Thứ hai, 25/11/2024 05:17 (GMT+7)
Thứ hai, 29/01/2024 15:35 (GMT+7)

Điểm danh các ngân hàng có cổ đông tổ chức sở hữu trên 10% vốn

Theo dõi KTMT trên

Hiện tại, có 7 nhà băng ghi nhận cổ đông tổ chức nắm trên 10% vốn điều lệ. Còn nếu xét ở góc độ người có liên quan, 2 ngân hàng với tỷ lệ sở hữu của cổ đông nội bộ và người liên quan vượt mức 15%.

Điểm danh các ngân hàng có cổ đông tổ chức sở hữu trên 10% vốn - Ảnh 1

Theo Kinh tế Chứng khoán, dựa trên Báo cáo thường niên năm 2022 và Báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2023 của các ngân hàng, hiện tại, có 7 nhà băng ghi nhận cổ đông tổ chức nắm trên 10% vốn điều lệ. Còn nếu xét ở góc độ người có liên quan, 2 ngân hàng với tỷ lệ sở hữu của cổ đông nội bộ và người liên quan vượt mức 15%. Cụ thể:

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) với Tập đoàn Geleximco –CTCP nắm 12,78% vốn. Bên cạnh đó, ngân hàng này còn có 2 cổ đông ngoại là Ngân hàng Malayan Banking Berhad (Maybank) - 16,39% và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) - 8,2%.

Nếu tính thêm ông Vũ Văn Tiền – Chủ tịch HĐQT Geleximco (ông nắm 0,366% vốn ABBank) và người nhà gồm vợ ông là bà Nguyễn Thị Quỳnh Mai (0,143%), em ruột là ông Vũ Văn Hậu (1,958%), em rể Đào Mạnh Khánh (0,801%) và CTCP Chứng khoán An Bình (0,57%), tổng tỷ lệ nhóm này lên đến 16,618%, vượt qua mức giới hạn 15% của cổ đông và các bên liên quan.

2 ngân hàng khác cũng ghi nhận có cổ đông lớn nắm trên 10% vốn là Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) với CTCP Sovico nắm 14,356% và Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) với Tập đoàn Công nghệ Viễn Thông Quân Đội sở hữu 14,1%.

Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển (PGBank) ghi nhận nhiều cổ đông tổ chức nắm trên 10% vốn nhất, bao gồm Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh (13,099%), Công ty CP Quốc tế Cường Phát (13,541%), Công ty CP Thương mại Vũ Anh Đức (13,359%). Đây đều là các pháp nhân tham gia mua đấu giá cổ phiếu PGBank của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SGB) với 3 cổ đông nắm trên 10% vốn là Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) - 14,081%, Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa - 16,352% và Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận (Nhà Phú Nhuận) - 16,640%. Trong đó, Saigon Petro và Nhà Phú Nhuận là 2 cổ đông với 100% vốn thuộc sở hữu Nhà nước.

Ngoài ra, danh sách còn có Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng nằm trong danh sách với cổ đông tổ chức nắm trên 10% vốn là CTCP Tập đoàn Masan (nắm 14,9%); Ngân hàng TMCP Việt Á (UPCoM: VAB) là CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (nắm 12,21%).

Thống kê cũng chỉ ra dù cổ đông lớn Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) – CTCP Tập đoàn T&T (bên liên quan đến Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển) nắm 9,9% vốn và chưa vượt mức 10% theo quy định mới, song nếu tính cả ông Hiển (2,75%), cùng người nhà gồm ông Đỗ Quang Vinh 0,026%, Đỗ Vinh Quang 2,963%, Đỗ Thị Thu Hà 2,057%, Đỗ Thị Minh Nguyệt 0,711% và CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội 1,48%, thì tỷ lệ cả nhóm này lên đến 19,887%.

Tương tự, còn có Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (HOSE: SSB) với tổng tỷ lệ sở hữu của các pháp nhân/thể nhân liên quan đến bà Nguyễn Thị Nga – Phó Chủ tịch HĐQT thường trực là 16,536%, gồm: Công ty TNHH Phát triển và Đầu tư Phú Mỹ (5,065%), bà Nguyễn Thị Nga (3,535%), Lê Hữu Bảo (3,386%), Lê Tuấn Anh (2,195%), Lê Thu Thủy (2,355%).

Thống kê cũng cho thấy một nhà băng khác ghi nhận tỷ lệ sở hữu của một nhóm cổ đông gia đình vượt mức 10% là Ngân hàng TMCP Tiên Phong (HoSE - TPB) với cổ đông lớn Công ty CP Vàng bạc Đá quý Doji (5,93%), bà Đỗ Vũ Phương Anh – Chủ tịch HĐQT Doji tính đến tháng 10/2023 (con gái ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch TPBank) nắm 1,11% vốn, cùng với người nhà là ông Đỗ Minh Minh Đức 1,11%, Bùi Quang Tuyển 0,002%, ông Đỗ Anh Tú 3,71% và Trung Thị Lâm Ngọc 0,09%.

Đáng chú ý, báo cáo nhiều ngân hàng cho biết không có cổ đông lớn như Ngân hàng TMCP Bắc Á, Ngân hàng TMCP Bản Việt, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, Ngân hàng TMCP Kiên Long, Ngân hàng TMCP Quốc Dân, hay Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín.

Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Theo đó, một trong những nội dung đáng chú ý nằm ở quy định giới hạn cho cổ đông tổ chức (gồm cả số cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) giảm từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.

Quy định này không áp dụng cho các trường hợp: sở hữu cổ phần tại công ty con, công ty liên kết là tổ chức tín dụng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 111 của luật này; sở hữu cổ phần nhà nước tại tổ chức tín dụng cổ phần hóa; sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.

Để tránh xáo trộn, tác động tiêu cực tới hệ thống ngân hàng, Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) lần này cũng đưa ra điều khoản chuyển tiếp. Cụ thể, từ 1/7/2024 (thời điểm Luật này có hiệu lực), cổ đông, cổ đông và người có liên quan vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Phương Nga (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Điểm danh các ngân hàng có cổ đông tổ chức sở hữu trên 10% vốn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới