Đề xuất xử phạt đến 150 triệu đồng đối với hành vi sử dụng Quỹ bình ổn giá không đúng quy định
Bộ Tài chính đề xuất, hành vi sử dụng Quỹ bình ổn giá không đúng quy định pháp luật ngoài bị xử phạt 150 triệu đồng còn buộc phải nộp vào ngân sách toàn bộ số lãi phạt đối với số tiền sử dụng không đúng mục đích.
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá.
Dự thảo nghị định đề xuất mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá như sau:
Đối với hành vi không công khai, công khai không đầy đủ về Quỹ bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi chậm công khai về Quỹ bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày phải công khai.
Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với hành vi không công khai về Quỹ bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đối với hành vi không báo cáo, chậm báo cáo và báo cáo sai lệch, không đầy đủ về Quỹ bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Có thể bị phạt cảnh cáo nếu chậm báo cáo về Quỹ bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời gian 03 ngày kể từ ngày phải báo cáo.
Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi báo cáo không đầy đủ Quỹ bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi chậm báo cáo về Quỹ bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời gian 05 ngày kể từ ngày phải công khai
Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với hành vi không công khai về Quỹ bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau 05 ngày hoặc báo cáo sai lệch về Quỹ bình ổn giá.
Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi trích lập, chuyển nộp hoặc hạch toán Quỹ bình ổn giá không đúng quy định hoặc văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi không chuyển nộp hoặc trích lập Quỹ bình ổn giá theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, dự thảo nghị định đề xuất phạt tiền từ 120 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với hành vi sử dụng Quỹ bình ổn giá không đúng quy định của pháp luật.
Ngoài áp dụng hình thức xử phạt nói trên, Bộ Tài chính đề xuất biện pháp khắc phục hậu quả. Đó là: Buộc nộp vào Quỹ bình ổn giá toàn bộ số tiền đã sử dụng, kết chuyển hoặc hạch toán không đúng Quỹ bình ổn giá; Buộc nộp vào Quỹ bình ổn giá toàn bộ số tiền do trích lập không đúng hoặc không trích lập Quỹ bình ổn giá và khoản lãi tính trên số dư Quỹ bình ổn giá phát sinh (nếu có).
Ngoài ra, doanh nghiệp sử dụng Quỹ không đúng quy định sẽ phải buộc nộp vào ngân sách toàn bộ số lãi phạt đối với số tiền Quỹ bình ổn giá chậm nộp, hoặc kết chuyển không đúng, hoặc sử dụng không đúng mục đích theo quy định của pháp luật về Quỹ bình ổn giá.
Tỷ lệ lãi phạt là 0,03%/ngày, tính trên số ngày chậm nộp, hoặc kết chuyển không đúng hoặc số ngày đã sử dụng không đúng mục đích.
"Siết" quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Quỹ bình ổn giá xăng dầu là tiền người dân đóng góp khi mua xăng dầu. Thế nhưng không ít doanh nghiệp lợi dụng sở hở trong quản lý để sử dụng quỹ sai mục đích, không đúng quy định của pháp luật. .
Lỗ hổng trong việc sử dụng, quản lý quỹ bình ổn xăng dầu đã từ được Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ. Đó là nhiều doanh nghiệp đầu mối chưa công bố về số trích lập, số sử dụng và số dư Quỹ hàng tháng và trước mỗi lần điều chỉnh giá; chưa cung cấp hồ sơ tài liệu chứng minh việc đã báo cáo Bộ Công thương (Vụ Thị trường trong nước) tình hình (số dư, số trích, số sử dụng, lãi phát sinh Quỹ ngày 25 hàng tháng và tổng hợp báo cáo khi kết thúc năm tài chính gửi Liên Bộ Tài chính - Công thương theo quy định).
Tại thời điểm đó, Kiểm toán Nhà nước cũng cảnh báo có tình trạng chưa chuyển tiền trích Quỹ bình ổn giá vào tài khoản riêng tại ngân hàng, đơn cử như Công ty Nam Sông Hậu đã bị kiểm toán điểm tên.
Vai trò và hiệu quả của việc hình thành, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu có những hạn chế nhất định do việc điều hành Quỹ của cơ quan có thẩm quyền còn hạn chế, Kiểm toán Nhà nước nhận định.
Trao đổi với báo chí tại hành lang Quốc hội về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn để tại doanh nghiệp nhưng được thực hiện theo quyết định của cơ quan Nhà nước và ngân hàng sẽ cùng giám sát, không được sử dụng sai mục đích.
Theo ông Hồ Đức Phớc, những nội dung liên quan tới quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang được các cơ quan rà soát, sửa đổi trong Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-ngày 3/9/2015 về kinh doanh xăng dầu.
Doanh nghiệp quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ được mở một tài khoản, ngân hàng thực hiện phong tỏa tài khoản Quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp. Tài khoản này chỉ được sử dụng vào mục đích trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá doanh nghiệp theo thông báo điều hành giá xăng dầu của cơ quan Nhà nước.
"Khi có quyết định, các doanh nghiệp phải nộp tiền vào tài khoản và ngân hàng phải giữ tài khoản này. Khi có quyết định trích Quỹ bình ổn thì Bộ Công Thương sẽ ra quyết định. Quỹ vẫn để tại doanh nghiệp nhưng có thực hiện theo quyết định của cơ quan Nhà nước và ngân hàng sẽ cùng giám sát, không được sử dụng sai mục đích," Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.
Theo đó, việc sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu lần này sẽ bổ sung các điều kiện để "siết" quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Doanh nghiệp đầu mối chọn ngân hàng để mở tài khoản theo dõi, quản lý quỹ.
Ngân hàng phong tỏa tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu của doanh nghiệp và tài khoản này chỉ sử dụng vào mục đích trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.
Doanh nghiệp đầu mối gửi báo cáo kiểm toán độc lập về Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho Bộ Tài chính, Công Thương định kỳ 6 tháng một lần.
Riêng báo cáo tình hình thực hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu (số dư quỹ, tổng sản lượng, chủng loại xăng dầu được trích lập, chi sử dụng quỹ, tổng số tiền trích lập và chi quỹ...) được yêu cầu gửi cơ quan quản lý trước ngày 15 hàng tháng.
Đáng lưu ý, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tái phạm nhiều lần đối với hành vi vi phạm các quy định về trích lập, chi sử dụng, kết chuyển Quỹ bình ổn giá xăng dầu hoặc không thực hiện kết chuyển Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định này và các văn bản hướng dẫn, thì sẽ bị xem xét tạm dừng kinh doanh hoặc thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trên cơ sở đề nghị của cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt. Thời hạn tạm dừng kinh doanh xăng dầu là 30 ngày hoặc 60 ngày tùy theo mức độ vi phạm.
Mỹ Tịch