Thứ bảy, 20/04/2024 01:29 (GMT+7)
Chủ nhật, 05/12/2021 14:00 (GMT+7)

Đề xuất gói hỗ trợ hơn 843 nghìn tỉ đồng phục hồi, phát triển kinh tế

Theo dõi KTMT trên

Tại Diễn đàn Kinh tế 2021, nhiều chuyên gia đưa ra ý kiến cần có gói hỗ trợ để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Sáng 5/12, tại Diễn đàn Kinh tế 2021, TS. Cấn Văn Lực đã nêu một số gợi ý chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong tương lai.

Đáng lưu ý, TS. Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu đã đề xuất gói hỗ trợ lên tới 843.845 tỉ đồng, chiếm 10,38% GDP (giá trị công bố). Trong số này, chính sách tài khóa chiếm lớn nhất trong cơ cấu với 8,34%, tương đương 678.395 tỉ đồng; chính sách tiền tệ 65.000 tỉ đồng (chiếm 0,8%), chính sách an sinh xã hội là 12.800 tỉ đồng và chính sách khác là 37.650 tỉ đồng…Về giá trị thực tế sẽ chi, ông Lực cho biết con số thực tế sẽ là 445.760 tỉ đồng (chiếm 5,48% GDP).

Đề xuất gói hỗ trợ hơn 843 nghìn tỉ đồng phục hồi, phát triển kinh tế - Ảnh 1
TS. Cấn Văn Lực phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh báo ĐBND)

Để thực hiện gói hỗ trợ này, nhóm nghiên cứu đã có những tính toán cụ thể về nguồn lực huy động. Trong đó, khoản huy động lớn nhất sẽ là phát hành trái phiếu Chính phủ với 220.060 tỉ đồng.

Về điều kiện thực hiện, theo ông Lực, cần đáp ứng quan điểm, mục tiêu và tiêu chí hỗ trợ đã nêu, triển khai nhanh chóng và có tính đến năng lực thực hiện tại các đơn vị, địa phương. Đồng thời phải hết sức quan tâm tháo gỡ các rào cản thể chế để tăng khả năng hấp thụ, mới đảm bảo các chính sách phát huy hiệu quả.

Bên cạnh việc phối hợp nhịp nhàng chính sách, nhất là chính sách tài khóa và tiền tệ, ông Lực cho rằng, cần chấp nhận tăng nợ công, thâm hụt ngân sách, nghĩa vụ trả nợ và tín dụng trong tầm kiểm soát. Nhóm chuyên gia cũng đề nghị tăng bảo lãnh phát hành trái phiếu của Chính phủ cho Ngân hàng chính sách xã hội; có giải pháp tăng vốn cho các Ngân hàng thương mại.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, phải gắn kết chương trình này thật chặt chẽ với chiến lược phòng, chống dịch; xây dựng lộ trình cụ thể để trung hòa các tác động của chính sách đã nêu trên; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế; cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh…

Tại diễn đàn, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Công nghiệp và Thương mại (VCCI) cho biết, khi ông hỏi doanh nghiệp: "Với cách tiếp cận hiện nay, doanh nghiệp bạn có thể cầm cự thêm bao lâu nữa, nếu Chính phủ tiếp tục duy trì đồng thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phong tỏa tạm thời và triển khai tiêm vaccine?".

Kết quả cho thấy, một doanh nghiệp điển hình chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng. Doanh nghiệp ở những lĩnh vực ngành báo cáo số tháng thấp nhất là nông lâm, thủy sản (trung bình 4,7 tháng), thông tin truyền thông (4,9 tháng) và xây dựng (5,3 tháng).

Để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Tuấn cho rằng, cơ quan chức năng cần tránh tuyệt đối việc áp dụng máy móc và cực đoan các biện pháp hạn chế, phong tỏa do dịch COVID-19 để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng của doanh nghiệp.

Bởi, trong thời gian tháng 7-9/2021 vừa qua, việc thu mua nguyên liệu phục vụ sản xuất lẫn bán sản phẩm đầu ra đều gặp rất nhiều khó khăn vì người bán và cả người mua gặp những hạn chế trong lưu thông, di chuyển. Điều này khiến hàng hóa bị ùn ứ, chờ đợi nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày khi gặp các chốt kiểm dịch.

Ngoài ra, các biện pháp hạn chế, phong tỏa nghiêm ngặt nếu áp dụng máy móc sẽ khiến hàng hóa bị lưu kho lâu ngày, doanh nghiệp bị đứt chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ.

Ông Tuấn cho rằng, nhà chức trách cần quan tâm, giải quyết các khó khăn tài chính cho doanh nghiệp, như cân nhắc chính sách miễn, giãn nộp ngân sách nhà nước với thời gian đủ dài để doanh nghiệp phục hồi.

Đề xuất gói hỗ trợ hơn 843 nghìn tỉ đồng phục hồi, phát triển kinh tế - Ảnh 2
Các chuyên gia đều đưa ra khuyến nghị phải có gói hỗ trợ để ổn định và thúc đẩy sản xuất. (ảnh minh họa)

PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam - cho biết, để phục hồi kinh tế và hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững, cần có gói củng cố hệ thống y tế với quy mô khoảng 76.000 tỉ đồng. Căn cứ của đề xuất này dựa trên các báo cáo của Bộ Y tế về các khoản chi y tế để ứng phó với đại dịch.

Đồng thời, cần tiếp tục củng hộ hệ thống an sinh xã hội, hỗ trợ những nhóm dân cư, người lao động chịu ảnh hưởng tiêu lực của dịch bệnh. Quy mô của gói củng cố hệ thống an sinh xã hội - theo ông Tuấn - là 58.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, vị chuyên gia này còn cho rằng, cần hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực hơn. Bởi thực tế triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian vừa qua cho thấy hiệu quả chưa cao, chưa đúng đối tượng hoặc thủ tục còn phức tạp.

"Cụ thể, gói hỗ trợ doanh nghiệp theo chúng tôi phải khoảng 244.000 tỉ đồng. Ngoài ra, gói đầu tư công, chúng tôi đề xuất có quy mô là 288.000 tỉ đồng", ông Tuấn nêu.

TS.Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, gói kích thích, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 là hết sức cần thiết: “Việt Nam cần có một số gói hỗ trợ tài chính đủ lớn, đủ rộng và dài để giúp doanh nghiệp và người dân trong nhiều địa bàn và lĩnh vực có thể phục hồi được cả thể chất, tinh thần và năng lực kinh doanh sau cơn “bạo bệnh”".

Xuân Hòa (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất gói hỗ trợ hơn 843 nghìn tỉ đồng phục hồi, phát triển kinh tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới