Đề nghị miễn kiểm định lần đầu với ô tô sản xuất mới ở các huyện đảo
Nhằm giảm thiểu thời gian, chi phí đi lại, tạo thuận lợi cho người dân, Cục CSGT đã đề nghị Cục Đăng kiểm nghiên cứu để áp dụng cho các cá nhân, tổ chức tại các huyện đảo được phép miễn kiểm định lần đầu trước khi đăng ký đối với xe sản xuất mới.
Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) vừa có văn bản đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam một số nội dung; trong đó đáng chú ý là việc nghiên cứu để người dân, tổ chức tại các huyện đảo được phép miễn kiểm định lần đầu trước khi thực hiện đăng ký hay cần miễn kiểm định với xe sản xuất mới.
Theo đó, nhằm thực hiện chủ trương “lấy người dân làm trung tâm”, để giảm thiểu thời gian, chi phí đi lại, tạo thuận lợi cho người dân, Cục CSGT đã đề nghị Cục Đăng kiểm nghiên cứu để áp dụng cho các cá nhân, tổ chức là chủ xe tại các huyện đảo được phép miễn kiểm định (lần đầu) trước khi đăng ký xe, các chu kỳ kiểm định tiếp theo thực hiện theo đúng quy định của Bộ GTVT.
Lý giải nguyên nhân, theo Cục CSGT, các phương tiện nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp trong nước đã được kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi bán ra thị trường. Do đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cần xem xét để miễn kiểm tra an toàn kỹ thuật lần đầu đối với các phương tiện cơ giới đường bộ mới xuất xưởng, còn thời hạn bảo hành của nhà sản xuất.
Đồng thời, Cục CSGT cũng đề nghị đa dạng hóa các hình thức kiểm định, thay vì chỉ giao cho các trung tâm đăng kiểm, thì cũng nghiên cứu để giao việc kiểm định cho các cơ sở bảo dưỡng, bảo hành chính hãng đủ điều kiện theo quy định.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cần nghiên cứu để quy định trách nhiệm của chủ phương tiện trong bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện của mình, tránh tình trạng nhiều phương tiện bị trục trặc kỹ thuật khi lưu thông dẫn đến tai nạn hoặc chết máy gây cản trở và ùn tắc giao thông, làm thiệt hại về thời gian, nhiên liệu cho các phương tiện khác.
Ngoài ra cũng phối hợp cùng lực lượng Công an trong đấu tranh ngăn chặn tận gốc các cơ sở sửa chữa, độ chế, cơi nới thành thùng xe, để lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép, chở quá tải, quá khổ gây mất an ninh trật tự.
Trước đó, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 238/2016/TT-BTC quy định về giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng đang lưu hành; đánh giá, hiệu chuẩn thiết bị kiểm tra xe cơ giới.
Theo đó, dự thảo đề xuất điều chỉnh mức giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới đang lưu hành như sau:
Đối với xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn, xe ô tô đầu kéo có khối lượng kéo theo cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn và các loại xe ô tô chuyên dùng: Mức giá được điều chỉnh từ 560.000 đồng/xe hiện nay lên thành 570.000 đồng/xe.
Đối với xe ô tô chở người trên 40 ghế (kể cả lái xe), xe buýt: Mức giá được điều chỉnh từ 350.000 đồng/xe lên thành 360.000 đồng/xe.
Xe ô tô chở người từ 25 đến 40 ghế (kể cả lái xe): Mức giá được đề xuất là 330.000 đồng/xe thay cho mức 320.000 đồng/xe hiện hành.
Xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi, xe ô tô cứu thương: Mức giá được đề xuất là 250.000 đồng/xe thay cho mức 240.000 đồng/xe hiện hành.
Ngoài ra, những xe cơ giới kiểm định không đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phải bảo dưỡng sửa chữa để kiểm định lại.
Theo quy định tại Thông tư 16/2021/TT-BGTVT, ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh có chu kỳ kiểm định lần đầu 30 tháng, sau đó là 18 tháng và 12 tháng, đối với phương tiện sản xuất trên 12 năm, chu kỳ kiểm định là 6 tháng.
Đối với xe ô tô chở người các loại có kinh doanh vận tải có thời hạn sản xuất đến 5 năm, chu kỳ kiểm định lần đầu sẽ là 24 tháng. Các chu kỳ kiểm định tiếp theo có thời hạn 12 tháng/lần. Sau thời hạn 5 năm và đối với xe đã sản xuất trên 5 năm, chu kỳ đăng kiểm định kỳ là 6 tháng/lần.
Lan Anh