Thứ năm, 18/04/2024 22:57 (GMT+7)
Thứ bảy, 28/08/2021 06:36 (GMT+7)

Đến năm 2030, ít nhất 10 khu bảo tồn của Việt Nam vào danh sách xanh toàn cầu

Theo dõi KTMT trên

Được đánh giá là quốc gia có hệ sinh thái đa dạng, những năm gần đây Việt Nam đã và đang thực hiện mở rộng hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên và bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng mang tầm quốc gia, quốc tế.

Bộ TN&MT đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Hiện nay, Trái Đất đang phải đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng lớn. Đó là biến đổi khí hậu; suy giảm các hệ sinh thái, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường. Theo đó, các khủng hoảng đã và đang đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế, xã hội, môi trường của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Do đó, việc xây dựng Chiến lược 2030 được xác định là một trong những nhiệm vụ cấp thiết để đa dạng sinh học được bảo tồn, phục hồi, phát triển; dịch vụ hệ sinh thái được sử dụng bền vững góp phần phát triển kinh tế xã hội, mang lại lợi ích cho mọi người dân.

Đến năm 2030, ít nhất 10 khu bảo tồn của Việt Nam vào danh sách xanh toàn cầu - Ảnh 1
Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 10 khu bảo tồn được đưa vào danh sách xanh toàn cầu. (Ảnh: VnExpress)

Dự thảo đặt mục tiêu đến năm 2030, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo vệ và phục hồi; tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên đất liền đạt tối thiểu 9% diện tích lãnh thổ; có thêm 12 khu bảo tồn biển, 5 khu bảo tồn đất ngập nước được thành lập mới và đi vào hoạt động; trên 70% các khu bảo tồn được đánh giá đạt hiệu quả quản lý theo bảng đánh giá hiệu quả quản lý khu bảo tồn.

Đặc biệt, dự thảo đặt mục tiêu tới năm 2030 sẽ có ít nhất 10 khu bảo tồn được đưa vào danh sách xanh toàn cầu; tăng số lượng các khu vực đạt danh hiệu quốc tế so với năm 2020 là 6 khu Ramsar, 6 khu Dự trữ sinh quyển thế giới, 5 Vườn di sản ASEAN.

Ngoài ra, dự thảo cũng hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng rừng tự nhiên; phục hồi 20% diện tích hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái, ưu tiên phục hồi các hệ sinh thái tại các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ, phục hồi rạn san hô…

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng nêu rõ các nhiệm vụ chủ yếu nhằm bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, bao gồm: Kiểm kê, quan trắc và xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học; bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên; bảo tồn các loài hoang dã, đặc biệt các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; tăng cường công tác bảo tồn nguồn gen.

Đồng thời, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái; kiểm soát các hoạt động gây tác động xấu đến đa dạng sinh học; quản lý tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích và bảo vệ nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen; bảo tồn đa dạng sinh học nông nghiệp; phát triển đa dạng sinh học đô thị và bảo tồn đa dạng sinh học trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, dự thảo đưa ra các giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật, thể chế quản lý; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; bảo đảm nguồn lực tài chính và tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế về bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học...

“Năm 2020, thế giới phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, bao gồm cả đại dịch toàn cầu và các cuộc khủng hoảng liên tục về khí hậu, thiên nhiên và ô nhiễm. Năm 2021, chúng ta phải thực hiện các bước để chuyển từ khủng hoảng sang hồi phục, trong đó việc phục hồi thiên nhiên là cấp thiết đối với sự tồn tại của hành tinh và loài người”, ông Erik Solheim - Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) chia sẻ.

Với việc khởi động “Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái”, Ngày Môi trường thế giới năm 2021 là cơ hội để Liên Hợp Quốc huy động những "nỗ lực chưa từng có giúp chữa lành Trái Đất". Theo đó, mục tiêu nhằm kêu gọi bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới. Đồng thời, ngăn chặn sự suy thoái của các hệ sinh thái và khôi phục chúng để đạt được các mục tiêu toàn cầu. Chỉ với các hệ sinh thái lành mạnh mới có thể nâng cao sinh kế của người dân, chống lại biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự sụp đổ của đa dạng sinh học.

Thùy Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Đến năm 2030, ít nhất 10 khu bảo tồn của Việt Nam vào danh sách xanh toàn cầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Campuchia quyết tâm xây kênh đào Phù Nam Techo
Thủ tướng Camphuchia Hun Manet khẳng định rằng kênh đào Phù Nam Techo, với chi phí xây dựng 1,7 tỷ USD sẽ chỉ phục vụ việc thúc đẩy nền kinh tế đất nước và không gây ra mối đe dọa an ninh nào cho các quốc gia khác.

Tin mới