Thứ năm, 25/04/2024 14:12 (GMT+7)
Thứ ba, 26/07/2022 16:04 (GMT+7)

Đề án Hậu Giang xanh đi sâu vào thực tiễn

Theo dõi KTMT trên

Nhằm hiện thực hóa những mục tiêu mà Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hội nông dân tỉnh Hậu Giang đã ban hành kế hoạch, triển khai thực hiện đến các hội viên nông dân trong tỉnh và gặt hái được những tín hiệu tích cực.

Cụ thể, Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang đã thông qua các buổi họp, sinh hoạt định kỳ của chi, tổ hội ở ấp, khu vực, hội nông dân các cấp tuyên truyền về các nội dung của đề án, chính sách pháp luật về môi trường. Vận động cán bộ, hội viên nông dân chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường trong sinh hoạt, sản xuất, giữ gìn cảnh quan xanh - sạch - đẹp, với sự tham gia của 76.239 lượt cán bộ, hội viên.

Đồng thời, các cấp hội trong tỉnh còn tuyên truyền thông qua bản tin Hội Nông dân về nội dung trong đề án Hậu Giang xanh như bảo vệ môi trường ở nơi công cộng và trong cộng đồng, xử lý chất thải trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Đề án Hậu Giang xanh đi sâu vào thực tiễn - Ảnh 1
Đề án Hậu Giang xanh đang được Hội nông dân tỉnh Hậu Giang triển khai tích cực, hiệu quả.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác hội và phong trào nông dân, Hội nông dân các cấp trong tỉnh Hậu Giang đã xây dựng và nhân rộng các mô hình về bảo vệ môi trường như mô hình thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật: thành lập được 5 tổ thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật với 73 thành viên, nâng tổng số đến nay có 438 tổ với 3.216 thành viên. Hoạt động của tổ là thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng cò tồn đọng trên ruộng vườn vào các bể lưu chứa, vận chuyển từ bể lưu chứa đến điểm tập kết giao cho đơn vị chức năng vận chuyển, xử lý

Qua đó nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên nông dân trong các hoạt động bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường nông thôn, sống hài hòa và thân thiện với môi trường, từng bước chuyển biến hành vi của cán bộ, hội viên nông dân về các hoạt động bảo vệ môi trường.

Đồng thời, Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang cũng chỉ đạo các Hội Nông dân thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường tham gia thí điểm mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo kế hoạch triển khai thực hiện đề án Hậu Giang xanh.

Kết quả đến nay Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Vị Thanh đã chọn 600 hộ để thí điểm mô hình. Thông qua công tác tuyên truyền và thực hiện các mô hình đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động cụ thể về bảo vệ môi trường của cán bộ, hội viên nông dân.

Ngày 04/12/2020 Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang đã ban hành Nghị Quyết 20/2020/NQ-HĐND thông qua Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đề án Hậu Giang xanh đi sâu vào thực tiễn - Ảnh 2
Đề án Hậu Giang xanh nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường

Mục tiêu của Đề án là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường; kiểm soát ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải sản xuất nông nghiệp; nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đảm bảo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và tiêu chí văn minh đô thị; cải thiện cảnh quan môi trường đô thị và nông thôn để hướng đến xây dựng Hậu Giang “xanh - sạch - đẹp”.

Phấn đấu đến giai đoạn 2021 - 2025: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đảm bảo 100% hộ dân được tiếp cận; phấn đấu 90% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; phấn đấu 50% hộ gia đình ở nội ô đô thị lớn (TP. Vị Thanh, TP. Ngã Bảy và TX. Long Mỹ) thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; phấn đấu 50% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở nông thôn được thu gom, xử lý tập trung hoặc tự xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; riêng đối với các xã nông thôn mới nâng cao đạt từ 95% trở lên; phấn đấu 100% hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thực hiện các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; phấn đấu 50% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, xử lý đúng quy định. Phấn đấu 100% tuyến đường xã, liên xã được trồng cây xanh. Cải tạo cảnh quan môi trường trụ sở, cơ quan, trường học, công viên, nơi công cộng khác; hoàn thành cải tạo, khắc phục ô nhiễm môi trường bãi rác Tân Tiến - TP. Vị Thanh và bãi rác Long Mỹ - TX. Long Mỹ.

Đến năm 2030: Phấn đấu 100% lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; duy trì và mở rộng thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh; phấn đấu 80% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở nông thôn được thu gom, xử lý tập trung hoặc tự xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; riêng đối với các xã nông thôn mới nâng cao đạt từ 95% trở lên; phấn đấu 100% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, xử lý đúng quy định; duy trì các chỉ tiêu thực hiện đạt 100% trong giai đoạn 2021 - 2025.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Đề án Hậu Giang xanh đi sâu vào thực tiễn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.