Để những cung đường xuân thêm xanh
Điện khí hóa giao thông là quá trình chuyển đổi các hệ thống giao thông từ sử dụng năng lượng không phải điện (như nhiên liệu hóa thạch) sang sử dụng năng lượng xanh.
Nhiên liệu từ các phương tiện là nguồn chính gây ra phát thải khí nhà kính trong ngành giao thông vận tải. Đáng mừng khi hiện nay người tiêu dùng ngày càng ủng hộ việc chuyển sang sử dụng xe điện và sẵn lòng chi trả thêm tiền cho xe điện có các tính năng tương đương với phương tiện chạy động cơ đốt trong.
Sự gia tăng nhanh chóng của số lượng xe điện
Một số chuyên gia cho rằng, để sớm đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050 thì yếu tố điện hóa giao thông là việc cần làm ngay vì nó sẽ là đóng góp quan trọng cho quá trình thực hiện mục tiêu này. Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ ngừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô, mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2040. Đến năm 2050, tất cả các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy thi công sẽ chuyển đổi sang sử dụng điện và năng lượng xanh, theo Quyết định 876 đã được Thủ tướng phê duyệt về "Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành giao thông vận tải". Tại Việt Nam, trong những năm qua doanh số bán xe điện đã có những bước tiến mới khi hàng loạt mẫu xe điện được bán rộng rãi trên thị trường.
Nhìn vào số liệu thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, những năm gần đây số lượng xe ô tô điện sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Theo đó, năm 2021 chỉ có 167 xe ô tô điện sản xuất lắp ráp và nhập khẩu được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận thế nhưng đến cuối năm 2023 đã tăng đến hơn 20 nghìn ô tô điện; hơn 11 nghìn xe hybrid (kết hợp sử dụng xăng điện). Hệ thống xe buýt điện với hơn 700 xe, cùng với taxi điện bắt đầu được mở rộng ra các tỉnh, thành. Cả nước hiện có hơn 2 triệu mô tô - xe gắn máy điện và hơn 700 nghìn xe đạp điện. Tuy nhiên, các nhà sản xuất xe điện nội địa Việt Nam sẽ gặp thách thức khi tập trung vào mảng điện hóa giao thông với các hạng mục sản xuất xe điện. Nguyên nhân là người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý sợ xe không đủ điện, lo lắng về pin và quan ngại về thiếu thốn cơ sở hạ tầng trạm sạc.
Ông Patrick Harverman - Phó trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, việc tăng nhanh và đa dạng hóa các loại phương tiện đặt ra những thách thức về nhu cầu chất hiếm và tạo áp lực lên hệ thống lưới điện. Tuy vậy, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để phát triển ngành công nghiệp sản xuất xe điện trong nước, điều kiện tiên quyết là Chính phủ cần thúc đẩy nhanh chóng các chính sách cơ bản như phát triển hệ thống trạm sạc, thắt chặt tiêu chuẩn phát thải, và quy định mục tiêu bán hàng cho các nhà sản xuất xe điện với số lượng phương tiện điện nhất định. Ngoài ra, các chính sách ngắn hạn như chính sách đỗ xe và quy định khu vực đặc thù cũng có thể giúp Chính phủ Việt Nam đạt được mục tiêu của mình. Bên cạnh đó, ông Patrick cũng nhấn mạnh rằng điều quan trọng phải giảm được chi phí xe điện thông qua các chính sách hỗ trợ tài chính, cải thiện khả năng chi trả của người tiêu dùng và doanh nghiệp được hỗ trợ giảm thuế, các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp và trợ giá mua hàng... Những chính sách này sẽ giúp thay đổi quan điểm xã hội, tạo ra những động lực mạnh mẽ để thay đổi thói quen tiêu dùng trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp.
Triển khai mạnh mẽ những chính sách hỗ trợ
Một khảo sát mới đây của Bộ Giao thông vận tải cho thấy, người tiêu dùng tương đối phù hợp với mong đợi của đa số người tiêu dùng (xe đạp điện từ 10 - 20 triệu đồng, xe máy điện từ 10 - 40 triệu đồng, ô tô điện từ 550 triệu - 850 triệu đồng). Khi quyết định mua hàng, người tiêu dùng sẽ quan tâm đến chủng loại xe, giá thành, các yếu tố an toàn khi sử dụng, tuổi thọ công nghệ pin, thời gian sạc pin, quãng đường di chuyển và ưu tiên có các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật phù hợp. Điều quan trọng cần thảo luận ở đây là nguồn điện cho xe điện.
Một chiếc xe điện chỉ thực sự "xanh" khi nguồn điện sử dụng không gây phát thải ra môi trường. Các chuyên gia cho biết, nhu cầu tăng cường sử dụng xe điện sẽ thúc đẩy tăng nguồn cung cấp năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu mà vẫn đảm bảo nhập doanh nghiệp cho các dự án đầu tư vào xe điện chạy pin. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã đề xuất chính sách trợ cấp 1.000 USD cho mỗi người mua ô tô điện.
Có thể nói, chìa khóa để vượt qua những rào cản phổ biến ô tô điện ở Việt Nam nằm ở đầu tư cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể nâng cấp hệ sinh thái xe điện trong nước bằng cách tận dụng trữ lượng đất hiếm dồi dào. Dù đất hiếm không phổ biến bằng lithium, vốn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng pin xe điện nhưng 17 nguyên tố đất hiếm này vẫn rất có ý nghĩa đối với ngành sản xuất xe điện. Đặc biệt, neodymium và samarium thường được dùng trong nam châm động cơ.
Bích ngọc