Thứ bảy, 20/04/2024 21:22 (GMT+7)
Thứ sáu, 29/11/2019 06:30 (GMT+7)

Dịch chồng dịch, người chăn nuôi ở Quảng Trị lao đao

Theo dõi KTMT trên

Tại Quảng Trị, dịch tả lợn châu Phi chưa chấm dứt thì bệnh lở mồm long móng gia súc lại bùng phát và lây lan trên diện rộng khiến người nuôi lao đao.

Ông Trương Văn Thượng là một chủ trang trại chăn nuôi quy mô lớn có tiếng ở xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Giữa năm nay, dịch tả lợn châu Phi bùng phát, đàn lợn hơn 100 con trong trang trại của ông bị bệnh phải tiêu hủy. Nếu không bị bệnh, gia đình ông Thượng thu khoảng 120 - 150 triệu đồng từ bán lợn thịt.

Suốt nhiều tháng qua, ông Thượng bỏ hoang chuồng trại, không dám tái đàn vì sợ mầm bệnh chưa dứt hẳn. Gia đình ông Thượng chỉ còn trông chờ vào đàn bò 20 con. Thế nhưng, mấy ngày qua, đàn bò lần lượt phát bệnh lở mồm long móng khiến ông Thượng gặp rất nhiều khó khăn.

“Năm nay, chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Lúc nuôi lợn mong đến ngày bán để có đồng vào đồng ra, bây giờ lợn chết thì không biết dựa vào đâu. Còn bò thì cũng bị bệnh lở mồm long móng nên suy giảm trọng lượng. Bây giờ, muốn tái đàn thì khó khăn về vốn”, ông Thượng nói.

Dịch chồng dịch, người chăn nuôi ở Quảng Trị lao đao - Ảnh 1
Nguy cơ dịch bệnh lở mồm long móng gia súc lây lan vì tập quán chăn nuôi thả rông.

Đầu năm, dịch tả lợn châu Phi, cuối năm, bệnh lở mồm long móng trên trâu bò khiến hàng nghìn hộ chăn nuôi ở tỉnh Quảng Trị lao đao. Nhiều người vay Ngân hàng hàng trăm triệu đồng đầu tư trang trại chăn nuôi quy mô lớn, chỉ được một vài năm, chưa kịp trả nợ đã gặp rủi ro.

Ông Nguyễn Chơn Hòa, Chủ tịch UBND xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị cho biết, do dịch bệnh nên tổng đàn gia súc ở địa phương giảm mạnh. Riêng đàn lợn có hơn 10.000 con nhưng hiện nay chỉ còn vài trăm con. Nhiều gia trại nuôi hơn chục lợn nái và cả trăm lợn thịt đều bị bệnh phải tiêu hủy, thiệt hại nặng nề. Suốt mấy tháng qua, chính quyền địa phương lo chống dịch tả lợn Châu Phi, nay lại lo đối phó với bệnh lở mồm long móng trên trâu bò. Theo ông Hòa, khó khăn hiện nay là bà con chủ yếu thả rông trâu bò nên nguy cơ dịch lây lan rất khó kiểm soát.

“Hiện nay, xã tuyên truyền bà con hạn chế nuôi thả rông, tránh thả vào các vùng có dịch và vùng có đồng ruộng ngập lầy có khả năng nguy cơ cao lây lan dịch. Tập trung hướng dẫn bà con vệ sinh chuồng trại hạn chế thả rông, chuyển hướng sang mô hình nuôi bò nhốt để hạn chế các dịch bệnh lây lan”, ông Nguyễn Chơn Hòa cho biết.

Dịch chồng dịch, người chăn nuôi ở Quảng Trị lao đao - Ảnh 2
Bò mắc bệnh lở mồm long móng phải nuôi nhốt cách ly.

Tại tỉnh Quảng Trị, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra ở 118 xã, phường, thị trấn với hơn 53.700 con phải tiêu hủy, chiếm hơn 30% tổng đàn lợn cả tỉnh. Đáng lo ngại là hiện có 22 xã, thị trấn tái phát dịch, số lượng lợn bị bệnh phải tiêu hủy vẫn chưa dừng lại.

Ông Đào Văn An, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị lo ngại, thời tiết giao mùa, môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm, tỉ lệ tiêm phòng vắc xin trên đàn gia súc mới đạt hơn 56%, nguy cơ bệnh lây lan rất lớn. Các huyện miền núi như Đakrông, Hướng Hóa, tập quán chăn nuôi thả rông trong rừng càng khó tiêm phòng và không thể kiểm soát dịch bệnh.

Ông An thừa nhận, thời gian qua, ngành thú ý và các địa phương lo tập trung phòng chống dịch tả lợn Châu Phi nên có phần chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc: “Do các địa phương dồn nguồn lực vào phòng chống dịch tả lợn Châu Phi vẫn âm ỉ diễn ra, do vậy triển khai phòng các bệnh khác có phần chủ quan lơ là. Dẫn đến việc tiêm phòng vắc xin phòng chống bệnh lở mồm long móng gia súc vụ hè thu chậm, kết quả không cao. Về chống dịch, Chi cục hướng dẫn hộ dân có gia súc mắc bệnh quản lý tại chỗ điều trị, khẩn trương tiêm phòng bao vây”.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Quảng Trị có công văn khẩn về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các ngành phối hợp chặt chẽ với các địa phương kiểm soát công tác vận chuyển giết, mổ gia súc, khống chế không để dịch bệnh lây lan.

Bạn đang đọc bài viết Dịch chồng dịch, người chăn nuôi ở Quảng Trị lao đao. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới