Thứ sáu, 19/04/2024 14:00 (GMT+7)
Thứ tư, 08/06/2022 16:55 (GMT+7)

Nhiều vấn đề "nóng" được ĐBQH nêu ra tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính

Theo dõi KTMT trên

Giá xăng dầu, bong bóng thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và thuế với xe biếu tặng... là những nội dung làm “nóng” phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ngày 8/6.

Nhiều vấn đề "nóng" được ĐBQH nêu ra tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính - Ảnh 1

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay (8/6) tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, nhiều Đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc xoay quanh vấn đề giá xăng dầu, câu chuyện giá sách khoa, bong bóng thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và thuế với xe biếu tặng...

Nhiều vấn đề "nóng" được ĐBQH nêu ra tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính - Ảnh 2

Phát biểu tại phiên chất vấn, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) đề nghị Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ quan điểm của Bộ Tài chính về các ý kiến đề nghị cần tiếp tục có các biện pháp giảm các khoản thuế xăng dầu để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trong thời gian này.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) đặt vấn đề, hiện nay lạm phát tăng nhanh, nước ta nhập khẩu nhiều, giá xăng tăng cao, việc giải ngân gói hỗ trợ cũng sẽ gây áp lực lạm phát. Bộ trưởng có giải pháp gì cho vấn đề lạm phát này?

Về giảm giá thuế đối với xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, so với các nước láng giềng như Lào, Thái Lan, Campuchia thì giá xăng dầu của Việt Nam vẫn cao hơn. Trước tình trạng giá xăng dầu Việt Nam lên cao, vấn đề đặt ra là có giảm thuế hay không thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giảm một phần thuế bảo vệ môi trường để giảm giá xăng dầu. Thời gian tới, Bộ tiếp tục nghiên cứu và tham mưu trình phương án giảm thuế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, sẽ đánh giá tác động để trình với Thường vụ Quốc hội để giảm thuế, giảm giá xăng dầu. Song, ông lưu ý nếu giảm thuế mà để buôn lậu thì dòng tiền sẽ chảy ra nước ngoài.

Đồng thời, Bộ trưởng đề cập đến việc nâng cao năng lực cung cầu, tìm nguồn cung, xem các công ty đầu mối mua ở đâu và đẩy mạnh sản xuất trong nước. Hiện nay nhu cầu của ta là 21 triệu tấn/năm, sản xuất trong nước là 11 triệu tấn và nhập khẩu 10 triệu tấn. Đồng thời, phải đẩy mạnh sản xuất trong nước lên vì có nhà máy Nghi Sơn hiện sản lượng rất thấp, có những giai đoạn còn dừng lại.

"Chúng tôi tiếp thu ý kiến Đại biểu, tham mưu cho Chính phủ kiến nghị Thường vụ Quốc hội để giảm thuế với xăng dầu", ông Hồ Đức Phớc nói.

Nhiều vấn đề "nóng" được ĐBQH nêu ra tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính - Ảnh 3

Chưa đồng ý việc Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời về giá xăng dầu, Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng, nếu can thiệp vào giá xăng dầu quá nhiều sẽ không đúng giá thị trường. Đại biểu này cho rằng, nên để giá xăng dầu tăng giảm tự nhiên theo giá thế giới, can thiệp đúng mức, chứ không cố gắng để giảm giá xuống thấp nhất.

Trả lời Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá nên lúc nào đó, Nhà nước phải can thiệp vào để giảm giá xăng dầu. Việc giảm giá xăng dầu sẽ có lợi ích giảm giá thành sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, cạnh tranh, giải quyết lao động, từ đó, tích lũy cho nền kinh tế và khi đó sẽ được thu thuế thông qua tăng giá trị gia tăng của nền kinh tế... Theo Bộ trưởng, đây là một giải pháp, tuy nhiên, giảm đến mức nào thì phải đánh giá tác động.

Nhiều vấn đề "nóng" được ĐBQH nêu ra tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính - Ảnh 4

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng Tài chính rà soát lại các loại thuế phí, đâu thuộc trách nhiệm Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Chủ tịch đặt câu hỏi biểu thuế xuất nhập khẩu thuộc trách nhiệm của ai, cần phải chủ động rà soát. Theo Chủ tịch Quốc hội, cũng cần phải nghiên cứu các công vụ và giải pháp để hỗ trợ người dân khó khăn, ngư dân khi giá xăng dầu tăng cao.

"Giá theo thị trường nhưng cần có sự quản lý của Nhà nước", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội nhận định về vấn đề giá cơ sở xăng dầu, không chỉ có vấn đề thuế, phí mà còn chi phí định mức, lợi nhuận định mức…

Nhiều vấn đề "nóng" được ĐBQH nêu ra tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính - Ảnh 5

Tại phiên chất vấn, nhiều Đại biểu cũng đã đề cập đến vấn đề giá sách giáo khoa. Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) hỏi việc kê khai giá sách giáo khoa hiện thế nào và có đưa mặt hàng vào diện bình ổn giá hay không?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, việc kê khai giá sách giáo khoa vẫn được doanh nghiệp thực hiện. Nhà nước chỉ thẩm định giá với những loại sản phẩm được mua bằng ngân sách, còn với mặt hàng này người mua sẽ lựa chọn chỗ tốt, rẻ nhất trên tinh thần minh bạch, công khai.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao thì băn khoăn hơn hai năm qua Ủy ban văn hóa Giáo dục và Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại biểu Quốc hội đã nhiều lần kiến nghị Bộ Tài chính về việc định giá sách giáo khoa nhưng chưa thấy trả lời. Trước đó nhiều năm, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị Bộ Tài chính quản lý khung giá sách giáo khoa và kê giá đúng theo luật định.

"Bộ có khó khăn gì khi phản hồi ý kiến của Đại biểu Quốc hội không? Khi nào giá sách giáo khoa ở mức phù hợp, lợi ích hài hòa, đáp ứng được chủ trương của Đảng và Nhà nước giáo dục là quốc sách hàng đầu", bà Quỳnh Dao nói.

Nhiều vấn đề "nóng" được ĐBQH nêu ra tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính - Ảnh 6

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời, văn bản Đại biểu gửi Bộ Tài chính từ 2020, nhưng cá nhân ông chưa nhận. Việc định giá sách giáo khoa, ông Phớc cho rằng phải đưa vào luật giá thì mới có cơ sở để làm, nếu không thì chỉ có thể chỉ đạo trong khung giá. Các cơ quan quản lý cần vận động họ tiết giảm chi phí để giá bán hạ xuống. "Còn nếu đưa vào diện bình ổn để Nhà nước phải bù giá thì phải đưa vào luật giá", Bộ trưởng Tài chính nói

Bộ Tài chính và Giáo dục & Đào tạo đã họp bàn, thống nhất sẽ báo cáo Thủ tướng, đưa mặt hàng sách giáo khoa vào Luật Giá, nhưng được quyết định hay không thuộc thẩm quyền Quốc hội.

Sau khi Bộ trưởng trả lời, Đại biểu Châu Quỳnh Giao tranh luận lại. Bà chia sẻ "không hiểu vì sao" hai năm qua, Ủy ban Văn hóa Giáo dục và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhiều lần kiến nghị Bộ Tài chính nhưng chưa thấy trả lời về việc đề xuất quản lý khung giá sách giáo khoa.

"Việc này không phải trách nhiệm của riêng Bộ trưởng, nhưng cử tri và Đại biểu mong muốn được giải thích rõ là có khó khăn gì trong việc đưa giá sách giáo khoa vào diện bình ổn giá. Chứ chúng ta cứ trả lời sắp tới, sắp tới, nhưng các em học sinh sẽ bị lỡ nhịp. Cần nói rõ để phụ huynh và học sinh biết khi nào giá sách giáo khoa ở mức phù hợp, lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp, Nhà nước, học sinh, phụ huynh", bà Giao nói.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng nói câu chuyện này "đã nói từ lâu rồi", nên cần sớm đưa sách giáo khoa vào loại hàng hóa đặc biệt, cần thẩm định giá. Nhà nước trợ giá cho học sinh vùng khó khăn càng sớm càng tốt. Luật Giá sắp tới cần phải sửa đổi điều này một cách tốt nhất, phục vụ cho các gia đình có con đi học.

Trả lời, Bộ trưởng nói ý kiến trợ giá sách giáo khoa cho học sinh vùng sâu, vùng xa là rất có ý nghĩa. Việc này do Quốc hội xem xét, quyết định. Ông cũng hoan nghênh việc sách giáo khoa phải kê khai giá trong Luật Giá.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn Hà Nội cho rằng, cần đưa sách giáo khoa vào loại hàng hóa đặc biệt và thẩm định giá. Đặc biệt, cần trợ giá sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá ý kiến này rất hay nhưng Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc này chỉ có Quốc hội quyết định, các cơ quan dưới không thể quyết định. Nếu kỳ họp này, Quốc hội thống nhất, đưa vào nghị quyết thì Bộ Tài chính sẽ tranh thủ hướng dẫn và tiến hành triển khai ngay vì luật giá quy định chỉ kê khai và không có trong khung định giá. Nếu làm được như vậy sẽ đảm bảo tính hợp lý về giá cả, giảm khó khăn cho người dân, người nghèo, người yếu thế trong xã hội.

Trả lời thêm về vấn đề giá sách giáo khoa, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thông tin, tại phiên trao đổi, giải trình về các vấn đề kinh tế xã hội, Bộ đã trao đổi về vấn đề này.

Trong thời gian sắp tới, Bộ Giáo dục sẽ phối hợp với Bộ Tài chính làm các thủ tục cần thiết để trình Quốc hội và Chính phủ về giải pháp ổn định, lâu dài cho sách giáo khoa. Về vấn đề thuộc chức năng, quản lý Nhà nước của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu thêm, Bộ đang tích cực biên soạn thông tư mới về vấn đề quy cách. quy chuẩn của sách cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Quy cách quy chuẩn này sẽ góp phần tác động vào giá sách. Việc yêu cầu doanh nghiệp tiết giảm chi phí, giảm khâu trung gian, giảm chi phí phát hành và thực hiện cạnh tranh lành mạnh, Bộ đã và đang làm. Tuy nhiên, Bộ sẽ thực hiện với nhà xuất bản giáo dục, một doanh nghiệp do Bộ làm cơ quan chủ quản. Theo Bộ trưởng, có 5 đơn vị hiện nay làm công việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa. Còn đối với các đơn vị khách, tác động chỉ đạo có phần khó khăn hơn.

Nhiều vấn đề "nóng" được ĐBQH nêu ra tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính - Ảnh 7

Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) nêu vấn đề giá trị vốn hóa của doanh nghiệp đang gấp nhiều lần giá trị lúc phát hành lần đầu (IPO). Theo Đại biểu, sự gia tăng này phản ánh tính hấp dẫn của kênh đầu tư, nhưng cũng có tác động lớn của các chiêu trò đầu cơ, thổi giá lũng đoạn thị trường, tạo ra "bong bóng chứng khoán". Tình trạng này làm tăng suất vốn đầu tư trên một đơn vị tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế.

"Đề nghị Bộ trưởng đánh giá về mức độ bong bóng của thị trường chứng khoán nước ta hiện nay? Bộ Tài chính có những công cụ, Bộ chỉ báo nào để nhận diện, đánh giá tính chất mức độ bong bóng chứng khoán, giải pháp gì để thị trường chứng khoán phát triển ổn định trong thời gian tới?", ông Lâm đặt vấn đề.

Nhiều vấn đề "nóng" được ĐBQH nêu ra tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính - Ảnh 8
Tác động lớn của các chiêu trò đầu cơ, thổi giá lũng đoạn thị trường, tạo ra "bong bóng chứng khoán".

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Phớc cho biết thị trường chứng khoán đang có bước phát triển tốt, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2021 khoảng 26%. Đối với thị trường cổ phiếu, năm 2021, giao dịch đạt gần 7,7 triệu tỷ đồng, chiếm 92% GDP và tăng 46,7% so với năm 2020. Trái phiếu doanh nghiệp thì đạt 1,37 triệu tỷ đồng, tương đương 15% GDP.

Bộ trưởng Phớc cho biết thị trường chứng khoán của Việt Nam còn non trẻ, mới chỉ 22 năm, nhưng có nhiều tín hiệu tích cực, trong khi các nước tiên tiến đã có trên 500 năm rồi.

Tuy nhiên, thời gian qua xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. Nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng.

Theo Bộ trưởng, đây là những sai phạm của cá nhân. "Chúng tôi đã tiến hành cảnh báo cho nhà đầu tư, trình Chính phủ sửa Nghị định 153 và tăng cường các giải pháp thực hiện minh bạch đối với thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp", Bộ trưởng nói và khẳng định đây vẫn là những kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả, đảm bảo nguồn lực cho nền kinh tế phát triển.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết đã tăng cường kiểm tra, đưa trí tuệ nhân tạo vào để theo dõi các nghiệp vụ phát sinh; theo dõi sự lên xuống đột ngột của các cổ phiếu; thiết lập sàn riêng để theo dõi trái phiếu riêng lẻ. Tiến tới, cơ quan này sẽ đề nghị Quốc hội hoàn thiện Luật Chứng khoán, quy định rõ điều kiện phát hành với một số lằn ranh.

Qua kiểm tra, Bộ Tài chính phát hiện nhiều vi phạm, có cả trường hợp lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền. Hồi đầu tháng 4, Bộ Tài chính cũng đã thanh tra các công ty kiểm toán độc lập của các công ty chứng khoán và phát hiện nhiều sai phạm, chuyển cơ quan điều tra 34 vụ, xử phạt hành chính 568 vụ, với số tiền hơn 29 tỷ đồng. Ông Phớc cho rằng đây cũng là bước làm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán.

"Cán bộ Bộ Tài chính cũng có trách nhiệm trong việc này. Chúng tôi đã cách chức 2 cán bộ lãnh đạo, cảnh cáo 2 cán bộ, kiểm điểm nhiều người khác, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, Tổng giám đốc HoSE bị cách chức...", Bộ trưởng cho biết.

Bên cạnh đó, nhiều Đại biểu cũng đặt câu Thậm chí, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) còn đặt vấn đề về các sai phạm trên TTCK thời gian qua, phải chăng đó là sự yếu kém của cơ quan chức năng. Đại biểu đề nghị cần có giải pháp lành mạnh hóa thị trường thay vì siết chặt theo hướng "không quản được thì cấm", ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường.

Nhiều vấn đề "nóng" được ĐBQH nêu ra tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính - Ảnh 9

Trả lời Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Bộ trưởng Tài chính cho biết, hiện nay, không có chủ trương nào nói về vấn đề siết chặt trái phiếu doanh nghiệp. Đây là kênh huy động vốn hiệu quả để huy động cho doanh nghiệp, đóng góp cho sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh, việc huy động phải đúng pháp luật, minh bạch, không được lợi dụng để sử dụng số tiền sai mục đích, đưa vào mục đích khác.

Hiện nay, quy mô trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam mới chỉ chiếm 15% GDP, so với mục tiêu chiến lược đặt ra năm 2025 phải đạt được 20%, 2030: 25% thì vẫn còn trong khoảng cho phép. So với các nước xung quanh, quy mô trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam cũng đang ở mức thấp nhất, vẫn còn dư địa.

Sau trả lời của Bộ trưởng Tài chính, Chủ tịch Vương Đình Huệ cho rằng việc Bộ trưởng so thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam với các nước thì khập khiễng, vì các nước phát triển thị trường này lâu đời rồi, Việt Nam mới sơ khai. Mặc dù mới phát triển song theo Chủ tịch Vương Đình Huệ, năm 2021, quy mô thị trường đã tăng lên 15% GDP, trong khi 2025 dự kiến là 20%.

"Riêng năm 2021 tăng rất đột biến và để xảy ra những sai phạm như Đại biểu đã biết. Cần rà soát xem chính sách pháp luật có gì bất cập không, hoàn thiện thời gian tới như thế nào, thanh tra kiểm tra làm sao", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Cũng theo ông Vương Đình Huệ, mặc dù cơ quan nào cũng nói không có động thái siết trái phiếu doanh nghiệp, nhưng 2 tháng gần đây đã giảm mạnh. Chủ tịch cũng đặt vấn đề liên quan tới nợ đến hạn một số trái chủ. Nợ đến hạn năm nay rất lớn, vậy thanh khoản khu vực này như thế nào, Chủ tịch đặt vấn đề.

Nhiều vấn đề "nóng" được ĐBQH nêu ra tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính - Ảnh 10

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về việc xe biếu tặng có trốn thuế không, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, các hãng xe phải đặt đại lý ở Việt Nam để chuyển xe, tuy nhiên, có nhiều loại xe số lượng bán ít nên không có đại lý, là xe đặc thù nên lợi dụng lỗ hổng này các doanh nghiệp chuyển sang biếu tặng.

Theo quy định hiện hành, xe biếu tặng không được giảm, miễn bất cứ loại thuế nào kể cả thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, thu nhập doanh nghiệp...Thời gian vừa qua, báo chí có phản ánh và Bộ Tài chính cũng đã tổ chức kiểm tra và đúng là có việc doanh nghiệp kê khai giá thấp nhưng cơ quan hải quan đã căn cứ vào quy định đối với bảng thuế các loại xe, xác định lại xe biếu tặng để truy thu thuế.

Bộ trưởng thông tin thêm, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an kiểm tra. Bộ Tài chính cũng đã giao cho Tổng cục Hải quan làm việc với Cục Cảnh sát điều tra về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu (Bộ Công an). Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có kết quả nhưng Bộ Tài chính đã chỉ đạo các cục thuế, Tổng cục Hải quan chỉ đạo các cục hải quan của các địa phương kiểm tra, rà soát lại xem có thất thu thuế không và việc định giá xe có chính xác không.

"Hiện theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, không phát hiện thất thu thuế, các loại thuế được nộp đầy đủ", ông Bộ trưởng Phớc nói.

Về chất vấn của Đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn ĐBQH TP.HCM) về việc một số xe mà các nhà hảo tâm tài trợ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhưng đề nghị nhiều lần vẫn không được Bộ Tài chính miễn thuế, phí, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, theo quy định của pháp luật thì các loại xe biếu tặng không được miễn thuế phí.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đối với các vấn đề cấp bách như công tác phòng, chống dịch mà các quy định của pháp luật vượt thẩm quyền của bộ, ngành cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho cơ chế đặc thù, giải quyết ngay trong tình huống đặc biệt.

Nội dung: Hà Lan
Đồ họa: Hoàng Việt

Bạn đang đọc bài viết Nhiều vấn đề "nóng" được ĐBQH nêu ra tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .