, bằng 100%, nhà thầu TVGS9 là 518,1/518,1 triệu đồng, bằng 100%, nhà thầu TVGS11 là 425,3/425,3 triệu đồng, bằng 100%.

Đối chiếu tài liệu còn cho thấy, Ban quản lý dự án chi trùng (thanh toán 2 lần) đối với công tác thí nghiệm vật liệu xây dựng là 222,4 triệu đồng; thanh toán khống cho xây lắp khoảng 1,9 tỷ đồng; thanh toán khống khối lượng điện nước và thuê kho bãi cho 02 nhà thầu là: 178,2 triệu đồng; thanh toán khống nhân công lắp 83 đoạn cột ăng ten thu phát truyền hình.

Thậm chí, tại thời điểm gói thầu xây lắp số 05 vẫn chưa thi công nhưng đơn vị thi công xây lắp và tư vấn giám sát đã lập biên bản nghiệm thu khối lượng công việc hoàn thành, lập hồ sơ và được Ban quản lý dự án chấp nhận thanh toán, giá trị thanh toán là 2,08 tỉ đồng /2,242 tỉ đồng, bằng 93%.

Theo quy định tại Quyết định số 957/QĐ-BXD ngày 29/9/2009, của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc công bố định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình thì chi phí tư vấn giám sát thiết bị được tính bằng tỷ lệ % trên giá trị thiết bị được xác định, cụ thể là: thiết bị có giá trị bằng hoặc nhỏ hơn 10 tỉ đồng áp dụng định mức là 0,918%; thiết bị có giá trị từ trên 10 tỉ đến dưới 20 tỉ đồng áp dụng định mức là 0,804%; thiết bị có giá trị từ trên 20 tỉ đến dưới 50 tỉ đồng áp dụng định mức 0,767%. Nhưng tất cả các gói thầu tư vấn giám sát của dự án điện mặt trời đều áp dụng định mức 0.918% là không đúng quy định, dẫn đến việc chi sai định mức 229,5 triệu đồng.

Theo thiết kế đã được phê duyệt, nhiều thiết bị đã lắp đặt nhưng bị mất và thiết bị không lắp đặt có tổng giá trị là 35.480 Euro, tương đương hơn 1 tỉ đồng. Bên cạnh đó, rất nhiều hệ điện thi công sai thiết kế, thiếu khối lượng nhưng vẫn được nghiệm thu với 100% khối lượng hoàn thành như thiết kế được duyệt và như hợp đồng đã ký.

Theo nội dung của dự án được duyệt, sau khi dự án hoàn thành và bàn giao cho Uỷ ban nhân dân các xã thì Ban quản lý có trách nhiệm phối hợp với chính quyền sở tại tổ chức thành lập tổ quản lý và xây dựng quy chế hoạt động để tổ chức vận hành khai thác hiệu quả dự án này.

Tuy nhiên, sau khi dự án hoàn thành, không có xã nào thành lập tổ quản lý, không có xã nào có quy chế hoạt động quản lý và cũng không có xã nào có cán bộ xã được tập huấn, đào tạo. Do đó, các thiết bị không được quản lý chặt chẽ; nhiều thiết bị hiện nay đã mất, hỏng hoặc giao cho cá nhân sử dụng nhưng không có biện pháp xử lý kịp thời. Các thiết bị mặc dù có chất lượng rất tốt nhưng đã xuống cấp nhanh chóng do không được quản lý, sử dụng đúng quy cách.

Theo phụ lục bổ sung Hợp đồng số 01/2005/UBDT-NAPS ngày 09/12/2005 giữa Ban quản lý và Tập đoàn NAPS (Cộng hòa Phần Lan) với nội dung yêu cầu là NAPS có trách nhiệm tập huấn về lý thuyết và thực tế tại hiện trường cho cán bộ xã, hướng dẫn kỹ thuật quản lý vận hành và sử dụng các hệ điện cho tổ quản lý của xã.

Nhưng trên thực tế, Tập đoàn NAPS mới tổ chức được 03 lớp tập huấn tại các tỉnh Quảng Nam, Cao Bằng và Hà Nội cho các đối tượng là những cán bộ kỹ thuật của các đơn vị thi công xây lắp và tư vấn giám sát. Còn lại, 100% đối tượng chính trong hợp đồng là cán bộ xã cần ưu tiên đào tạo để quản lý, sử dụng lâu dài như nội dung dự án được phê duyệt và hợp đồng đã được ký kết thì không được tập huấn.

Dự án điện mặt trời của Uỷ ban Dân tộc: Thất thoát nguồn vốn lớn - Ảnh 2

Ngày 13/3/2018, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải trao Quyết định bổ nhiệm cho lãnh đạo các Ban Quản lý của UBDT. Trong đó điều động, biệt phái ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc BQLDA ứng dụng điện mặt trời đến nhận công tác tại BQLDA đầu tư chuyên ngành xây dựng và ông Nguyễn Văn Thanh vẫn tiếp tục giữ chức vụ Giám đốc BQLDA ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam. Ảnh: cema.

Điều lấy làm ngạc nhiên, dù không được tập huấn ngày nào thế nhưng cán bộ của 70 xã vẫn được cấp chứng chỉ bằng tiếng anh của Tập đoàn NAPS. Hiện nay, những cán bộ xã được cấp chứng chỉ đều không hiểu tại sao mình lại có giấy chứng chỉ này và cũng hoàn toàn không biết vận hành các hệ điện nói trên nhưng kinh phí đã được Ban quản lý dự án thanh toán gọn 100.000 Euro (khoảng 3 tỉ đồng) cho Tập đoàn NAPS.

Về việc bảo trì công trình, lãnh đạo Uỷ ban Dân tộc Chính phủ đã giao vốn, phê duyệt dự toán để Ban quản lý thực hiện ngay từ cuối năm 2011 và Ban quản lý dự án có ký hợp đồng kinh tế với đơn vị bảo trì là Viện khoa học năng lượng thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Viêt Nam với giá trị là 3,06 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ ngày 05/12/2012.

Tuy nhiên, thực tế, nhiều hệ điện có các thiết bị hỏng, thiết bị lắp thiếu nhưng chưa được sửa chữa, khắc phục kịp thời như bộ chuyển đổi nguồn, ốc vít thanh giằng, ốc vít định vị cột thu phát và chân đế; các dây néo bị trùng, cột thu phát truyền hình bị nghiêng...

Như vậy, những sai phạm trong dự án điện mặt trời của Uỷ ban dân tộc Chính phủ đã gây ra lãng phí nguồn lực ngân sách là rất lớn, ảnh hưởng đến nguồn vốn vay ODA của Chính phủ, gây hậu quả nghiêm trọng cần phải được xử lý, khắc phục theo quy định của pháp luật hiện hành.

Để xảy ra việc sai phạm này từ đời Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc Giàng Seo Phử chưa được xử lý. Nay người kế nhiệm là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến vẫn chưa xem xét, làm rõ và xử lý dứt điểm vụ việc. Điều đáng ngạc nhiên về công tác cán bộ ở đây, dù biết được những sai phạm đó nhưng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc Đỗ Văn Chiến vẫn tiếp tục bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thanh, một bác sĩ chuyên về lĩnh vực thể thao, không có chuyên môn làm Giám đốc Ban quản lý dự án chuyên ngành quan trọng này.

Dư luận đang đặt câu hỏi, liệu vụ việc nghiêm trọng này có bị chìm xuồng? Có hay không việc lãnh đạo Uỷ ban dân tộc đang làm ngơ cho những sai phạm trên (?!)

Những sai phạm này cũng đang được Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an điều tra làm rõ.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin trong các bài viết sau.

Theo Môi trường và Đô thị

Bạn đang đọc bài viết Dự án điện mặt trời của Uỷ ban Dân tộc: Thất thoát nguồn vốn lớn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới