Đến năm 2100, 17% sự sống dưới đại dương sẽ biến mất
Theo nghiên cứu của một nhóm nhà sinh học biển, trong vòng 80 năm tới, số lượng sinh vật sống trong các đại dương sẽ giảm khoảng 1/6 mức hiện tại nếu biến đổi khí hậu tiếp tục kéo dài.
Thứ ba vừa rồi (11/6), Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ đã công bố một nghiên cứu nhấn mạnh sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong các đại dương trên thế giới.
Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng, nếu không có nỗ lực ngăn chặn lượng khí carbon trong bầu khí quyển thì đến năm 2010, 17% sinh vật sống trong đại dương sẽ biến mất do hiện tượng phát thải khí nhà kính hiện tại của trái đất.
"Nhiều người không nhận ra chúng ta thực sự có mối liên kết với đại dương" - đồng tác giả của nghiên cứu và Giáo sư của Đại học British Columbia - William Cheung cho biết.
"Sinh vật biển và đại dương đang thực sự đối mặt với nhiều mối đe dọa từ con người. Chúng ta đều biết rằng, hoạt động đánh bắt cá, đặc biệt là đánh bắt quá mức, đã làm giảm phần lớn sự phong phú của sinh vật biển trên toàn thế giới. Và trong nghiên cứu này, chúng tôi nhấn mạnh rằng trên hết, biến đổi khí hậu thực sự làm tăng thêm tác động này" - ông Cheung chỉ ra.
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống dưới đại dương. |
Giáo sư Cheung lưu ý rằng hiện tượng tẩy trắng san hô đang diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết ở nhiều khu vực như rạn san hô Great Barrier, ngoài khơi bờ biển phía đông Australia, do nhiệt độ đại dương gia tăng.
Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), quá trình tẩy trắng san hô xảy ra khi nhiệt độ tăng làm căng thẳng san hô, khiến cho tảo, thứ tạo ra màu sắc và thức ăn cho san hô rời khỏi mô của san hô. Do mất đi mối quan hệ cộng sinh này, san hô bị tẩy trắng chỉ còn lại một ít chất dinh dưỡng, khiến nó dễ bị bệnh và chết.
Ngoài các chất ô nhiễm dạng khí, rác thải nhựa là một yếu tố khác làm suy thoái sự sống ngoài đại dương. Theo một nghiên cứu do các chuyên gia Mỹ và Australia công bố tháng 12/2017, Trung Quốc và Indonesia là 2 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất ra đại dương, với lần lượt 8,8 triệu tấn và 3,2 triệu tấn mỗi năm, chiếm 1/3 tổng lượng rác thải nhựa đại dương.
Rác thải nhựa đang trở thành vấn nạn với các đại dương trên thế giới. |
Tuy nhiên, theo GS. Cheung, thế giới vẫn còn có cơ hội để đảo ngược tình hình, nếu chúng ta cam kết thực hiện một lộ trình phát thải thấp tương tự như mức độ được các quốc gia khác nhau đồng ý trong Thỏa thuận Paris 2015. Đó là giảm mức tăng nhiệt độ toàn cầu 1,5 độ C.
Theo kết quả nghiên cứu, việc khống chế lượng khí thải carbon có thể làm giảm 17% sinh khối biển dự kiến xuống chỉ còn 5%.
Trần Giang (T/h)