Đề nghị kiểm soát hoạt động của “đầu nậu, cò đất” lợi dụng bảng giá đất mới để “kích giá, thổi giá”
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị Nhà nước có biện pháp để kiểm soát hiệu quả hoạt động của giới “đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương” có thể lợi dụng việc Nhà nước ban hành bảng giá đất mới để “kích giá, thổi giá đất” làm nhiễu loạn thị trường.
Ngày 21/10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định 02/2020 về bảng giá đất trên địa bàn TP.HCM. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 31/10 đến hết ngày 31/12/2025.
Đánh giá về bảng giá đất mới này của TP.HCM, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, bảng giá đất lần này đã được Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM. xây dựng tuân thủ nguyên tắc định giá đất theo quy định tại khoản 1 Điều 158 Luật Đất đai 2024, thực hiện phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường, tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.
So sánh với dự thảo bảng giá đất điều chỉnh được Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM công bố ngày 29/07/2024 thì bảng giá đất mới đã tăng nhẹ hơn so với dự thảo trước đó.
Theo đó, bảng giá đất đối với đất ở trên địa bàn từng quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã được cân chỉnh, tăng thấp nhất từ 2,36 lần (quận 3) đến tăng cao nhất 38,8 lần (huyện Hóc Môn) so với Bảng giá đất ban hành theo Quyết định 02/2020/QĐUBND so với mức tăng giá đất từ 10-20 lần so với dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh ngày 29/07/2024.
“Bảng giá đất mới đã khắc phục được tình trạng giá đất chưa hợp lý của dự thảo bảng giá đất điều chỉnh được công bố ngày 29/7/2024. Riêng tại một số khu vực tại quận 1, quận 4 và quận 5, bảng giá đất mới còn cân chỉnh lại theo từng vị trí đất của các tuyến đường trên địa bàn của từng quận hợp lý hơn”, HoREA nhận định.
Theo HoREA, bảng giá đất mới chưa tác động ngay đến thị trường bất động sản do các dự án bất động sản, nhà ở thương mại hiện nay được định giá đất chủ yếu theo “phương pháp thặng dư”, nhưng sẽ tác động đến thị trường bất động sản ở “pha 2” khi doanh nghiệp bất động sản nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội thì người dân có tâm lý muốn bán với giá cao hơn trước đây, dẫn đến áp lực “kích đẩy” làm tăng giá nhà.
Do vậy, HoREA đề nghị Nhà nước có biện pháp để kiểm soát hiệu quả hoạt động của giới “đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương” có thể lợi dụng việc Nhà nước ban hành bảng giá đất mới để “kích giá, thổi giá đất” làm nhiễu loạn thị trường nhằm mục đích trục lợi bất chính.
HoREA cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích pháp luật để người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp hiểu rõ và nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, chấp hành pháp luật, tuân thủ pháp luật, đi đôi với các biện pháp quản lý, điều tiết hiệu quả thị trường bất động sản.
H.A