Thứ bảy, 07/09/2024 21:19 (GMT+7)
Thứ năm, 29/06/2023 09:30 (GMT+7)

Điện mặt trời là giải pháp hữu hiệu cho nhiều doanh nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Điện mặt trời được đánh giá là một trong những giải pháp tăng cường cung cấp điện đối với khu vực có nguy cơ thiếu điện, nhất là trong những nhà xưởng sử dụng nhiều điện như lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Ngày 28/6, tại Hà Nội, Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hà Nội (HANSIBA) tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phát triển ứng dụng điện mặt trời trong sản xuất công nghiệp tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Vân – Phó Chủ tịch HANSIBA, Hội thảo được tổ chức nhằm hỗ trợ kịp thời, cụ thể cho các hội viên tiếp cận rõ hơn về kinh nghiệm phát triển ứng dụng điện mặt trời trong sản xuất; đồng thời lan toả tới cộng đồng và doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện định hướng của Đảng – Nhà nước và các cấp ngành trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Điện mặt trời là giải pháp hữu hiệu cho nhiều doanh nghiệp - Ảnh 1
Quang cảnh Hội thảo.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) nhấn mạnh, xu thế chuyển đổi sang sản xuất xanh là xu thế, yêu cầu bắt buộc. Bởi việc đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường đã và sắp được xem là bắt buộc đối với hàng hóa nhập khẩu. Do đó, nếu doanh nghiệp Việt Nam không sớm có giải pháp để chứng minh hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng… sử dụng đạt tiêu chuẩn xanh thì không thể xuất khẩu được sang các thị trường khó tính, điển hình như châu Âu, Mỹ...

"Đây không chỉ là vấn đề về chi phí mà là kế hoạch đầu tư dài hạn cho tương lai phát triển bền vững của doanh nghiệp. Vì thế, thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tích cực phối hợp để doanh nghiệp không chỉ được hỗ trợ về thông tin, kiến thức mà còn có những cơ chế để tiếp cận tài chính, mặt bằng sản xuất, cơ sở hệ thống… cho tăng trưởng xanh", ông Vinh phân tích.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Khắc Văn – Phó Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công Thương Hà Nội) nhận định, miền Bắc đang trong giai đoạn thiếu điện, trong khi nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời áp mái được phát triển không giới hạn. Đây là một trong những yếu tố rất thuận lợi cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận và sử dụng nguồn năng lượng này.

Ông Văn cho rằng, doanh nghiệp sử dụng nguồn năng lượng tái tạo sẽ giải quyết được nhiều vấn đề về thiếu hụt điện năng. Việc đầu tư cho năng lượng tái tạo còn là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, lợi về nguồn thu cho doanh nghiệp cung cấp giải pháp và thiết bị, lợi về chi phí cho doanh nghiệp đầu tư sử dụng.

Về lợi ích dài hơi, doanh nghiệp sản xuất sẽ được cung cấp các chứng chỉ về phát triển bền vững khi sử dụng năng lượng xanh, qua đó tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp khi cung ứng sản phẩm ra thị trường.

Tại hội thảo, các ý kiến từ doanh nghiệp đều nhấn mạnh, việc sử dụng năng lượng sạch trong sản xuất công nghiệp không chỉ góp phần đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất xanh mà còn giúp doanh nghiệp tự chủ về nguồn năng lượng, nhất là trong bối cảnh tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên có thể sẽ xảy ra như thời gian vừa qua.

Trong đó, điện mặt trời áp mái hiện đang được các doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất. Bởi đây là loại hình năng lượng dễ triển khai lắp đặt, có thể tận dụng ngay trên mái nhà xưởng, nhà để xe, đất trống trong các khu công nghiệp.

Ghi nhận những ý kiến từ doanh nghiệp, các chuyên gia tại Hội thảo đề nghị các doanh nghiệp nên xoay chuyển theo hướng bổ sung nguồn năng lượng từ năng lượng tái tạo như mặt trời, gió. Trong đó, năng lượng điện mặt trời hiện đang được quan tâm nhiều nhất bởi yếu tố thuận lợi dễ triển khai lắp đặt ngay trên mái nhà xưởng, nhà để xe, đất trống trong các khu công nghiệp.

Hơn nữa, điện mái nhà không tác động đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất nên được đánh giá là một trong những giải pháp tăng cường cung cấp điện đối với khu vực có nguy cơ thiếu điện, nhất là trong những nhà xưởng sử dụng nhiều điện như lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Điện mặt trời là giải pháp hữu hiệu cho nhiều doanh nghiệp - Ảnh 2
Điện mặt trời được đánh giá là một trong những giải pháp hữu hiệu cho nhiều doanh nghiệp.

Cũng tại Hội thảo, ông Lê Anh Tuấn, Đại diện GreenYellow Việt Nam, thành viên Tập đoàn năng lượng châu Âu đã giới thiệu về "Giải pháp điện mặt trời 0 đồng cho doanh nghiệp" và các dự án GreenYellow Việt Nam đã hợp tác đầu tư điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam cho ngành công nghiệp sản xuất. 

"Các đơn vị cung cấp giải pháp về điện mặt trời mái nhà không nối lưới, việc lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời chỉ nên áp dụng với mái nhà xưởng trên 5.000 m2, doanh nghiệp có hóa đơn tiền điện trên 500 triệu đồng/năm và báo cáo tài chính 3 năm gần nhất có lãi", ông Tuấn nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ của Hội thảo đã diễn ra lễ ký kết và trao biên bản thỏa thuận hợp tác (MoU) giữa GreenYellow và các doanh nghiệp hội viên HANSIBA.

PV

Bạn đang đọc bài viết Điện mặt trời là giải pháp hữu hiệu cho nhiều doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xanh hóa “ô nhiễm trắng” trong giao dịch thương mại điện tử
Sự phát triển của mua hàng trực tuyến mang theo hệ lụy rác thải khổng lồ trong khâu giao-nhận, làm gia tăng ô nhiễm trắng. Với mục tiêu phát triển bền vững, hướng đến sự chung tay hành động vì môi trường xanh, J&T Express đã có những phản ứng kịp thời.

Tin mới

Bão số 3 Yagi là cơn bão mạnh nhất 30 năm qua
"Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ" - ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhận định.