Đề xuất điều chỉnh mức thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi
Bộ Tài chính vừa đề xuất sửa đổi mức thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng tăng giá mạnh thời gian qua để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, làm đình trệ, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Theo đó, nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất trong nước phải thu hẹp hoặc tạm ngừng hoạt động; hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ. Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, quy mô thị trường bị thu hẹp...
Trước tình hình đó, Bộ Tài chính vừa hoàn thiện hồ sơ xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 57/2020/NĐ-CP của Chính phủ liên quan đến biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp...
Dự thảo Nghị định được Bộ Tài chính xây dựng gồm có 2 Điều với 4 nhóm nội dung chính. Theo đó, sửa đổi mức thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng tăng giá mạnh thời gian qua để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Đề xuất sửa đổi mức thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu MFN (hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện quy chế tối huệ quốc) đối với một số mặt hàng để bảo vệ, thúc đẩy khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo trong nước; hạn chế việc xuất khẩu tài nguyên thô, chưa qua chế biến và góp phần đơn giản biểu thuế.
Trong đó, đề xuất tăng thuế xuất khẩu một số nhóm tài nguyên không tái tạo, như mặt hàng đá, theo lộ trình 2 năm. Bởi qua rà soát mức thuế suất thuế xuất khẩu và mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với các mặt hàng khoáng sản hiện nay, Bộ Tài chính nhận thấy có một số mặt hàng là tài nguyên khoáng sản như đá, chì, clanhke đang có thuế xuất khẩu thấp hơn nhiều so với mức trần Khung thuế xuất khẩu cho phép của Quốc hội.
Đồng thời, trong thời gian qua, việc khai thác, xuất khẩu các mặt hàng tài nguyên khoáng diễn biến phức tạp. Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh, tiềm ẩn nguy cơ lãng phí tài nguyên quốc gia, ô nhiễm môi trường.
Vì vậy, để góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên trong nước và để triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 38/CT-TTg và định hướng xác định trong Quyết định số 1266/QĐ-TTg nêu trên, cùng với việc thực hiện các biện pháp khác có liên quan đến quản lý việc cấp phép, khai thác tài nguyên, Bộ Tài chính cho rằng cần xem xét tăng thuế xuất khẩu một số nhóm hàng đá có mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% lên 20%; mức 10%, 15% 17%, 20% lên 30% là mức sát với mức trần của Khung thuế xuất khẩu.
Hơn nữa, để tránh gian lận do việc chuyển từ mã số hàng hóa có thuế suất cao sang mã số có thuế suất thấp hơn, hạn chế vướng mắc khi thực hiện, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên, khoáng sản, Bộ Tài chính cũng dự kiến trình Chính phủ điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng đá và sản phẩm làm từ đá (từ 5% lên 15%) để ngang bằng thuế suất với các nhóm hàng cùng chủng loại hoặc tương đồng.
Đáng chú ý, dự thảo Nghị định cũng sửa đổi, điều chỉnh một số nội dung của Chương trình ưu đãi thuế đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện chương trình ưu đãi thuế theo Nghị định số 57/2020/NĐ-CP cho giai đoạn sau năm 2022 và sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp.
Theo Bộ Tài chính, dự thảo Nghị định sẽ không phát sinh thủ tục hành chính mới hay thủ tục hành chính cần sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ. Đồng thời, các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung là những vấn đề đã được cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan thực hiện trong giai đoạn vừa qua. Khi thực hiện dự thảo Nghị định theo phương án sửa đổi bổ sung, đề xuất sẽ không làm phát sinh chi phí tuân thủ cũng như nguồn lực cho tổ chức thực hiện.
Tại dự thảo, Bộ Tài chính cũng điều chỉnh mức thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu MFN đối với một số mặt hàng nhằm đáp ứng các yêu cầu quản lý, khắc phục các bất cập phát sinh trên thực tiễn và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển như: vàng, bột thạch anh mịn, hạt giống trồng cây…
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Đình Thi - nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính đánh giá: Thuế tài nguyên là một trong những công cụ tài chính, thể hiện vai trò sở hữu Nhà nước đối với tài nguyên quốc gia và thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên của tổ chức, cá nhân. Trong định hướng Chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Bộ Chính trị thông qua đã đưa ra giải pháp quan trọng là điều chỉnh kịp thời, hợp lý các loại thuế liên quan đến hoạt động khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản, tăng thu ngân sách Nhà nước; đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân nơi có khoáng sản được khai thác.
Thùy Linh (T/h)