Thứ sáu, 26/04/2024 07:49 (GMT+7)
Thứ sáu, 11/09/2020 14:00 (GMT+7)

Đề xuất thu phí dịch vụ thoát nước ở TP.HCM: Cần tạo sự đồng thuận

Theo dõi KTMT trên

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ủy ban Nhân dân TP.HCM nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ các tác động và tính khả thi của đề xuất thu phí thoát nước.

Đề xuất thu phí dịch vụ thoát nước ở TP.HCM: Cần tạo sự đồng thuận - Ảnh 1
Ngập nặng tại TP.HCM. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Sau khi Sở Xây dựng TP.HCM có tờ trình với UBND thành phố đề về việc ban hành giá dịch vụ thoát nước tại thành phố giai đoạn 2020-2024 thay thế cho phí bảo vệ môi trường với mức tăng trung bình 5%/năm, nhiều chuyên gia, người dân đã có những ý kiến trái chiều về tính hiệu quả của chủ trương này.

Đặc biệt, khi hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố chưa đảm bảo, chưa giải quyết dứt điểm được tình trạng ngập lụt thì việc Sở Xây dựng đưa ra phương án thu phí thoát nước khiến người dân khó có thể đồng thuận.

Có phù hợp thực tế?

Theo tờ trình của Sở Xây dựng TP.HCM vào tháng 8/2020, việc thu phí thoát nước được thực hiện theo Nghị định 80/2014 của Chính phủ quy định trách nhiệm về lập, thẩm định, phê duyệt giá dịch vụ thoát nước.

Sở Xây dựng đề xuất 3 phương án thu phí thoát nước, trong đó phương án tăng trung bình mỗi năm 5% được đánh giá khả thi.

Trong năm 2020, Nhà nước thu phí bảo vệ môi trường bằng 10% giá nước sạch, đến năm 2021 sẽ thu giá dịch vụ thoát nước bằng 15% giá nước sạch, tương đương 1.439 đồng/m3; đến năm 2024, mức thu giá dịch vụ thoát nước bằng 35% giá nước sạch, tương đương 4.327 đồng/m3. Nguồn thu từ dịch vụ thoát nước sẽ nộp vào ngân sách để đầu tư, duy trì và phát triển hệ thống thoát nước, sau khi trừ 1% dành cho chi trả dịch vụ đi thu và đóng các loại thuế và nghĩa vụ tài chính, nếu có.

Sở Xây dựng TP.HCM đánh giá mức thu đề xuất như trên không ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống người dân khi mức độ tác động trên thu nhập của mỗi hộ, bao gồm các hộ nghèo chỉ từ 0,051% năm 2020 và 0,197% năm 2024 theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB). Sở Xây dựng cũng cho rằng mức giá trong tờ trình là hợp lý và tương đối thấp so với giá ở các địa phương khác như Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Tháp...

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, trước đó, từ tháng 11/2019, giá bán nước sạch tại TP.HCM giai đoạn 2019-2022 đã tăng trung bình từ 5% đến 7%/năm. Nếu đề xuất này được chấp nhận, giá tiền nước sẽ tiếp tục tăng.

Cụ thể, giá tiền nước sạch và dịch vụ thoát nước bình quân mà người dân phải trả trong năm 2020 là 11.029 đồng/m3, sang năm 2021 là 12.198 đồng/m3 và đến 2024 là 16.344 đồng/m3. Giá này chưa bao bao gồm 10% thuế giá trị gia tăng.

Theo tiến sỹ Lê Bá Chí Nhân - chuyên gia về môi trường, trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến người dân thắt chặt chi tiêu thì việc tính thêm phí dịch vụ thoát nước vào giá nước là không phù hợp vì sẽ dẫn đến việc phí chồng phí, người dân sẽ quá sức chịu đựng.

Thay vào đó, các bên liên quan nên xem xét đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong việc thực hiện ghi chỉ số nước và thu tiền thông qua tài khoản ngân hàng để giảm bớt chi phí mà vẫn giữ tính hiệu quả, chính xác, qua đó giảm bớt gánh nặng về thuế phí cho người dân.

Ông Nhân cũng cho rằng việc Sở Xây dựng dẫn số liệu từ WB để kết luận tác động của việc thu phí rất nhỏ đối với thu nhập của người dân thành phố là chưa xác đáng vì tính toán của WB chưa thống kê đầy đủ tất cả các loại thuế, phí, giá… mà mỗi người dân phải đóng hằng năm.

Các loại thuế, phí này khi đứng riêng có thể không quá nhiều so với thu nhập trung bình của người dân, nhưng khi gộp chung lại thì là một con số không nhỏ, cần phải được khảo sát chi tiết, rõ ràng hơn trước khi đề xuất thêm loại phí mới.

Theo tiến sỹ Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, lập luận của Sở Xây dựng về việc thu phí thoát nước để đầu tư cho hạ tầng thoát nước của thành phố chưa thật sự thuyết phục, vì nguyên nhân gây ngập chủ yếu trên địa bàn là tình trạng xả rác bừa bãi làm bít miệng cống thoát nước mà đến nay chưa thể giải quyết dứt điểm, do chưa có quy định thống nhất về xử phạt người xả rác trong các nghị định về bảo vệ môi trường.

Đề xuất thu phí dịch vụ thoát nước ở TP.HCM: Cần tạo sự đồng thuận - Ảnh 2
Người dân di chuyển khó khăn vì nước ngập. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Câu hỏi đặt ra ở đây là việc thu phí dịch vụ thoát nước sẽ có đóng góp ra sao đến việc ngăn chặn xả rác sai quy định của thành phố nếu đây là vấn đề thuộc phương diện pháp luật; trong trường hợp không có tác động gì thì liệu việc thu phí có còn cần thiết?

Một nguyên nhân khác gây ra ngập lụt trên địa bàn TP.HCM, theo ông Thắng, là tình trạng kênh, rạch bị san lấp để xây dựng bất động sản khiến nước mưa ngấm xuống lòng đất không có chỗ thoát, trong khi lại thiếu các hệ thống hồ điều hòa tích trữ nước mưa. Đây là hệ lụy của việc quản lý lỏng lẻo để dự án mọc lên tràn lan, phá vỡ quy hoạch.

Trong bối cảnh này, việc đề xuất người dân đóng thêm phí thoát nước liệu có phù hợp, khi khoản phí này cơ bản không thể giải quyết được vấn đề thuộc về khâu quản lý. Đây là những vấn đề mà Sở Xây dựng cần phải làm rõ để có được sự ủng hộ từ phía người dân trong vấn đề thu phí.

Đầu tư minh bạch, cam kết không còn ngập

Theo ông Vũ Hải - nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội nước và Môi trường TP.HCM, việc thu phí thoát nước là xu hướng tất yếu, thể hiện trách nhiệm của người sử dụng nước sạch khi xả nước thải sẽ phải thực hiện nghĩa vụ đóng phí bảo vệ môi trường. Đồng thời, việc thu phí khuyến khích nâng cao chất lượng dịch vụ, tiền thu về sẽ sử dụng cho các mục đích duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước.

Tuy nhiên, ông Hải cũng cho biết việc thực hiện thu phí chỉ hợp tình, hợp lý, hợp lòng dân khi các bên liên quan cam kết với người dân sẽ cải thiện được tình trạng ngập lụt theo lộ trình cụ thể; mức phí áp dụng phải hợp lý, công khai, minh bạch và được sử dụng đúng mục tiêu, mục đích. Điều này càng cần thiết khi những vấn đề trong đầu tư chống ngập, duy tu xử lý nước thải trên địa bàn thành phố hiện nay đang tiêu tốn quá nhiều nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả.

Do đó, cần xác định rõ ngay từ đầu việc xây dựng, quản lý hệ thống thoát nước chung của thành phố là trách nhiệm của thành phố và ngân sách nhà nước phải đầu tư, không thể bắt người dân đóng góp - ông Hải nhấn mạnh.

Như vậy, đề xuất thu phí dịch vụ thoát nước của người dân nếu được thông qua thì chỉ nhằm duy tu, nạo vét đường ống chung của thành phố, bảo đảm cho các hoạt động thoát nước diễn ra bình thường ổn định, không bị ngập lụt chứ không phải dùng để đầu tư mới toàn bộ hạ tầng thoát nước.

Mặt khác, việc thu phí cần được nghiên cứu cẩn trọng; lấy ý kiến của người dân và các chuyên gia đầu ngành, có cơ sở khoa học thì khi áp dụng mới có tính thực tiễn, phù hợp với nhu cầu xã hội.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND TP.HCM nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ các tác động và tính khả thi của đề xuất thu phí thoát nước; đồng thời có giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án chống ngập của thành phố khi đầu tư quá nhiều cho các dự án chống ngập nhưng đến nay hiệu quả vẫn còn là một câu hỏi lớn.

Giải "bài toán" ngập lụt của TP.HCM không thể trong một sớm một chiều mà cần xây dựng một lộ trình rõ ràng cùng những cam kết về hiệu quả cụ thể; đồng thời đưa ra các giải pháp bảo đảm khoa học, minh bạch, phù hợp với thực tế, tránh gây lãng phí.dự

Hồng Giang

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất thu phí dịch vụ thoát nước ở TP.HCM: Cần tạo sự đồng thuận. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng
Theo Tổng Thư ký ASEAN, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.
Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

Tin mới