Thứ bảy, 27/04/2024 05:10 (GMT+7)
Thứ năm, 05/05/2022 07:00 (GMT+7)

Đề xuất bổ sung chính sách an sinh xã hội cho tài xế xe công nghệ

Theo dõi KTMT trên

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH đề xuất chính sách an sinh xã hội cho đối tượng tài xế xe công nghệ.

Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khuyến nghị Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu tăng cường tiếp cận và tham gia các chương trình an sinh xã hội của tài xế xe công nghệ (Grab, Now, Gojek, Be, Aha...) để trình cấp có thẩm quyền xem xét, làm cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện cả nước có khoảng 200.000 tài xế xe công nghệ (gồm ôtô, xe máy). Trong đó, gần 50% số tài xế hành nghề tại Hà Nội và TP. HCM.

Cuối năm 2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Trung tâm Tư vấn sức khỏe và Phát triển cộng đồng khảo sát về hiện trạng việc làm, khả năng tiếp cận chính sách an sinh xã hội của tài xế xe công nghệ với sự tham gia của 500 tài xế Grab.

Đề xuất bổ sung chính sách an sinh xã hội cho tài xế xe công nghệ - Ảnh 1
Đề xuất bổ sung chính sách an sinh xã hội cho tài xế xe công nghệ. (Ảnh minh họa)

Kết quả cho thấy có 2/3 số tài xế đã có gia đình và 60% nuôi dưỡng từ 2 người trở lên. Thu nhập của họ khá thấp, với tài xế xe máy là 318.000 đồng/ngày, khoảng 7 triệu đồng/tháng; tài xế ôtô là 564.000 đồng/ngày, khoảng 12 triệu đồng/tháng. Các khoản "thưởng", "trợ cấp", chương trình hỗ trợ... từ công ty cung ứng dịch vụ đối với đối tượng này không thường xuyên và khá thấp.

Thu nhập của tài xế xe công nghệ không cao nhưng áp lực làm việc rất lớn. Thời gian làm việc bình quân mỗi ngày của tài xế xe máy là 9,2 giờ, ôtô là 11,2 giờ; các ngày lễ, Tết dường như không có. Ngoài ra, họ còn phải làm việc trong điều kiện vất vả, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.

Về chính sách an sinh xã hội, chỉ có 7% số tài xế tham gia bảo hiểm xã hội. Lý do không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là do không đủ tiền (chiếm 68%), không thấy nhiều lợi ích (21%), không hiểu biết hoặc không có nhu cầu (11%).

Qua khảo sát trên, có tới 66,7% số tài xế xe công nghệ mong muốn được tiếp cận các chương trình an sinh xã hội, đặc biệt là các chương trình hỗ trợ trực tiếp; 45,5% hy vọng được Công ty Grab tư vấn, hỗ trợ tham gia bảo hiểm xã hội; 24,2% mong muốn được địa phương hỗ trợ và 53% mong muốn tham gia một hội, nhóm, câu lạc bộ... dành cho người lái xe.

Trên cơ sở đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khuyến nghị cần có nghiên cứu sâu và rộng, từ đó tăng cường khả năng các chương trình an sinh xã hội cho đối tượng này.

Quốc hội, Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, BHXH cần tổ chức nghiên cứu và ban hành hướng dẫn cụ thể về BHXH, BHYT nói riêng, các chế độ an sinh xã hội nói chung và cho đối tượng đặc thù như tài xế xe công nghệ nói riêng trong thời gian tới góp phần thực hiện chủ trương tiến tới BHXH, BHYT toàn dân" - TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), kiến nghị.

Khoảng trống lớn về pháp lý

Theo ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện các lái xe công nghệ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc do chỉ có hợp đồng đối tác với các đơn vị cung cấp ứng dụng, không phải hợp đồng lao động.

“Nếu người lao động được quan tâm thì người ký hợp đồng với họ có thể đứng lên đóng BHXH cho đối tượng này. Nhưng trên thực tế hiện nay chưa có. Vì vậy, nếu đối tượng lao động này muốn đảm bảo cuộc sống lâu dài, đặc biệt đến hết độ tuổi lao động, họ chỉ có thể thao gia bảo hiểm tự nguyện”, ông Văn Anh cho biết.

TS Huỳnh Thị Ngọc Tuyết, Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn phát triển (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ) nhận định, so sánh với giới hạn pháp lý về số giờ làm việc của Bộ luật Lao động năm 2019 thì số giờ làm việc trung bình một ngày của tài xế gần ở ngưỡng giới hạn tối đa 12 giờ/ngày. Đáng chú ý, có đến gần 23% tài xế xe ôm công nghệ chạy xe ban đêm, khung giờ từ 10h đêm hôm nay đến 6h sáng hôm sau.

Theo TS Huỳnh Thị Ngọc Tuyết, vẫn còn khoảng trống lớn về pháp luật khi tài xế xe công nghệ không được bảo vệ bởi Bộ Luật Lao động về ngày nghỉ có lương, kể cả nghỉ vì công việc như sửa xe, bảo trì xe, hỗ trợ khi ốm đau, tai nạn. Ở khía cạnh giới, với tài xế nữ, còn thêm nỗi lo khác là bị quấy rối, xâm hại tình dục…

Nguyên nhân chính ở đây là các tài xế xe công nghệ đang ký là hợp đồng đối tác, không phải hợp đồng lao động. Do đó, quan hệ lao động nằm ngoài khuôn khổ Bộ Luật Lao động điều chỉnh.

Bên cạnh đó, cũng chưa có chuẩn mực nghề nghiệp và khung pháp lý rõ ràng quy định chế độ phúc lợi xã hội cho lực lượng lao động này. Vì vậy, lái xe công nghệ không được hưởng chế độ BHYT, BHXH bắt buộc dành cho người ký hợp đồng lao động, không có các chế độ phúc lợi xã hội nào khác.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất bổ sung chính sách an sinh xã hội cho tài xế xe công nghệ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng
Theo Tổng Thư ký ASEAN, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.

Tin mới