Thứ sáu, 29/03/2024 15:53 (GMT+7)
Thứ sáu, 26/06/2020 10:02 (GMT+7)

Điện Biên: Hiệu quả từ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá

Theo dõi KTMT trên

Từ bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, tỉnh Điện Biên đã xác định được các khu vực được cảnh báo, đề xuất không thể sinh sống được, cần di dời ngay dân cư và có biện pháp phòng tránh thỏa đáng đối với các công trình đang bị đe dọa.

Điện Biên: Hiệu quả từ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá - Ảnh 1
Khu vực xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông được cắm biển cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá.

Các hiện tượng thời tiết bất thường, cùng với các hoạt động nhân sinh như phá rừng, khai khoáng, xây dựng các công trình giao thông, nhà cửa… thúc đẩy các quá trình tai biến địa chất, đặc biệt là hiện tượng trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét phát triển mạnh mẽ với quy mô ngày càng lớn, mức độ thiệt hại ngày càng tăng, đe dọa đến an sinh cộng đồng. Trượt lở đất đá, lũ quét đã xảy ra đặc biệt nghiêm trọng tại nhiểu địa phương, gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân.

Đề án Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” được triển khai thực hiện trên cơ sở Quyết định số 351/QĐ-TTg ngày 27/3/2012. Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện.

Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá (trượt lở đất đá) khu vực tỉnh Điện Biên, tỉ lệ 1:50.000 đã xác định toàn vùng điều tra có nguy cơ trượt lở đất đá ở 5 mức độ khác nhau. Trong đó, diện tích phân bố của các khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá rất cao vào khoảng 2.200km2, chiếm 23% tổng diện tích tự nhiên tỉnh Điện Biên; nguy cơ cao khoảng 3.400km2, chiếm 36%; nguy cơ thấp, chiếm 13%; nguy cơ rất thấp (chưa xác định có trượt lở đất đá hoặc không xảy ra), chiếm 14,5%.

Đánh giá tổng thể theo đơn vị hành chính cấp tỉnh trong toàn bộ các vùng miền núi Việt Nam thì Điện Biên được xác định là tỉnh có mức độ nguy cơ trượt lở đất đá rất cao. Trong số 10 đơn vị hành chính, có 6 huyện, thị có nguy cơ trượt lở đất đá rất cao là các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Chà và Thị xã Mường Lay; 4 huyện xác định có nguy cơ trượt lở đất đá cao là: Mường Ảng, Tủa Chùa, Tuần Giáo và TP. Điện Biên Phủ. Ngoài ra, trong tổng số 112 xã phường của tỉnh Điện Biên, xác định có 59 xã có nguy cơ trượt lở đất đá rất cao; 33 xã nguy cơ trượt lở đất đá cao và 20 xã có nguy cơ trượt lở đất đá trung bình, thấp và rất thấp.

Điện Biên: Hiệu quả từ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá - Ảnh 2
Trường Tiểu học Tìa Dình, được phá dỡ và di chuyển đén vị trí an toàn.

Thực hiện Văn bản số 2827/UBND-KTN ngày 4/10/2018 của UBND tỉnh Điện Biên, về việc khắc phục nguy cơ sụt lún, trượt lở khu vực Trung tâm xã Tìa Dình, năm 2019, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã thực hiện dự án điều tra hiện trạng, nguyên nhân, dự báo nguy cơ sụt lún, trượt lở khu vực trung tâm xã Tìa Dình, trên cơ sở đó, tham mưu cho UBND tỉnh Điện Biên xem xét, xử lý, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân và tài sản khu vực bị ảnh hưởng.

Tình trạng sụt lún, trượt lở tại xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông là một ví dụ thực tế cho thấy nguy cơ trượt lở đất đá trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Theo đó, mùa mưa năm 2018, đặc biệt là thời điểm cuối tháng 8, đầu tháng 9/2018, trên địa bàn xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông đã xảy ra các trận mưa lớn kéo dài gây sự cố lún, nứt và trượt lở đất khá nghiêm trọng, đặc biệt là tại khu vực Trung tâm xã. Thời điểm đó, có 44 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó 4 căn nhà bị sụp, 10 nhà dân nứt vỡ tường, hơn 10 lớp học của trường Tiểu học Tìa Dình bị nứt tường, vặn chéo mái, trụ sở UBND xã cũng bị ảnh hưởng. Tổng diện tích lún trượt khoảng 1 ha; mức độ, tốc độ nứt đất ngày càng nhiều và nhanh.

Đến năm 2019, khu vực Trung tâm xã Tìa Dình có gần 140 vị trí xuất hiện khe nứt, sụt lún, các khe sụt lún phát triển không liên tục với chiều dài thay đổi từ 2m đến 60m; chiều rộng (độ mở) thay đổi từ 0,1 - 1,5cm đến 10 - 25cm; độ sụt lún thay đổi từ 2cm đến 80cm. Hoạt động sụt lún xảy ra trên hầu khắp phạm vi phân bố của khối vật liệu trượt lở cổ và trên vỏ phong hóa ở sườn núi đối diện UBND xã với diện tích khoảng 13,5 ha.

Để phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại và mang tính ổn định lâu dài, tỉnh Điện Biên đã xây dựng phương án di dời các công trình Trụ sở UBND xã, trường tiểu học, bưu điện, khu nội trú trường trung học cơ sở và 73 hộ dân trong toàn bộ phạm vi bị ảnh hưởng ra khỏi khối trượt sạt đến vị trí mới an toàn. Trong đó, 23 hộ dân được bố trí đất tái định cư.

Điện Biên: Hiệu quả từ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá - Ảnh 3
Khu vực bản Pa Xa Xá, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên là một trong những điểm có nguy cơ trượt lở đất đá rất cao.

Theo Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, tỉnh Điện Biên nên cắm biển cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tại một số điểm có nguy cơ trượt lở lớn. Cùng với đó, cần rà soát, đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường về các khu vực trọng điểm về trượt lở đất đá gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân để điều chỉnh điều tra nguy cơ trượt lở đất đá tại các xã trọng điểm. Để giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá gây ra, đối với từng mức độ cảnh báo về nguy cơ trượt lở đất đá, tỉnh Điện Biên đã có những cảnh báo riêng về bố trí sắp xếp dân cư và xây dựng các công trình.

Đặc biệt, với 59 xã có nguy cơ trượt lở đất đá rất cao, được cảnh báo là không thể sinh sống được, cần di dời ngay dân cư và có biện pháp phòng tránh thỏa đáng đối với các công trình khác đang bị đe dọa. Các khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá cao thì có thể sinh sống được nếu có biện pháp phòng tránh thỏa đáng, không xây dựng công trình mới. Các khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá trung bình, có thể sinh sống và xây dựng các công trình mới được, nhưng cần chú ý thực hiện các biện pháp phòng tránh giảm thiểu thiệt hại. Và đối với các khu vực nguy cơ trượt lở đất đá thấp, cần chú ý các giải pháp phòng tránh lâu dài.

Khi phân vùng cảnh báo khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá với những mức độ khác nhau trên địa bàn tỉnh Điện Biên sẽ là cơ sở khoa học để chính quyền địa phương quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sắp xếp lại dân cư đảm bảo ổn định, bền vững; đồng thời đảm bảo cho nhân dân và chính quyền địa phương có thể lồng ghép các phương án chuẩn bị kế hoạch và biện pháp phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai trượt lở đất đá gây ra.

Hà Thuận

Bạn đang đọc bài viết Điện Biên: Hiệu quả từ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.