ĐBQH lo ngại rủi ro từ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đối với ngành ngân hàng
Nhiều ĐBQH lo ngại rủi ro khi chứng khoán, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng đang nóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư.
Tiếp tục phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, nhiều Đại biểu đặc biệt quan tâm về những vấn đề liên quan đến chứng khoán, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro
Đại biểu Nguyễn Thị Bé (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) đặt vấn đề khi chứng khoán, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, hiện nay thị trường này đang nóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này. Và giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước như thế nào để kiểm soát tốt lĩnh vực này? "
Cũng đặt câu hỏi về vấn đề này, Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình): “Thống đốc đánh giá như thế nào về nguy cơ rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đối với hệ thống ngân hàng? Hiện Ngân hàng Nhà nước đã và đang sẽ có giải pháp gì trong vấn đề này?"
Trả lời chất vấn của Đại biểu Phan Đức Hiếu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết về hai vai trò của tổ chức tín dụng tham gia trên thị trường trái phiếu.
Về vai trò các tổ chức tín dụng là người phát hành trái phiếu, việc này như một hình thức huy động tiền của người dân. Người dân có thể gửi tiền dưới dạng chứng chỉ tiền gửi hoặc có thể mua trái phiếu của tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu này và có kỳ hạn trên 1 năm.
Như vậy, thuận lợi cho người dân có thể nắm giữ trái phiếu này, khi đến hạn thì nhận được tiền như đi rút tiền gửi.
Còn đối với các tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu chuyển đổi, người dân có thể thay vì nắm giữ tiền cũng có thể trở thành cổ đông nhỏ lẻ của tổ chức tín dụng.
Trong quá trình quản lý, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định với điều kiện, tiêu chuẩn. Các tổ chức tín dụng phải đồng thời thực hiện các quy định về pháp luật về chứng khoán, tức là trái phiếu doanh nghiệp theo Nghị định 153.
Với vai trò các tổ chức tín dụng là người đi mua, đầu tư trái phiếu do doanh nghiệp phát hành, đối với những cái khoản đầu tư mua trái phiếu này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành những quy định chặt chẽ, các tổ chức tín dụng nợ xấu trên 3 % sẽ không được mua trái phiếu doanh nghiệp.
Những doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có đủ khả năng trả nợ, thanh toán trái phiếu mà các tổ chức dụng thẩm định và không có nợ xấu trong vòng 12 tháng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức rà soát kỹ, nhận diện rủi ro để có các biện pháp phòng ngừa và xử lý.
Liên quan đế vấn đề về xử lý nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, giải pháp phòng ngừa là vấn đề rất quan trọng trong chiến lược phát triển và cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, hướng đến tiếp tục nâng cao năng lực quản trị.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát rủi ro, đặc biệt là rủi ro tín dụng, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; kiểm soát quy trình, thủ tục cho vay đảm bảo chặt chẽ, đúng điều kiện.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, giám sát; thường xuyên có cảnh báo đối với hoạt động cho vay để phòng ngừa rủi ro nợ xấu.
Trái phiếu doanh nghiệp chiếm hơn 18% GDP
Trước đó, tranh luận tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) nêu mục tiêu tới năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu đạt 25% GDP, nhưng tới cuối 2021 đã đạt hơn 18% GDP (gần 51 tỷ USD). Nếu so với năm 2018, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã tăng ba lần.
Đại biểu dẫn chứng vừa qua, sau thanh tra 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu thì phát hiện 57 doanh nghiệp thua lỗ, 45 đơn vị có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 10. Trong số 20 doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu nhiều nhất năm vừa qua, có doanh nghiệp phát hành gấp cả chục lần vốn chủ sở hữu. Có doanh nghiệp vốn chủ sở hữu 153 tỷ nhưng phát hành hơn 7.200 tỷ đồng… Theo ông Nghĩa, cần có giải pháp quản lý để 51 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp tồn đọng không phát sinh hậu quả tiêu cực như khủng hoảng nhà đất những năm trước đây.
Giải trình, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, số liệu do Ủy ban Chứng khoán và Vụ Tài chính Ngân hàng cung cấp thì trái phiếu doanh nghiệp tương đương 15% GDP. “Chỉ trừ trường hợp Tân Hoàng Minh hiện nay chưa trả được nợ khi hủy giao dịch, các doanh nghiệp còn lại đều trả được nợ, nghĩa là dòng trái phiếu doanh nghiệp vẫn trung chuyển bình thường”, ông Hồ Đức Phớc khẳng định.
Ông Phớc lý giải, trái phiếu phát hành riêng lẻ thì cơ quan Nhà nước gần như không cấp phép và không quản lý, doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh. Chỉ khi thấy bất thường thì mới đặt vấn đề cơ quan Nhà nước phải quản lý. Luật Chứng khoán cũng không đưa ra điều kiện phát hành, cần doanh nghiệp có lãi hay cần tài sản đảm bảo. Do đó, trong Nghị định 153 không thể quy định được điều kiện phát hành.
“Doanh nghiệp phát hành trái phiếu, sau đó có trách nhiệm trả lại tiền, nhưng phải phát hành đúng trình tự, quy định của pháp luật. Vừa rồi chúng ta xử lý những trường hợp phát hành không đúng quy định”, ông Hồ Đức Phớc cho hay.
Hà Lan