Điểm lại những hậu quả tàn khốc mà biến đổi khí hậu đã gây ra cho Trái đất trong năm 2024
Trong năm 2024, ngôi nhà của nhân loại đã liên tiếp phải hứng chịu sự tàn phá khốc liệt do thời tiết cực đoan gây ra. Đây cũng được đánh dấu là một năm đáng nhớ trong lịch sử, đồng thời vang lên hồi chuông kêu gọi ý thức giữ gìn môi trường cho nhân loại.
Năm 2023 đã trở thành một năm chấn động khi các sự kiện thời tiết cực đoan đã gây ảnh hưởng tới nhiều quốc gia. Sang đến năm 2024, mặc dù hiện tượng thời tiết El Nino đã suy yếu nhưng nhiệt độ Trái đất thậm chí còn nóng hơn, thậm chí phá vỡ kỷ lục trước đó năm 2023. Trái đất nóng lên không chỉ kéo theo làn sóng nhiệt cực đoan mà còn gây ra những sự kiện thiên tai dữ đội trong năm 2024 này.
Biển xâm nhập mặn gây ảnh hưởng tới đất trồng
Chịu ảnh hưởng từ hiện tượng thời tiết El Nino từ năm 2023 nên sang tới năm 2024, nhiệt độ Trái đất vẫn tăng cao. Điều này đã kéo theo hệ lụy băng tan và mực nước biển dâng cao xâm lấn vào đất liền. Xâm nhập mặn đang là mối lo ngại ngày càng tăng cao trên toàn cầu. Năm 2024 này mới chỉ là khởi đầu cho những ảnh hưởng kéo tài tại khu vực ven biển trong những năm tới. Theo nghiên cứu của NASA, 77% lưu vực ven biển trên khắp toàn cầu dự kiến sẽ bị xâm nhập mặn vào năm 2100. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long nước ta, Vịnh Mexico và miền Đông nước Mỹ là những vùng đặc biệt dễ bị tổn thương.
Quá trình xâm nhập mặn xảy ra khi nước biển tràn vào các tầng nước ngọt ngầm sâu dưới lòng đất, khiến cho nguồn nước này bị nhiễm mặn không thể uống cũng như tưới tiêu cây trồng được. Xâm nhập mặn không chỉ gây ra sự khan hiếm nguồn nước ngọt, mà còn ảnh hưởng tới canh tác, trồng trọt, chăn nuôi thủy sản…
Thiếu hụt nước sạch trầm trọng
Giữa thời đại công nghệ phát triển nhưng có một thực tế rất nghiệt ngã là có tới 2,2 tỷ dân số thế giới không được tiếp cận với nguồn nước uống an toàn, điều tưởng chừng chỉ là nhu cầu thiết yếu của mỗi con người. Đây là con số thống kê mà Liên Hợp Quốc đã công bố trong năm 2024. Nguyên nhân dẫn tới thiếu hụt nước ngọt được xác định là do nhiều yếu tố khác nhau tác động mà biến đổi khí hậu là một phần trong số đó.
Sự khan hiếm nước trầm trọng đã trở thành cuộc khủng hoảng đối với nhân loại. Trong đó, những điểm nóng về thiếu hụt nước sạch phải kể tới dải Gaza, châu Phi, các quốc gia Nam Á như Ấn Độ, Bangladesh, Nepal. Thậm chí một số quốc gia phát triển như Mỹ, cụ thể là bang California, Ai Cập, Úc, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập cũng rơi vào tình trạng thiếu thốn nguồn nước sạch.
Nhân loại khổ sở vì làn sóng nhiệt nóng gay gắt
Dữ liệu của Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (Copernicus Climate Change Service - C3S) cho thấy, năm 2024 đã trở thành năm nóng nhất trong lịch sử, với nhiệt độ trung bình vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850 - 1900. Những làn sóng nhiệt gây chết người đã kéo dài trong suốt mùa hè năm nay. Điển hình phải kể tới vụ sốc nhiệt tập thể ở Ả Rập cướp đi sinh mạng của hơn 1.300 người hay hàng trăm ca tử vong vì nắng nóng tại các quốc gia Nam Á như Ấn Độ, Bangladesh, hay xa xôi như châu Phi, Mexico…
Nguyên nhân cơ bản khiến cho nhiệt độ Trái đất tăng cao vẫn là hoạt động khai thác, sử dụng nhiên liệu hóa thạch do con người gây ra. Bên cạnh đó, hiện tượng thời tiết El Nino kéo dài từ khoảng giữa năm 2023 sang khoảng giữa năm 2024 chính là một phần nguyên nhân tác động càng làm cho nhiệt độ Trái đất tăng cao. Được biết, El Nino là hiện tượng bề mặt nước đại dương ở khu vực Đông Thái Bình Dương nóng lên bất thường. Nước nóng bốc hơi lên khiến bầu khí quyển cũng nóng theo. Đó là lý do khiến cho thời tiết trong năm 2024 trở nên oi bức, nóng gay gắt hơn. Mặc dù khí hậu Trái đất đang chuyển sang pha trung tính ENSO nhưng làn sóng nhiệt nóng gay gắt vẫn có thể tiếp diễn trong năm 2025.
Bão lớn và lũ lụt triền miên gây thiệt hại lớn cả về người và của
Có lẽ 2024 chính là một năm đáng nhớ đánh dấu lại những cơn phận nộ của mẹ thiên nhiên khi liên tiếp xảy ra những trận bão lớn đi vào lịch sử. Điển hình là cơn bão Yagi càn quét khu vực châu Á trong đó Việt Nam, Phillipines, Trung Quốc là hứng chịu thiệt hại lớn nhất về cả người và tài sản. Ngoài ra, các quốc gia như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar cũng không nằm ngoài sức tàn phá dữ dội của bão Yagi.
Ngay cả tại một số vùng ở những quốc gia châu Âu phát triển như Pháp, Nga, Tây Ban Nga cũng không nằm ngoài sức càn quét của mưa bão và lũ lụt trong năm 2024. Kỳ lạ hơn cả là tại quốc gia sa mạc vốn thiếu mưa quanh năm như Ả Rập cũng đã đón trận lũ lịch sử khiến đường phố chìm trong biển nước.
Vừa kết thúc mùa bão Thái Bình Dương thì các quốc gia châu Mỹ cũng phải gồng mình với mùa bão Đại Tây Dương. Chỉ trong năm 2024, cường quốc lớn mạnh như Mỹ cũng hứng chịu tới 5 cơn bão lớn bao gồm Beryl, Debby, Francine, Helene và Milton. Mùa bão Đại Tây Dương năm 2024 được đánh giá là mùa bão lớn thứ 3 trong lịch sử nước Mỹ cướp đi nhiều sinh mạng và tài sản nhất.
Cát Ân