Thứ sáu, 22/11/2024 05:16 (GMT+7)
Thứ ba, 23/05/2023 15:55 (GMT+7)

Nhiều bất cập trong sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu dẫn đến tác dụng “ngược”

Theo dõi KTMT trên

Theo Ủy ban Tài chính Ngân sách, nguyên tắc trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu chưa rõ ràng, không có cơ sở thuyết phục để quy định mức trích lập tại mỗi kỳ điều hành, dẫn đến tác dụng “ngược” trong một số trường hợp.

Chi sử dụng Quỹ còn bất cập

Trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 trong phiên họp sáng 23/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nêu rõ, những tồn tại, hạn chế, lãng phí trong tổ chức quản lý, sử dụng các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách chậm được khắc phục.

Cụ thể là chậm rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ sở pháp lý để quản lý các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước. Việc rà soát, sắp xếp các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách theo Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 của UBTVQH chưa được quan tâm. Chưa đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ, trong đó có Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Nhiều bất cập trong sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu dẫn đến tác dụng “ngược” - Ảnh 1
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 của Chính phủ.

Báo cáo thẩm tra đầy đủ dẫn kết quả giám sát của Ủy ban Kinh tế cho thấy, Quỹ bình ổn giá xăng dầu do doanh nghiệp quản lý nhưng lại được trích lập và sử dụng theo quyết định của cơ quan Nhà nước; nguyên tắc trích lập, chi sử dụng Quỹ chưa rõ ràng, không có cơ sở thuyết phục để quy định mức trích lập, mức chi cho từng sản phẩm xăng, dầu tại mỗi kỳ điều hành, dẫn đến tác dụng “ngược” trong một số trường hợp.

Việc quản lý, sử dụng Quỹ còn thiếu công khai, minh bạch, chưa chặt chẽ, rõ ràng; việc sử dụng Quỹ không đạt được các mục tiêu đề ra, chưa thể hiện đúng bản chất của Quỹ, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh,

Qua giám sát tại các địa phương, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý hầu hết có quy mô nhỏ, được thành lập bằng các văn bản dưới luật. Mỗi quỹ có quy định về quy chế, điều lệ hoạt động riêng; một số quỹ ở địa phương nhưng do cơ quan trung ương quản lý nên địa phương khó đánh giá được hiệu quả hoạt động.

Có quỹ khó huy động nguồn vốn, mức huy động thấp, không đảm bảo nguồn kinh phí để hoạt động; một số quỹ có tính chất, nhiệm vụ, mục tiêu và đối tượng phục vụ giống nhau; một số quỹ không tự đảm bảo được kinh phí hoạt động, quy định về chế độ, định mức chi quản lý không thống nhất... Việc duy trì nhiều quỹ tại địa phương trong khi hiệu quả hoạt động của hầu hết các quỹ không cao dẫn đến phân tán, lãng phí nguồn lực.

Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh còn nhấn mạnh, việc lập dự toán ngân sách Nhà nước chưa sát thực tế; quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước còn một số hạn chế; số chi chuyển nguồn lớn làm lãng phí và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

Ông Mạnh "điểm danh" nhiều lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư như việc lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”; việc phân bổ, giao vốn đầu tư công trung hạn chưa đảm bảo tiến độ; chất lượng chuẩn bị dự án thấp…

Đặc biệt, cơ quan thẩm tra nêu rõ, Nghị quyết số 43 năm 2022 của Quốc hội ban hành nhiều chính sách, giải pháp với thời gian thực hiện chủ yếu trong năm 2022 và 2023 nhằm mục tiêu nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách, việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết; dự báo, tính toán nhu cầu hỗ trợ trong quá trình xây dựng một số chính sách chưa sát thực tế; công tác tổ chức thực hiện một số chính sách chậm, kết quả không đạt như dự kiến.

Báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách dẫn chứng, gói hỗ trợ lãi suất (2%/năm) đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua hệ thống ngân hàng thương mại có kết quả triển khai rất thấp. Đến cuối tháng 3/2023, số tiền hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chỉ đạt 327 tỷ đồng, tương đương 0,82% tổng nguồn lực (40.000 tỷ đồng).

Hoạt động của Quỹ còn hạn chế nhưng vẫn nên giữ

Chia sẻ với báo chí bên hành lang Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội cho rằng Dự án Luật Giá (sửa đổi) nên giữ quỹ bình ổn giá xăng dầu, mặc dù quỹ hoạt động thời gian qua có những hạn chế.

Theo Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, quan điểm của tôi nên và cần giữ quỹ này. Quan trọng là tạo công tác quản lý và hoạt động của quỹ sao cho kịp thời vì hiện nay giá xăng dầu vẫn rất nhiều biến động, tác động tới toàn bộ nền kinh tế và đời sống dân sinh.

Nhiều bất cập trong sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu dẫn đến tác dụng “ngược” - Ảnh 2
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai.

Còn theo Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm, việc thiết lập quỹ bình ổn giá xăng dầu thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Nguyên tắc là lập quỹ bình ổn giá với bất kỳ mặt hàng nào cũng phải đảm bảo một số tiêu chí, nguyên tắc: công khai, minh bạch, hiệu quả, điều tiết để đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp, xã hội. Sự quản lý phải thực sự công khai, minh bạch, không được lợi dụng sang mục tiêu khác.

Quỹ bình ổn xăng dầu thời gian vừa rồi hoạt động trên cơ sở nền tảng nghị định, lần này Dự án Luật Giá (sửa đổi) tiếp tục tạo cơ sở pháp lý để quỹ tồn tại. Việc bình ổn giá là mục tiêu của rất nhiều nền kinh tế trong cơ chế thị trường, vì trong cơ chế thị trường giá hình thành trên cơ sở quan hệ cung-cầu nhưng trong một số điều kiện mà quan hệ cung - cầu này không đầy đủ, đảm bảo thì nhà nước phải can thiệp (chẳng hạn như yếu tố độc quyền, thiên tai địch họa) và muốn can thiệp thì phải có công cụ. Có rất nhiều công cụ, trong đó quỹ bình ổn giá chỉ là một trong số các công cụ mà Luật Giá đưa ra.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, việc đưa quy định duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu là trao cho Chính phủ, còn sử dụng công cụ đó vào thời điểm nào, trong trường hợp nào, thời gian bao lâu, phương thức ra sao... thì thuộc toàn quyền Chính phủ. Trong thời gian vừa rồi Chính phủ sử dụng quỹ bình ổn còn một số hạn chế. Theo dư luận phản ánh chứ chưa có cuộc kiểm tra, kết luận nào thì việc sử dụng quỹ bình ổn giá còn thiếu công khai minh bạch, một vài doanh nghiệp lợi dụng sử dụng không đúng mục đích.

Vì vậy, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, thời gian tới nếu còn duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu thì phải giải quyết những vấn đề đó. Luật chỉ đưa ra công cụ để công cụ được tồn tại, Chính phủ có nhiều công cụ để quản lý, điều tiết giá. Mỗi công cụ chỉ có hiệu quả tác động trong bối cảnh, trường hợp cụ thể.

Chẳng hạn như quỹ bình ổn giá chỉ có tác dụng điều tiết trong một biến động giá ở mức độ hợp lý nào đấy. Phạm vi vừa phải thì sửa dụng công cụ quỹ bình ổn giá có hiệu quả, nhưng khi biến động giá quá lớn như thực tế giá xăng dầu ở thị trường 2 năm vừa qua lên quá cao thì quỹ này hoàn toàn bị triệt tiêu tác động, phải sử dụng công cụ khác đồng bộ như điều hành bằng giảm thuế, trợ cấp...

"Các công cụ tuỳ điều kiện, tuỳ bối cảnh sử dụng chứ không phải giá lên xuống mà điều chỉnh thuế được. Thuế không thể điều chỉnh một sớm một chiều, nên lúc đó điều chỉnh linh hoạt từng ngày, từng tuần phải là công cụ này. Nếu điều chỉnh lên quá cao để giải quyết được thì công cụ phải mạnh hơn. Vì thế, phải trao cho Chính phủ đồng bộ các công cụ để xử lý được trong mọi tình huống, mọi vấn đề"- Đại biểu Lâm nêu.

Theo Bộ Tài chính, quý đầu năm nay, cơ quan quản lý sử dụng hơn 658,99 tỷ đồng từ quỹ bình ổn và trích quỹ 1.681 tỷ đồng. Lãi phát sinh trên số dư quỹ trong quý IV/2022 là khoảng 2,42 tỷ đồng, lãi vay phát sinh trên số dư quỹ là 2,17 tỷ đồng.

Tính đến hết 31/3, số dư trên quỹ bình ổn giá xăng dầu là khoảng hơn 5.640 tỷ đồng, tăng khoảng 1.040 tỷ đồng so với quý liền trước đó. Đây cũng là mức cao nhất của quỹ từ đầu năm 2021 đến nay.

Trong 33 thương nhân đầu mối phân phối xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp có số dư quỹ cao nhất với 1.985 tỷ đồng, chiếm 35% tổng quỹ. Ngoài Petrolimex, một số thương nhân đầu mối có số dư quỹ cao là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (hơn 561 tỷ đồng)...

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng ghi nhận 7 đơn vị đang âm quỹ bình ổn. Trong đó, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) âm nhiều nhất với hơn 513 tỷ đồng. Các thương nhân đầu mối khác như Petro Bình Minh, Long Hưng, Trường An, Hải Linh, Tân Nhật Minh cũng âm hàng chục tỷ đồng.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Nhiều bất cập trong sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu dẫn đến tác dụng “ngược”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.