Thứ bảy, 05/10/2024 06:24 (GMT+7)
Thứ sáu, 04/10/2024 06:00 (GMT+7)

Để điện gió ngoài khơi không còn “xa bờ"

Theo dõi KTMT trên

Một trong những chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ Việt Nam là phát triển năng lượng tái tạo trong đó điện gió ngoài khơi được xác định là giải pháp đột phá trong chuyển dịch năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, điện gió ngoài khơi được nhiều quốc gia đầu tư mạnh mẽ. Hiện điện gió ngoài khơi đang đóng góp tích cực cho sức khỏe đại dương, thông qua công nghệ tiên tiến và các biện pháp tiết kiệm năng lượng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và bền vững với phương cách tiếp cận mới, nâng cao chất lượng môi trường, tạo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường. Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với tiềm năng điện gió ngoài khơi vô cùng dồi dào. Được đánh giá là có tiềm năng lớn, Việt Nam cần có những bước đi vững chắc, kịp thời tận dụng tiềm năng điện gió ngoài khơi để trở thành một quốc gia đi đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở khu vực Đông Nam Á.

Tiềm năng của điện gió ngoài khơi Việt Nam

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), năm 2021 tổng công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi trên thế giới đã đạt 55,7GW. Công nghệ điện gió ngoài khơi đã đạt được các bước tiến đáng kể, hiệu suất tăng nhanh, chi phí điện năng trung bình từ điện gió ngoài khơi đã giảm khoảng 60% trong giai đoạn 2010-2021. ở vị trí địa lý và điều kiện khí hậu thuận lợi, nước ta được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển điện gió ngoài khơi. 

Để điện gió ngoài khơi không còn “xa bờ" - Ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ngân hàng Thế giới (WB) và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch cho hay, với bờ biển dài và tiềm năng gió dồi dào, điện gió Việt Nam có tiềm năng ước đạt 475GW, trong đó tiềm năng kỹ thuật khoảng 160GW. Cũng theo nghiên cứu mới đây của WB, năng lượng gió ở Việt Nam có tiềm năng lớn nhất trong 4 nước của khu vực. Báo cáo về tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam của Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết, các vùng biển có khả năng khai thác tiềm năng năng lượng gió tốt nhất gồm: từ Bình Định đến Ninh Thuận, Bình Thuận đến Cà Mau, và một phần vùng biển trung tâm vịnh Bắc Bộ. Đặc biệt, tiềm năng gió đạt ở mức tốt đến rất tốt ở khu vực biển Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu, với tốc độ gió trung bình từ 8m-10m/s, mật độ năng lượng trung bình năm phổ biến từ 600W đến trên 700W/m2. 

Năng lượng gió ngoài khơi là một nguồn năng lượng tái tạo có triển vọng phát triển lớn, có thể lắp đặt các trang trại điện gió ngoài khơi trên vùng biển rộng lớn. Tốc độ gió trên đại dương thường ổn định và mạnh hơn trên đất liền, vì thế ưu điểm chính của năng lượng gió ngoài khơi đó là khả năng tạo ra điện cao hơn so với năng lượng gió trên bờ. Thêm vào đó, các địa điểm ngoài khơi để triển khai trang trại điện gió không bị giới hạn và ít hoặc không xảy ra xung đột với cộng đồng cư dân (vốn là một khó khăn đối với phát triển điện gió trên bờ). Với việc đầu tư vào hệ thống truyền tải cũng như điều độ thông minh, điện gió hoàn toàn có thể trở thành nguồn chủ đạo của hệ thống năng lượng Việt Nam trong tương lai, qua đó giảm lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu. Có thể nói, điện gió ngoài khơi tại Việt Nam có tiền đề và điều kiện rất thuận lợi để cất cánh trong giai đoạn tới. 

Tuy vậy, để tận dụng hiệu quả tiềm năng và phát triển điện gió ngoài khơi đạt đến những mục tiêu đầy tham vọng trong tương lai thì Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít thách thức. 

Khó khăn và thách thức cần gỡ vướng từ chính sách đến thực tiễn

Mặc dù có cơ hội lớn nhưng phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam đang đối diện những bài toán lớn chẳng hạn như: khó huy động nguồn vốn lớn; tính chất phức tạp về kỹ thuật và công nghệ khiến cho dự án trải qua nhiều quy trình và trình tự thủ tục đầu tư… Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trong thời gian qua hàng chục dự án điện gió được xây dựng, vận hành đều là những dự án trên đất liền, hoặc gần bờ. Quy hoạch điện 8 đặt ra mục tiêu đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi phải đạt 6.000 MW. Bên cạnh đó, định hướng đến năm 2050, Việt Nam đạt 70.000 MW đến 91.000 MW điện gió ngoài khơi. Bộ Công Thương cho biết, việc phát triển điện gió ngoài khơi là một trong những định hướng quan trọng của Quy hoạch điện 8.

Để điện gió ngoài khơi không còn “xa bờ" - Ảnh 2
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ngoài việc giúp hiện thực hóa lộ trình chuyển dịch năng lượng thì phát triển điện gió ngoài khơi còn giúp nước ta khai thác hiệu quả tiềm năng to lớn của năng lượng tái tạo và phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, sau gần 1 năm rưỡi quy hoạch được phê duyệt, Việt Nam vẫn chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào được cấp chủ trương đầu tư hay giao nhà đầu tư thực hiện. Nhiều chuyên gia nhận định rằng suất đầu tư cho điện gió ngoài khơi là rất lớn, khoảng 2,5 tỉ USD/1.000 MW và thời gian thực hiện từ 6-8 năm kể từ lúc bắt đầu khảo sát. Do đó, Bộ Công Thương cho rằng mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện 8 đạt 6.000 MW vào năm 2030 là rất khó khả thi trong bối cảnh hiện nay. Đối với Việt Nam, điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới, có liên quan đến an ninh, chủ quyền biển đảo và còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến chức năng nhiệm vụ của nhiều bộ, cơ quan.

Mặt khác, hiện chúng ta còn thiếu các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật, nên việc thực hiện các mục tiêu nêu trong Quy hoạch điện VIII đặt ra nhiều thách thức. Đáng lưu ý là các nhà đầu tư điện gió lớn nước ngoài đã vào Việt Nam từ sớm nhưng đều lần lượt rời đi. Năm ngoái, nhà đầu tư điện gió đến từ Đan Mạch Orsted rời Việt Nam.

Mới đây, Equinor từ Na Uy cũng xác nhận hủy kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi tại nước ta. Các chuyên gia năng lượng thuộc Hội đồng Khoa học - Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài không còn kiên nhẫn, không nhìn thấy cơ hội rõ rệt tại Việt Nam so với các thị trường điện gió ngoài khơi khác trên thế giới. Theo TS Trần Văn Bình (Việt kiều Đức), thành viên Hội đồng Năng lượng tái tạo thế giới, điện gió ngoài khơi của Việt Nam đã và đang bị phủ một "gam màu ảm đạm", điều này rất đáng tiếc.

Ngoài việc khai thác tiềm năng to lớn về năng lượng, điện gió ngoài khơi còn đảm bảo thực hiện tầm nhìn phát triển kinh tế biển. Xu hướng phát triển năng lượng tái tạo trên thế giới, trong đó có điện gió ngoài khơi là giải pháp đột phá. Việt Nam mặc dù có tiềm năng về gió nhưng chưa có khung pháp lý rõ ràng, chính sách chậm ban hành, sự phân công chưa rõ ràng dẫn đến hậu quả thu hút đầu tư vào điện gió ngoài khơi bị ảnh hưởng khá nặng nề. TS Dư Văn Toán, Viện Khoa học môi trường biển và hải đảo (Bộ TN-MT) đề xuất, để sớm thực hiện các dự án thí điểm điện gió ngoài khơi đến năm 2030 với 6.000 MW, cần sớm ban hành Nghị quyết Quốc hội thí điểm phát triển dự án điện gió ngoài khơi (2024 - 2025).

Đây là cơ sở cho việc ban hành luật Điện gió ngoài khơi sau 2030. Tiếp đó, cần lồng ghép chương về điện gió ngoài khơi vào luật Điện lực sửa đổi, đồng thời nghiên cứu bổ sung vào luật Tài nguyên - Môi trường biển và hải đảo các quy định về không gian biển kỹ thuật cho điện gió, hướng dẫn đánh giá tác động môi trường xã hội và quy định về cấp phép khảo sát cho tổ chức trong nước, nước ngoài với các nguồn vốn ngoài ngân sách, quy hoạch không gian phát triển điện gió ngoài khơi cho các dự án cụ thể gắn với kế hoạch thực hiện và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Cùng với đó, xác định khung pháp lý, cũng như không gian cho xuất khẩu điện gió ngoài khơi (như ký kết của Việt Nam với Singapore, Malaysia).

Chủ trì cuộc họp cho ý kiến về dự thảo Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi sáng 26/7/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh: Việc triển khai thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi là quá trình "vừa làm, vừa hoàn thiện" nhằm hình thành đầy đủ cơ chế, chính sách pháp luật đi kèm. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi đã được đặt ra từ lâu, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh đây là đề án để thực hiện chứ không phải xin chủ trương. Đề án phải lựa chọn những dự án cụ thể, chỉ ra những vướng mắc về pháp lý, nghiên cứu khảo sát, chính sách, thủ tục đầu tư, tài chính, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ… trong quá trình thực hiện toàn bộ dự án.

Đây là căn cứ đề xuất phương án thí điểm, tháo gỡ khó khăn vướng mắc ở "luật nào, chính sách nào, thẩm quyền của ai". Phó Thủ tướng cũng chỉ ra hướng xử lý một số khó khăn, vướng mắc cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành chứ không vướng về pháp luật. Chẳng hạn như vướng mắc về lựa chọn địa điểm triển khai dự án điện gió ngoài khơi không nằm ở luật mà ở khâu tổ chức thực hiện cần sự thống nhất của Bộ GTVT (liên quan đến tuyến đường biển quốc tế), Bộ Quốc phòng (nếu là khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh). Tương tự, Bộ Công Thương cần rà soát kỹ vướng mắc về lựa chọn nhà đầu tư, xuất khẩu điện, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài… thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để kiến nghị tháo gỡ. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho hay, Bộ cũng đang làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) để xúc tiến các bước chuẩn bị triển khai 2 dự án thí điểm.

Theo TS. Ngô Đức Lâm - Chuyên gia năng lượng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), ở Việt Nam, các doanh nghiệp có khả năng tham gia vào các dự án Điện gió ngoài khơi phải là những tập đoàn, tổng công ty lớn, có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh mẽ. Hiện nay có PVN và EVN là đủ khả năng thực hiện thí điểm phát triển các dự án điện gió ngoài khơi. Lãnh đạo EVN, PVN cũng cho biết đã triển khai các bước chuẩn bị để có thể triển khai dự án thí điểm phát triển dự án điện gió ngoài khơi.

Bộ Công Thương cho biết, việc chọn nhà đầu tư quốc tế thí điểm dự án điện gió ngoài khơi sẽ thiếu khả thi do hiện còn có những vướng mắc về khung pháp lý. Bên cạnh đó, với những vướng mắc về pháp luật hiện nay và điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới, có liên quan tới quốc phòng, an ninh, nên chưa nên giao tư nhân đầu tư thí điểm trong khi chưa đánh giá hết được các vấn đề về quốc phòng, an ninh, giá, vướng mắc pháp luật... Về phương án giao đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương cho rằng cần được đánh giá về sự phù hợp với chủ trương của Đảng, cũng như việc đánh giá tính khả thi sau khi xem xét năng lực của đơn vị cụ thể thuộc Bộ Quốc phòng.

Sẽ tiếp tục được làm rõ sau khi Bộ Công Thương nhận được ý kiến góp ý của Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành. Đại diện Bộ TN&MT cho biết Quy hoạch không gian biển quốc gia đã được phê duyệt. Vướng mắc đối với việc giao khu vực biển để điều tra, đo đạc, khảo sát sẽ được tháo gỡ khi sắp tới Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị Định 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức,

Cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Bên cạnh đó, Bộ TN&MT đã thực hiện giao biển cho 1 dự án điện gió ngoài khơi để xuất khẩu sang Singapore, khoảng 10 dự án điện gió trên biển ở vùng 6 hải lý. Bộ Công Thương có thể tham khảo các quy định, thủ tục hành chính để vận dụng cho dự án điện gió ngoài khơi. Mới đây nhất, tại thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện gió, điện khí ngoài khơi, Thường trực Chính phủ nêu quan điểm Bộ Chính trị đã có chủ trương cho thí điểm sản xuất, xuất khẩu điện gió ngoài khơi từ tháng 4/2024.

Đề nghị Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn xem xét giao ngay cho các đơn vị triển khai. Các vướng mắc pháp lý như quy định về sản lượng, chuyển giá, đề nghị nghiên cứu bổ sung vào các dự án luật. Việc hoạch định chiến lược phát triển điện gió ngoài khơi có hệ thống và toàn diện sẽ đặt nền móng cho sự phát triển bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và đóng góp tích cực cho mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Việc triển khai điện gió ngoài khơi cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng. Nhìn vào kinh nghiệm từ các nước đi đầu như Vương quốc Anh, Đan Mạch, Đức, Trung Quốc cho thấy cần thiết phải có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, đồng bộ và phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan.

Bích Ngọc

Bạn đang đọc bài viết Để điện gió ngoài khơi không còn “xa bờ". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Đề xuất giao PVN thí điểm làm điện gió ngoài khơi
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để có báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về các nội dung, thủ tục cần thiết để xem xét việc PVN thực hiện việc khảo sát điện gió ngoài khơi.

Tin mới