Điểm sáng từ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tỉnh Yên Bái
Trong 11 tháng năm 2023, mặc dù cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Yên Bái còn gặp nhiều khó khăn, nhưng một số chỉ số vẫn đảm bảo tăng trưởng khá.
Đơn cử như chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2022; Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 15.337 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2022. Một số sản phẩm chính có chỉ số sản xuất tăng khá so với cùng kỳ như: Quặng sắt và tinh quặng sắt chưa nung kết (tăng 15,2%), đá phiến (tăng 14,1%), gỗ dán (tăng 27,1%), điện thương phẩm (tăng 8,5%)...
Các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái cơ bản duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định trên thị trường như Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái, Công ty TNHH Đá cẩm thạch RK Việt Nam, Công ty TNHH Ngành gỗ Thiên An, Công ty cổ phần Thủy điện Văn Chấn, Công ty TNHH khai thác và chế biến đá Tường Phú, Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành…
Là một trong những doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gạch không nung thân thiện với môi trường, ông Lương Quang Điện - Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Thành cho hay: “Với sản lượng khoảng 100 nghìn viên mỗi năm, sản phẩm gạch viên, gạch lát vỉa hè,… của Công ty chủ yếu là gạch không nung được tận dụng các vật liệu thừa từ các công trình, mỏ đá và được sàng lọc, tái chế sử dụng làm vật liệu xây dựng để tạo ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng, không gây ô nhiễm cho môi trường. Bằng nỗ lực của cả tập thể, công ty chúng tôi đã duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều lao động trong khu vực".
Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ tiếp tục duy trì ổn định và tăng cao so với năm trước. Kết quả 11 tháng năm 2023: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 23.682,3 tỷ đồng, tăng 9,0% so với cùng kỳ năm 2022; Số lượt khách du lịch đến với tỉnh tăng 52% với trên 1,9 triệu lượt; Hoạt động vận tải hàng hóa, vận tải hành khách đều tăng trên 30% doanh thu so với cùng kỳ; Giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 318,5 triệu USD, tăng 16,0%.
Trong đó sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là nông lâm nghiệp, chế biến khoáng sản, may mặc,... Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, trong đó sản lượng lương thực có hạt ước đạt 141.040 tấn, trồng rừng gần 10.650 ha, sản lượng gỗ khai thác ước đạt gần 680.000 m3. Đặc biệt, tỉnh đã có khoảng 227 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP, với 21 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao.
Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyết định số 1103/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030; ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ cao, sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường.
Ban hành Quy chế phối hợp giải quyết các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 trên địa bàn tỉnh, đã cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục đầu tư từ 35-50% so với quy định hiện hành.
Tăng cường công tác đối thoại, đổi mới hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; xây dựng kênh thông tin Hỗ trợ doanh nghiệp trên ứng dụng Công dân số Yên Bái-S, fanpage Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp, Tư vấn và Xúc tiến đầu tư tỉnh Yên Bái nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước nhanh chóng, kịp thời tiếp cận tài liệu pháp lý, cơ chế, chính sách, thông tin về thị trường, môi trường kinh doanh.
Với việc thực hiện quyết liệt các giải pháp, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đến nay các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc, nhiều dự án đã được đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, đem lại hiệu quả thiết thực cho nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Đức Mậu